Công lý nào cho nữ sinh bị thiêu sống sau khi tố cáo hiệu trưởng sàm sỡ

19/04/2019 - 10:00

PNO - Sự can đảm của Nusrat khi lên tiếng chống lại tấn công tình dục, và cái chết của cô, năm ngày sau khi bị thiêu sống khiến một quốc gia bảo thủ như Bangladesh cũng phải dậy sóng.

Bị thiêu sống vì quyết tâm tố kẻ sàm sỡ 

Nusrat, 19 tuổi, sinh ra tại thị trấn nhỏ Feni, cách 160km về phía nam của Dhaka. Cô đang học tại một madrassa, hay trường Hồi giáo. Vào ngày 27/3, nữ sinh kể rằng hiệu trưởng gọi cô vào văn phòng và liên tục chạm vào cô một cách khiếm nhã. Trước khi mọi thứ tiến xa hơn, cô chạy ra ngoài.

Nhiều cô gái và phụ nữ trẻ ở Bangladesh chọn cách giữ bí mật về hành vi quấy rối hoặc lạm dụng tình dục vì sợ bị xã hội hoặc gia đình chỉ trích. Nhưng Nusrat Jahan đã cùng gia đình đến cảnh sát để trình báo sự việc.

Cong ly nao cho nu sinh bi thieu song sau khi to cao hieu truong sam so
Nusrat hứng chịu đả kích từ cộng đồng và dư luận sau khi lên tiếng tố cáo hành vi sàm sỡ từ vị hiệu trưởng nơi cô theo học.

Tại đồn cảnh sát địa phương, nơi đáng lẽ là môi trường an toàn để cô nữ sinh nhớ về những trải nghiệm đau thương của mình, viên cảnh sát phụ trách lại dùng điện thoại cá nhân ghi hình lời kể của nạn nhân.

Trong video, Nusrat tỏ ra rất đau khổ và cố gắng che giấu khuôn mặt của mình bằng tay. Viên cảnh sát thì nói rằng "không có gì to tát" và bảo cô hạ tay khỏi mặt. Video này sau đó đã “vô tình” rò rỉ cho phương tiện truyền thông địa phương.

Đối với một cô gái ở vị trí của Nusrat Jahan Rafi, báo cáo quấy rối tình dục có thể đi kèm với hậu quả nặng nề. Nạn nhân thường phải đối mặt với sự phán xét từ cộng đồng, quấy rối, trực tiếp và trực tuyến, và trong một số trường hợp là các cuộc tấn công bạo lực.

Nusrat trải nghiệm tất cả những điều trên. Vào ngày 27/3, sau khi cô đến gặp cảnh sát, họ đã bắt giữ hiệu trưởng nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với Nusrat. Một nhóm người tụ tập trên đường phố đòi thả người đàn ông.

Cuộc biểu tình được sắp xếp bởi hai nam sinh viên và các chính trị gia địa phương. Mọi người bắt đầu đổ lỗi cho Nusrat. Gia đình cô nói rằng họ bắt đầu lo lắng về sự an toàn của con gái.

Tuy nhiên, vào ngày 6/4, 11 ngày sau vụ tấn công tình dục, Nusrat phải đến trường để dự kỳ thi cuối cùng.

Cong ly nao cho nu sinh bi thieu song sau khi to cao hieu truong sam so
Hàng nghìn người đã dến lễ tang của Nusrat tại thị trấn nhỏ nơi cô sinh ra.

Anh trai của Nusrat, Mahmudul Hasan Noman nói: "Tôi đưa em gái đến trường và cố gắng vào trong, nhưng tôi đã bị chặn lại và không được phép vào. Nếu tôi không dừng lại, chuyện này có lẽ sẽ không xảy ra với em gái tôi”.

Theo lời kể từ chính Nusrat, một nữ sinh đã dụ cô lên sân thượng, nói rằng một trong những người bạn của cô đang bị đánh. Khi Nusrat lên sân thượng bốn hoặc năm người, mặc áo choàng, vây quanh cô, gây áp lực buộc cô phải rút đơn tố cáo. Khi Nusrat từ chối, họ thiêu sống cô.

Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Banaj Kumar Majumder nói rằng những kẻ giết người muốn "ngụy tạo hiện trường thành một vụ tự sát". Kế hoạch của họ thất bại khi Nusrat được giải cứu và vẫn có thể đưa ra lời buộc tội trước khi chết.

Ông Majumder nói với BBC: "Một trong những kẻ tấn công giữ đầu cô ấy bằng tay nên khu vực đó không dính dầu hỏa, đó là lý do tại sao đầu cô ấy không bị đốt cháy".

Nhưng khi Nusrat được đưa đến bệnh viện địa phương, bác sĩ báo cáo rằng toàn thân cô gái đều bỏng nặng. Không thể điều trị vết bỏng, họ gửi cô đến Bệnh viện Đại học Y khoa Dhaka.

Trong xe cứu thương, vì sợ mình không thể sống sót, Nusrat đã ghi lại lời buộc tội trên điện thoại di động của anh trai mình: "Hiệu trưởng chạm vào người tôi, tôi sẽ chiến đấu với tội ác này cho đến hơi thở cuối cùng". Đồng thời, cô cũng xác định một số kẻ tấn công mình là học sinh tại madrassa.

Cong ly nao cho nu sinh bi thieu song sau khi to cao hieu truong sam so
Anh trai của Nusrat suy sụp trong đám tang người em gái.

Tin tức về sức khỏe của Nusrat xuất hiện khắp các phương tiện truyền thông tại Bangladesh. Vào ngày 10/4, cô gái qua đời. Hàng nghìn người đã đến dự đám tang của cô ở Feni.

Cảnh sát đã bắt giữ 15 người, bảy người trong số họ bị cáo buộc liên quan đến vụ giết người. Trong số những người bị bắt có hai nam sinh đã tổ chức cuộc biểu tình ủng hộ hiệu trưởng. Bản thân hiệu trưởng vẫn bị giam giữ. Người cảnh sát đã quay đoạn phim khiếu nại quấy rối tình dục của Nusrat đã bị cách chức và chuyển sang bộ phận khác.

Thủ tướng Sheikh Hasina đích thân đến gặp gia đình của Nusrat tại thủ đô Dhaka và hứa rằng mọi cá nhân liên quan đến vụ giết người sẽ được đưa ra công lý:  "Không ai trong số các thủ phạm có thể trốn khỏi hành động pháp lý”.

Xã hội dậy sóng...

Cái chết của Nusrat làm dấy lên các cuộc biểu tình và hàng nghìn người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để bày tỏ sự tức giận của họ, về trường hợp của cô và việc đối xử với các nạn nhân tấn công tình dục ở Bangladesh.

Theo nhóm vận đồng vì quyền phụ nữ Bangladesh Mahila Parishad, có khoảng 940 vụ hiếp dâm ở Bangladesh vào năm 2018. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết con số thực sự còn có khả năng cao hơn nhiều.

Salma Ali, cựu giám đốc Hiệp hội Nữ Luật sư lên tiếng: "Khi một phụ nữ cố gắng lấy lại công bằng sau vụ quấy rối tình dục, cô ấy phải đối mặt với nhiều hành vi quấy rối khác. Vụ án kéo dài trong nhiều năm, sự phỉ báng từ xã hội, sự thiếu hợp tác của cảnh sát trong việc điều tra các cáo buộc".

Cong ly nao cho nu sinh bi thieu song sau khi to cao hieu truong sam so
Nhiều người biểu tình đòi công lý ở thị trấn quê nhà của Nusrat.

Vào năm 2009, Tòa án Tối cao của đất nước thông qua lệnh thiết lập các phòng tư vấn tại tất cả các cơ sở giáo dục nơi học sinh có thể đến khiếu nại về quấy rối tình dục, nhưng rất ít trường học đã thực hiện sáng kiến ​​này. Các nhà hoạt động hiện đang yêu cầu trật tự được thực thi và ghi vào trong luật để bảo vệ sinh viên, học sinh.

Giáo sư Kaberi Gayen từ Đại học Dhaka nói: "Vụ việc này làm chúng tôi rung động, nhưng như chúng ta đã thấy trong quá khứ, những sự cố như vậy rồi cũng rơi vào quên lãng. Tôi không nghĩ sẽ có một sự thay đổi lớn sau chuyện này. Chúng ta phải xem liệu công lý có được thực hiện hay không".

"Thay đổi phải đến, cả về hệ tư tưởng lẫn việc thực thi luật pháp. Nhận thức về quấy rối tình dục nên được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu ở trường học. Thế hệ tương lai phải học những gì là đúng và sai khi nói đến quấy rối tình dục".

Ngọc Hạ (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI