Cuộc sống tại ngoại đặc biệt của bà Mạnh Vãn Chu tại Vancouver

18/01/2019 - 17:23

PNO - Sau khi được bảo lãnh, Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu sống ở Vancouver dưới sự giám sát GPS 24/24 của công ty bảo vệ tư nhân Lions Gate và giới nghiêm từ 11g đêm đến 6g sáng hôm sau.

Cuoc song tai ngoai dac biet cua ba Manh Van Chu tai Vancouver
Ngày 12/12/2018, bà Mạnh Vãn Chu lần đầu tiên xuất hiện bên ngoài căn nhà của bà, trên cổ quàng chiếc khăn Hermes màu tím, đeo túi xách Bottega Veneta. 

Hàng ngày, bà Mạnh bước ra từ căn biệt thự trị giá 4,2 triệu USD và bước lên chiếc xe SUV màu đen, ở mắt cá chân bà đeo vòng định vị GPS. Bà được tự do lang thang các cửa hiệu và nhà hàng trong khu vực hơn 100km² ở Vancouver cho đến 11g đêm vì sau đó là giờ giới nghiêm.

Đây là cuộc sống bị quản thúc tại gia của bà Mạnh Vãn Chu, con gái tỉ phú Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Huawei lớn nhất Trung Quốc. Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ đã gây ra tranh cãi ngoại giao chưa từng có giữa Canada và Trung Quốc. Chín ngày sau khi bà Mạnh bị bắt (1/12), Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada vì lý do an ninh quốc gia. Trong tuần này, phiên tòa ở Trung Quốc đã tuyên án tử hình một người Canada vì tội buôn lậu ma túy.

Tương lai vụ án Mạnh Vãn Chu vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, bà lại trở thành nhân vật được du khách quan tâm, họ dừng chân chụp ảnh selfie ngay bên ngoài nhà của bà, gần một công viên rộng 2.000 mẫu nhìn ra Thái Bình Dương.

Để được tại ngoại, bà Mạnh phải trả một khoản tiền không nhỏ cho công ty giám sát Lions Gate, bao gồm cả 2 nhân viên canh gác và một tài xế. Nicholas Casale, một cựu thám tử của cảnh sát Vancouver cho biết, khoản tiền trên vào khoảng 7.000 USD/ngày, tương đương 2,5 triệu USD/năm.

Cuoc song tai ngoai dac biet cua ba Manh Van Chu tai Vancouver
Bà Mạnh Vãn Chu (giữa) rời khỏi nhà khi đang được tại ngoại ở Vancouver, Canada, ngày 10/1/2019 - Ảnh: Bloomberg

Trước đó, người thân của bà Mạnh đã nộp cho tòa án khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD. Ông Casale nói rằng điều kiện bảo lãnh dành cho bà Mạnh là “không bình thường”, vì các bị cáo thông thường sẽ bị hạn chế đi lại và thông tin liên lạc, còn bà Mạnh có thể đi ăn tối hoặc mua sắm thoải mái.

Mặc dù vậy, trước mắt bà Mạnh vẫn là tương lai chưa rõ ràng. Trên thực tế, phiên tòa dẫn độ bà Mạnh có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là vài năm, và nhiều khả năng là cuối cùng bà sẽ bị dẫn độ.

Hoa Kỳ từ nay đến cuối tháng Giêng sẽ phải giao yêu cầu dẫn độ chính thức cho Canada. Bộ trưởng Tư pháp Canada David Lametti có thể từ chối yêu cầu của Mỹ hoặc ra lệnh mở phiên tòa dẫn độ. Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra đối với bà Mạnh cho đến phiên tòa sắp tới.

Bộ trưởng Lametti không thể tự ý từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ, nếu không Bộ của ông sẽ phải định đoạt việc gian lận không cấu thành tội phạm ở Canada, mà đây lại là một điều bất khả thi. Hơn nữa, tại Canada, thẩm phán dẫn độ phải chấp nhận bất kỳ bằng chứng nào mà Hoa Kỳ đưa ra, quá trình tố tụng không xem xét sức nặng của bằng chứng hoặc khả năng kết án.

Về phần mình, bà Mạnh từng có lần đề cập tới việc bà muốn dành thời gian cho việc học và gia đình trong thời gian quản thúc có thể kéo dài nhiều năm. Bà muốn nộp đơn xin học bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học British Columbia ngay gần nhà. 

Bà Mạnh nói trong phiên tòa xét tại ngoại: “Tôi đã làm việc chăm chỉ suốt 25 năm, nếu được tự do, mục tiêu đơn giản của tôi là dành thời gian cho chồng và con gái. Đã nhiều năm nay tôi không đọc một cuốn tiểu thuyết nào cả”.

Thanh Hải (Theo SCMP/Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI