Boris Johnson - vị thủ tướng gây ngờ vực nhất thời đại

26/07/2019 - 13:19

PNO - Nếu như tổng thống Mỹ đi đến quyền lực từ con đường bất động sản và giải trí truyền hình thì tân thủ tướng 55 tuổi của người Anh khởi đầu là một nhà báo sắc sảo.

Xuất thân từ giới tinh hoa, bị cho là một kẻ theo chủ nghĩa dân túy, đồng thời, là điển hình của một nhà báo sắc sảo biết dùng ngòi bút phục vụ cho những tham vọng chính trị, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ và chính thức trở thành Thủ tướng Vương quốc Anh vào thứ Tư 24/7, thay thế bà Theresa May. 

Boris Johnson - vi thu tuong gay ngo vuc nhat thoi dai
Tân Thủ tướng Anh - Boris Johnson

Một Donald Trump của nước Anh?

Thực hiện “lời hứa” sẽ đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10 tới, ngay trong giờ đầu tiên trên ghế thủ tướng, Johnson đã “thanh trừng” 18 bộ trưởng trong nội các cũ, những người có “tiền sử” chống hoặc có cách tiếp cận Brexit theo đường lối thỏa thuận của người tiền nhiệm.

Động thái này khiến cho quan ngại về nguy cơ Anh sẽ rời khỏi EU mà không cần có một thỏa thuận thay thế sắp trở thành hiện thực. “Chia tay” không thỏa thuận đồng nghĩa với việc nước này sẽ không có 21 tháng đệm tính từ tháng 3/2019 để được giữ nguyên quyền tiếp cận vào thị trường lớn nhất châu Âu. Nếu không có thời gian đệm này, Anh sẽ khó đạt được các thỏa thuận thương mại với đối tác EU, nơi mà lượng hàng hóa nhập khẩu vào Anh chiếm đến 53% kim ngạch nhập khẩu. Đồng thời, Anh sẽ phải đối mặt với hàng rào thuế quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Giới quan sát gợi ý so sánh Boris Johnson với Tổng thống Donald Trump khi cả hai đều có phả hệ đại học ưu tú cũng như xuất thân “quý tộc”. Johnson học văn chương cổ điển tại Đại học Balliol, Oxford. “Ông ấy cứng rắn và thông minh”, Trump nói về Johnson, “người ta gọi ông là Trump của nước Anh và xem đó là điều tốt”.

Nếu như tổng thống Mỹ đi đến quyền lực từ con đường bất động sản và giải trí truyền hình thì tân thủ tướng 55 tuổi của người Anh khởi đầu là một nhà báo sắc sảo. Khi trỗi dậy như những gương mặt sáng giá để lãnh đạo đất nước, họ giống nhau khi đều bị các tầng lớp chính trị không ưa, thậm chí không tin tưởng. Giống như Trump, Johnson là một người theo chủ nghĩa dân túy, coi trọng kiểm soát nhập cư và khôi phục vị thế của quốc gia. 

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ cánh tả, cả hai đã thắng thế khi thể hiện niềm tin bất tận vào sức mạnh của ý chí để vượt qua những trở ngại mà người khác đã xác định không thể vượt qua. Họ có chung quan điểm tham chính nhằm mục đích để những người quyền lực không còn có thể đánh bại những người không thể tự bảo vệ mình.

Tuy nhiên, trong khi Trump tự nhận mình là bậc thầy về nghệ thuật đàm phán cho dù phải giải quyết tranh chấp lâu dài với Triều Tiên, mở lại các thỏa thuận thương mại với đồng minh, môi giới hòa bình ở Trung Đông hay đề nghị trở thành trọng tài của câu chuyện Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan… thì ngược lại, Johnson cho thấy không có cơ hội nào để một thỏa thuận Brexit thành công. Ông bày tỏ sẵn sàng chấp nhận “không thỏa thuận” để rời khỏi mái nhà chung EU.

Thuần thục ngòi bút “bén” và “cong”

Nhà báo tự do Dan McLaughlin nhận xét: “Boris Johnson là một nhân vật hấp dẫn và thú vị, không giống như một nhà lãnh đạo nghiêm túc”. Năm 1987, Boris Johnson bắt đầu sự nghiệp báo chí cho tờ The Times nhưng bị cho thôi việc vì vi phạm đạo đức cơ bản của nghề báo. Sau đó, ông tiếp tục làm phóng viên thường trú ở Brussels (Bỉ) của Daily Telegraph. Từ 1994-1999, là trợ lý biên tập của Telegraph và 1999-2005 biên tập viên của tờ The Spectator.

Các bài viết của Johnson hướng đến độc giả trung lưu của Anh với phong cách văn học đặc biệt, đầy các cụm từ kinh điển, nhưng lại bị đồng nghiệp chỉ trích thường chứa những thông tin sai sự thật nhắm vào mục tiêu hạ uy tín của Ủy ban châu Âu. Điển hình là những tuyên bố sai lầm cho rằng EU lên kế hoạch cấm tôm giòn và xúc xích Anh.

Thời điểm đó, Johnson được mệnh danh “kẻ chụp mũ vĩ đại của báo chí giả”. Tuy nhiên, các bài báo của Johnson lại giúp ông trở thành cây bút yêu thích của Thủ tướng bảo thủ Margaret Thatcher. Các bài viết của ông cũng gây ảnh hưởng quan trọng đối với sự xuất hiện của đảng Độc lập Eurosceptic (UKIP) đầu những năm 1990.

The Daily Telegraph từng từ chối yêu cầu của Johnson để trở thành một phóng viên chiến trường, thay vào đó đưa ông lên vị trí trợ lý biên tập viên về chuyên mục chính trị. Chuyên mục của Johnson đã nhận được lời khen ngợi vì có ý thức hệ riêng biệt và đã mang lại cho ông giải thưởng “What the Papers Say” ở hạng mục bình luận. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI