Chồng giả chết để trốn nợ, vợ ở nhà đau khổ quyên sinh

18/10/2018 - 17:00

PNO - Vụ việc một phụ nữ ở tỉnh Hồ Nam tự tử cùng hai con nhỏ gây sốc cho người dân Trung Quốc. Sự việc dấy lên cuộc tranh luận về số phận người phụ nữ ở những vùng nông thôn nghèo.

Người chồng họ He giả vờ chết để trốn nợ và chiếm khoản thanh toán bảo hiểm cho gia đình. Sau khi đầu thú, anh bị buộc tội hủy hoại tài sản và gian lận bảo hiểm.

Anh He nợ hơn 100.000 nhân dân tệ (14.400 USD). Anh dàn dựng cái chết của mình bằng cách thuê một chiếc xe và lao xuống sông vào ngày 19/9. Ba tuần sau khi anh biến mất, vợ anh là chị Dai đăng tải bức thư tuyệt mệnh lên trang Wechat, nói rằng cô sẽ quyên sinh để cả gia đình đoàn tụ.

Một ngày sau khi hàng xóm thấy xác của Dai và hai con nhỏ, ngày 12/10, anh He ra đầu thú ở sở cảnh sát. He nói rằng anh lên kế hoạch ẩn náu một thời gian, sau đó sẽ quay về đem vợ con đi trốn. Nhưng anh đã không nói lời nào với vợ về kế hoạch này.

Anh He nói: “Con gái tôi bị ốm, cần đi kiểm tra sức khỏe mỗi tháng. Tôi phải trả hết tiền thuê xe và chi phí gia đình. Tôi cũng bị bệnh. Tôi làm điều này để tránh nợ nần. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng vợ tôi sẽ tự sát cùng tôi”.

Chong gia chet de tron no, vo o nha dau kho quyen sinh
Tỷ lệ tự sát ở nữ giới Trung Quốc cao hơn nam giới, với phần lớn các trường hợp xảy ra tại vùng nông thôn.

Truyền thông Trung Quốc tiếp tục tìm hiểm thêm chi tiết về vụ việc, phỏng vấn người thân của ông, đăng ảnh chụp màn hình của lá thư của Dai, và những hình ảnh của cặp đôi trẻ.

Các cuộc tranh luận trực tuyến nổi lên, nhiều người chỉ trích nạn cho vay nặng lãi của Trung Quốc khiến dân nghèo nợ chồng nợ. Những người khác thì đồng cảm trước tình cảnh khắc nghiệt của phụ nữ ở nông thôn Trung Quốc.

Một bài xã luận từ tờ Tin tức Bắc Kinh ghi: “Cốt lõi của bi kịch này không phải là 'cái chết cho tình yêu', hay gian lận về tài chính. Đây là sự tuyệt vọng không lối thoát của phụ nữ. Sự tuyệt vọng này phổ biến hơn ở vùng nông thôn”.

Trong nhiều năm, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia có tỷ lệ nữ giới tự sát cao hơn nam giới. Các vụ tự tử thường xuất hiện ở khu vực nông thôn thay vì trung tâm đô thị, có thể do liên quan đến việc thiếu thốn kinh tế, cách ly xã hội và các chính sách kế hoạch hóa gia đình buộc phụ nữ phải phá thai.

Trong lá thư tuyệt mệnh, Dai đổ lỗi cho bản thân vì đã không làm việc mà chỉ ở nhà chăm con. Cô viết: “Tôi muốn ra đi một mình, nhưng không có cha mẹ, con trai, con gái tôi sẽ đau khổ và sẽ bị bắt nạt như tôi”.

Trong lá thư, Dai cũng viết rằng anh rể đã nói với những người hàng xóm khác rằng cô gặp vấn đề tâm thần.

Trong bài xã luận của Xiong Zhi, chuyên mục trên tờ Guangming Daily, tác giả cho rằng cái chết của Dai là bởi gánh nặng áp lực gia đình và tin đồn trong các cộng đồng nhỏ.

"Sự lựa chọn thương tâm này... cũng có thể được hiểu là Dai muốn con gái mình tránh khỏi việc phải trải qua những gì cô ấy từng chịu đựng”.

“Chúng ta không thể đánh giá bi kịch này bằng sai hoặc đúng, giống như chúng ta không thể nói đơn giản là Dai 'đã chết vì tình yêu'. Đó là lời nhắc nhở rằng việc bảo vệ quyền và vị thế của phụ nữ ở Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước mắt”.

Tấn Vĩ (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI