Cái tết của một gia đình người Việt ở Hong Kong

07/02/2019 - 06:00

PNO - Năm thứ hai đón tết ở Hong Kong, nhưng trong lòng tôi vẫn không nguôi ngoai nỗi nhớ về tết Việt Nam, đặc biệt là ký ức về những ngày đầu năm ở vùng trung du Phú Thọ - nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Cai tet cua mot gia dinh nguoi Viet o Hong Kong
Khu chợ ở Hong Kong sầm uất với các loại hoa trái y như ở Việt Nam

Tôi nhớ đến cồn cào không khí của những ngày giáp tết, căn bếp của ông bà tôi đang đỏ lửa luộc nồi bánh chưng. Còn các bá, các dì đang thoăn thoắt tay thái thịt, tay xiên chả, tay chặt gà chuẩn bị mâm cơm cúng cho ngày 30. Tôi nhớ mùi thơm của những bộ quần áo mới và niềm vui sướng khi được bóc hộp mứt đầu tiên của năm mới, cầm trên tay những hạt mứt trứng chim giòn tan, cọng mứt bí, mứt dừa thơm ngào ngạt. Ký ức của những cái tết thời thơ ấu là một phần cội rễ văn hoá Việt trong tôi. Và tôi muốn vun đắp và gìn giữ phần cội rễ thiêng liêng đó cho các con của mình, bằng cách sẽ tổ chức một cái tết thật ý nghĩa, dù tôi đang ở cách xa quê hương mình cả nghìn cây số.

Thật may mắn, khi thành phố mà tôi đang làm việc và sinh sống là Hong Kong (Trung Quốc) cũng đón ngày tết âm lịch như người Việt Nam.

Cai tet cua mot gia dinh nguoi Viet o Hong Kong
 

Từ trước tết hai tuần, không khí năm mới rộn ràng ngập tràn khắp phố phường, công sở, trung tâm mua sắm, trường học, đến từng ngôi nhà với sắc màu đỏ tươi của đèn lồng, câu đối, những chùm pháo bông trang trí, sắc màu cam óng ả của những cây quất, sắc hồng thắm của những cành đào phai. Người Hong Kong cũng bận rộn, hối hả mua sắm, biếu tặng  thực phẩm, đồ ăn, thức uống vì với họ, tết âm lịch cũng là dịp lễ quan trọng nhất trong năm – là thời gian để đoàn tụ gia đình, là thời khắc chuyển giao đón một năm mới với những hy vọng vào tương lai.

Bước đầu tiên để có một cái tết tươm tất là mua sắm thực phẩm, đồ lễ để chuẩn bị cho mâm cơm cúng ngày 30 và sáng mùng 1. Tại những khu chợ truyền thống sầm uất của Hong Kong, tôi dường như có thể mua cả thế giới, vì Hong Kong là một thành phố đa văn hoá, chủng tộc. Từ thịt thà, rau củ quả đặc trưng cho mâm cơm của người Quảng Đông (Trung Quốc) cho đến bơ, sữa, hoa quả nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, Úc, hương liệu của các nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan… đều có thể dễ dàng tìm thấy ở khắp các ngõ ngách xứ Hương Cảng.

Cai tet cua mot gia dinh nguoi Viet o Hong Kong
 
Cai tet cua mot gia dinh nguoi Viet o Hong Kong
 

Gà sống được nhốt trong những chiếc lồng, tôi có thể mua một con gà mái tơ với số tiền khoảng 700 ngàn đồng. Các loại rau như su hào, cà rốt, giá đỗ, đu đủ, hành lá, mùi tàu, ớt đỏ… tươi ngon, kèm theo thịt heo, vậy là tôi có đủ vị cho món nem cổ truyền. Hạt bí, hạt sen, mứt dừa, mứt táo, mứt quất, kẹo dẻo… cũng là những món ăn vặt ngày tết thịnh hành tại Hong Kong. Công viên Victoria Park lớn nhất bán đảo Hong Kong nằm dưới chân nhà tôi những ngày này biến thành chợ hoa tết bày bán những chậu quất, cành đào, gốc lan, hoa thuỷ tiên, hoa ly, hoa huệ tây, hoa cẩm tú cầu… và hàng trăm loại hoa khác tôi không biết tên.

Ngày 30, gia đình tôi lại vào chợ hoa vừa thưởng ngoạn, vừa tậu một chậu quất nhỏ hoặc một cành đào, chậu ly. Đặc biệt, trong chợ hoa tết của người Hong Kong còn bán rất nhiều câu đối, đèn lồng, tranh vẽ… để trang trí cho căn nhà trong dịp xuân về. Năm nay, con gái tôi đã đi học lớp 1 nên cháu đã biết và hiểu một số chữ của người Hong Kong. Vì thế, cháu đã đến bàn những ông đồ xin câu chúc: “Năm mới may mắn” để dán trước cửa nhà như phong tục của người bản địa.

Tại trường học, các cháu cũng có một buổi lễ được thầy cô tổ chức tìm hiểu về những phong tục, tập quán và ý nghĩa tết âm lịch thông qua các trò chơi, câu chuyện, hoạt động vẽ thủ công. Vì thế, khi được mẹ cho đi cắt tóc trước đêm 30 và được mặc bộ áo dài mà ông bà gửi từ Việt Nam sang, cháu vô cùng phấn khích. Không những vậy, con gái tôi còn biết dọn dẹp, lau chùi phòng ngủ của cháu trước thềm năm mới để “xua đi những điều xấu” của năm cũ, chuẩn bị đón những điều tốt đẹp của năm mới với cơ thể và ngôi nhà sạch sẽ, thông thoáng.

Cai tet cua mot gia dinh nguoi Viet o Hong Kong
Dù xa quê nhưng các con của tôi vẫn được hưởng cái tết trọn vẹn như ở Việt Nam.

Ngày 30 tết, dù ở xa quê hương, chúng tôi cũng có cặp bánh chưng và cây giò mua từ nhà hàng của người Việt Nam nổi tiếng hàng chục năm ở Hong Kong. Một mâm cơm cúng tươm tất được đặt lên gian thờ với cành đào khoe sắc thắm, mâm ngũ quả tròn đầy, mùi hương trầm và những chùm pháo hoa bay lên từ phía vịnh Victoria.

Đêm Giao thừa, các con của tôi cũng được nhận phong bao lì xì và cả một cuốn truyện về nguồn gốc của tết cổ truyền Việt Nam. Ý nghĩa hơn là khoảnh khắc của năm mới, các cháu được nghe và nhìn thấy giọng nói, gương mặt của ông bà nội ngoại dù cách xa hàng nghìn cây số. Tết ở Hong Kong nhưng tôi vẫn nghĩ mình vẫn đang đón tết ở Việt Nam. Đó phải chăng là vì gia đình của chúng tôi được ở bên nhau chào đón thời khắc thiêng liêng này? Và cái tết đã thực sự lan toả từ đó…

Cai tet cua mot gia dinh nguoi Viet o Hong Kong
Hong Kong đón năm mới Kỷ Hợi với màn bắn pháo hoa rực rỡ. Ảnh: SCMP
Cai tet cua mot gia dinh nguoi Viet o Hong Kong
 

Thu Phương (từ Hong Kong)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI