Bóng đá đâu phải là 'thánh địa' của riêng ai

07/06/2019 - 10:00

PNO - “Tôi chơi bóng, đơn giản vì tôi thích. Xin đừng gán ghép định kiến giới vào môn thể thao này”.

Từ ngày 7/6 - 7/7, 24 đội tuyển nữ sẽ tranh tài tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới (Women’s World Cup) lần thứ tám, do FIFA tổ chức. Họ đến để thi đấu và để chứng minh bóng đá chẳng phải “thánh địa” của riêng ai.

Bong da dau phai la 'thanh dia' cua rieng ai
Ghislaine Royer-Souef bên tấm ảnh chụp lại khoảnh khắc “máu lửa” của bà trên sân bóng

“Cháu không thể chờ thêm nữa. Cháu đã chờ lâu lắm rồi!” - lời chia sẻ của “fan cứng” Garance (8 tuổi), khi nhắc đến sự kiện thể thao sắp diễn ra ở Pháp, khiến nhiều người cảm thấy thú vị, muốn tìm hiểu thêm về cô bé này.

Garance say mê trái bóng từ khi em biết chạy chơi, đùa vui. Cô bé hiện là trung vệ của đội bóng thiếu nhi ở Paris. Khoảng thời gian Garance trông đợi nhất trong tuần chính là giờ tập luyện cùng đội bóng, có cả nam lẫn nữ, chia đội và nỗ lực ghi bàn. Tình yêu bóng đá đến với Garance từ lúc em vô tình xem các trận đấu của các cầu thủ nữ, phát trên truyền hình. Trong tâm trí non nớt của Garance, đấy chính là hình tượng em muốn trở thành.

Garance có lẽ chưa thể hiểu định kiến mà xã hội áp đặt, dành riêng sân cỏ cho nam giới và nhiều thế hệ nữ cầu thủ đã miệt mài cống hiến chỉ để khẳng định: họ có thể xuất hiện, ghi bàn. Ghislaine Royer-Souef là một trong số đó.

Năm 1968, khi Ghislaine 15 tuổi, bà đọc được thông báo chiêu sinh cho đội bóng đá nữ trên một tờ báo địa phương. Ghislaine ghi danh và theo nghiệp đá bóng từ đấy. Năm 1971, bà cùng đồng đội và huấn luyện viên gửi thỉnh nguyện thư lên Liên đoàn Bóng đá Pháp, yêu cầu xác nhận họ là đội bóng đá nữ quốc gia. Nếu không có “đòi hỏi” ấy, chặng đường phát triển của bóng đá nữ ở Pháp hẳn còn lâu mới đến được hôm nay. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Ghislaine nói: “Tôi chơi bóng, đơn giản vì tôi thích. Xin đừng gán ghép định kiến giới vào môn thể thao này”.

Thập niên 1940, bóng đá nữ từng bị cấm ở Pháp. Nguyên nhân vô lý đến không tưởng, dựa trên kết luận đầy cảm tính rằng, “bóng đá không phải môn thể thao thích hợp cho nữ giới”. Ghislaine cùng đồng đội đã giúp tái sinh bóng đá nữ ở Pháp.

Bong da dau phai la 'thanh dia' cua rieng ai
Nữ cầu thủ Argentina Macarena Sánchez

Tiếp nối tinh thần của Ghislaine, hậu bối Nicole Abar, năm 1997, đã sáng lập Hiệp hội Tự do cho cầu thủ nữ. Hơn 20 năm qua, Nicole Abar đã thấy những chuyển biến tích cực. Phụ huynh thôi cấm đoán, còn khuyến khích con gái chơi bóng, mọi người bớt trêu cợt các cô gái ham mê môn thể thao này. Đấy đã là thành công cho những nỗ lực của Nicole.

Ở Anh, khoảng thập niên 1920, bóng đá nữ từng khuấy động cộng đồng, tạo không khí hào hứng hơn cả bóng đá nam, với 150 đội lớn nhỏ luôn sẵn sàng ra sân thi đấu. Có những trận bóng đá nữ mà cổ động viên đến xem đông hơn nhiều so với các đồng nghiệp nam. Thế nhưng, chỉ vì lý do “bóng đá không dành cho nữ giới”, người ta cấm phụ nữ chơi bóng.

Sự bình đẳng ấy còn phải đi đến tận cùng, như cách ngôi sao Argentina Macarena Sánchez (28 tuổi) đã làm. Cô là một trong những nữ cầu thủ đầu tiên lên tiếng yêu cầu trả lương tương xứng, chẳng ngại đâm đơn kiện câu lạc bộ UAI Urquiza và Liên đoàn Bóng đá Argentina vì sự bất công, quá ưu ái cầu thủ nam. Macarena Sánchez chính là tiếng nói đại diện cho thế hệ tiếp theo, mạnh dạn khẳng định họ muốn sống với bóng đá và họ xứng đáng được đối xử công bằng.

Phụ nữ đã chiến đấu vì bản thân và giới của mình. Họ đã làm được. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI