Cuộc chiến chống hủ tục - Bài 1: “Hoa sa mạc”

02/04/2013 - 14:40

PNO - PN - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có từ 100 đến 140 triệu phụ nữ và trẻ em trên thế giới là nạn nhân của hủ tục “cắt âm vật”. Một trong những người đấu tranh quyết liệt với hủ tục dã man này là bà Waris Dirie, cựu...

Cuoc chien chong hu tuc - Bai 1: “Hoa sa mac”

Waris Dirie lúc là người mẫu

Waris Dirie sinh ra trong một gia đình du mục ở Galkavo, Somalia, cách đây 48 năm. “Waris”, theo ngôn ngữ Somalia có nghĩa là “hoa sa mạc”. Mang tên một loài thực vật được coi là “phép lạ của tạo hóa” ở vùng đất chết, nhưng số phận của cô bé bắt đầu từ một tai họa.

Mới lên năm, Waris bị mẹ ruột đè trên một hòn đá để một người phụ nữ khác dùng dao lam cắt âm vật. Xong, người ta dùng chỉ thô may bít âm hộ, chỉ chừa một lỗ tiểu nhỏ xíu. Do không có thuốc tê và thuốc sát trùng, vết thương bị nhiễm trùng.

Từ sa mạc đến London, New York

Trước đó, cũng do hủ tục này, một trong các chị em gái của Waris đã chết oan vì vết thương chảy máu quá nhiều. Một người chị họ sáu tuổi của Waris cũng chết vì bị nhiễm trùng máu. Sau này nhớ lại, Waris vẫn còn rùng mình: “Nó giống như ai đó xẻ thịt hay chặt bỏ cánh tay bạn vậy. Đau đớn không thể tả vì đó là chỗ nhạy cảm nhất trên cơ thể người phụ nữ”.

Ở Somalia, không chỉ có hủ tục cắt âm vật (FGM) mà còn có nạn tảo hôn. Năm 13 tuổi, Waris bị cha gả bán cho một người đàn ông đáng tuổi ông nội. Không cam chịu, Waris bỏ trốn lên Mogadishu, thủ đô Somalia, sống với gia đình người chị. Sau đó, cùng với vài người bà con, cô đến London sống với một người cậu là đại sứ Somalia ở Vương quốc Anh. Waris bắt đầu đi làm ở tiệm bán thức ăn nhanh McDonald. Tối, cô đi học Anh văn.

May mắn cuối cùng cũng mỉm cười với Waris. Tình cờ, cô được nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng Terence Donoven phát hiện. Lần đầu tiên ảnh Waris Dirie xuất hiện trên trang bìa lịch Pirelli năm 1987. Từ đó, Waris bước vào nghề người mẫu, thường xuyên xuất hiện trên các poster quảng cáo của các hãng thời trang và mỹ phẩm hàng đầu thế giới như Chanel, Levi’s, L’Oréal và Revlon. Cô cũng có mặt trên các sàn catwalk ở London, Milan, Paris và New York. Năm 1995, đài BBC công chiếu phim tài liệu Một người du mục ở New York để nói về sự nghiệp người mẫu của Waris - lúc đó mang quốc tịch Áo.

Cuoc chien chong hu tuc - Bai 1: “Hoa sa mac”

Cuoc chien chong hu tuc - Bai 1: “Hoa sa mac”

Không hận mẹ

Năm 1997, lần đầu tiên Waris chia sẻ trên tạp chí Marie Claire về tệ nạn FGM: “Nghề người mẫu giúp tôi có khả năng chu du khắp thế giới và chứng kiến tác hại của FGM. Tiền bạc tôi cũng có nhưng không thể khắc phục cái tôi đã bị người ta cướp đi. Mỗi ngày, tôi cố gắng tìm hiểu tại sao điều đó xảy ra với tôi. Nó thật khủng khiếp và tàn nhẫn bởi không có lý do gì hay một lời giải thích thỏa đáng, dù cho đó là truyền thống, văn hóa, tập tục, tín ngưỡng hay là gì đi nữa. Càng nghĩ tôi càng căm hận”.

Waris thú nhận về mặt thể xác mọi chuyện khá ổn. Bà đã lấy chồng và có hai con nhưng chưa bao giờ biết khoái cảm là gì.

Đối với mẹ, Waris tuyên bố không bao giờ phiền trách hay hận mẹ: “Trong một xã hội đòi hỏi các cô gái phải trinh trắng trước khi lấy chồng, mẹ tôi không có sự chọn lựa nào khác. Bà chỉ muốn tốt cho tôi”. Waris nói ra điều đó từ thâm tâm vì càng đi nhiều, bà càng thấu hiểu tâm thế người phụ nữ trong những xã hội còn nhiều định kiến và hủ tục. Từ đó, Waris quyết tâm làm điều gì đó xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và man rợ đối với phụ nữ và trẻ em.

Cuoc chien chong hu tuc - Bai 1: “Hoa sa mac”

Waris Dirie và trẻ em châu Phi

Đang ở đỉnh cao nghề nghiệp, lời tuyên chiến của Waris Dirie đối với hủ tục FGM gây tiếng vang toàn cầu. Các phương tiện truyền thông đại chúng thế giới đều loan tin sự kiện này. Năm 37 tuổi, Waris giã từ sự nghiệp người mẫu để dấn thân vào công tác xã hội, xóa bỏ hủ tục FGM bằng mọi phương tiện.

Năm 1997, Waris trở thành đặc sứ Liên Hiệp Quốc bài trừ FGM. Năm 1998, bà xuất bản tự truyện Desert Flower (Hoa sa mạc) gây chấn động dư luận quốc tế. Quyển sách nhanh chóng chiếm vị trí cao trong bảng danh sách “sách bán chạy”. Năm 2009, nó được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên do siêu mẫu Liya Kebede, người Ethiopia, đóng vai Waris Dirie. Phim nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Các năm sau, Waris tiếp tục viết nhiều quyển truyện khác cũng thành công không kém như Hừng đông sa mạc, Thư gửi mẹ tôi, Trẻ em sa mạc. Số sách này được phát hành song song với một chiến dịch chống FGM ở châu Âu.

Năm 2002, Waris thành lập Quỹ Hoa Sa Mạc (DFF) tại Vienna, thủ đô Áo, kêu gọi thế giới quan tâm đến sự hiểm nguy của tệ FGM, một hủ tục ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất của ba triệu trẻ em hàng năm trên thế giới. Tuyên ngôn của DFF cũng kêu gọi chính quyền các nước đặt hủ tục FGM ra ngoài vòng pháp luật, hỗ trợ chỗ ở cho các nạn nhân. Kẻ thủ ác, dù mang quốc tịch nào cũng phải bị trừng trị. DFF còn kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu sâu phương pháp tái tạo âm vật.

Waris Dirie không hoạt động đơn độc “một mình chống FGM”. Bên cạnh bà còn có Chantal Compaoré, đệ nhất phu nhân nước Burkina Faso, diễn viên điện ảnh Mỹ gốc Mexico Salma Hayek; Khady Koita, nhà hoạt động nữ quyền Senegal và nhiều thành viên nghị viện châu Âu.

Mất tích bí ẩn

Những nỗ lực của bà Waris Dirie và đồng đội đã đạt được kết quả ban đầu. WHO nhìn nhận FGM vi phạm nhân quyền của trẻ em gái và phụ nữ. Năm 2008, tổ chức quốc tế này kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và quốc gia, các hội đoàn xã hội hậu thuẫn và tăng cường những hành động nhằm xóa bỏ FGM. Trên thực tế cũng đã có một sự chuyển biến tích cực trong xã hội một số nước. Ai Cập đã hình sự hóa hủ tục này sau cái chết đắng lòng của một cô gái 12 tuổi.

Đồng thời, Waris cũng bị những thế lực bảo thủ tìm cách hãm hại. Tháng 3/2004, Waris bị tấn công tại nhà riêng ở Vienna (Áo). Một tên vô công rỗi nghề 26 tuổi, người Tây Ban Nha tên Paulo Augusto, đột nhập vào nhà bà từ cửa sổ nhà hàng xóm. Cảnh sát cho hay: “Bà ấy khiếp sợ đến nỗi để hắn tự do vào nhà, ném bà ra cửa sổ”. Rất may Waris chỉ bị thương nhẹ. Hắn bỏ đi bằng taxi nhưng sau đó quay trở lại phá vỡ cửa kính tầng trệt. Hàng xóm trông thấy gọi cảnh sát đến bắt hắn. Tòa án Vienna xử hắn năm tháng tù treo vì có dấu hiệu tâm thần.

Nguy hiểm chưa thôi rình rập Waris. Sáng sớm ngày 5/3/2008, Waris đến Brussels, thủ đô Bỉ, tham dự hai hội nghị về nữ quyền do EU tổ chức với tư cách là đại sứ thiện nguyện Liên Hiệp Quốc. Vậy nhưng, bà bỗng mất tích một cách bí ẩn.

Trước đó một tuần, người ta tìm thấy xác bà Katoucha Niane, cựu người mẫu Guinea đấu tranh chống FGM, trôi trên sông Seine, Paris. Nghi ngờ bà Waris bị bắt cóc, cảnh sát Bỉ mở một cuộc điều tra khắp nước. Ba ngày sau, họ tìm thấy bà ở miền Trung nước Bỉ. Vụ này đến nay vẫn chìm trong bí ẩn khi cảnh sát tuyên bố bà đi lạc do “lên nhầm taxi”.

TRỌNG NGHĨA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI