Bảo tàng Lịch sử quốc gia Mỹ muốn đưa tranh vẽ của trẻ em di cư vào triển lãm

15/07/2019 - 14:00

PNO - Lời đề nghị từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ Smithsonian nhằm đưa những bức tranh vẽ của trẻ em di cư, mô tả nỗi buồn sau song sắt trong các trại tập trung, đến gần hơn với công chúng trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Trong  tuyên bố gửi đến đài CNN, bảo tàng viết: "Bảo tàng có sứ mệnh lâu dài trong việc ghi lại lịch sử phức tạp của nước Mỹ và truyền thụ chúng cho tương lai".

Các bức vẽ của ba đứa trẻ vừa được thả ra khỏi trại tập trung của lực lượng Hải quan và Biên phòng Mỹ thu hút sự chú ý của quốc tế vào tuần trước. Những đứa trẻ, 10 và 11 tuổi, hiện đang ở tại một trung tâm chăm sóc, điều hành bởi nhà thờ Công giáo ở McAllen, Texas.

Bao tang Lich su quoc gia My muon dua tranh ve cua tre em di cu vao trien lam
Một bức tranh với nhân viên y tế, người lính gác cửa và trẻ em đằng sau song sắt của trại giam.

Renee Romano, giáo sư lịch sử tại Đại học Oberlin, hoan nghênh việc bảo tàng Smithsonian nỗ lực bảo tồn các vật chứng ghi lại cuộc khủng hoảng tại biên giới như một phần của lịch sử nước Mỹ. Bà nói rằng chính sách hiện tại của chính phủ về việc giam giữ người nhập cư và tách trẻ em khỏi cha mẹ là một phần của cách "nhìn con người không bằng con người".

Bà còn đưa ra ví dụ về việc người Mỹ gốc Nhật bị đưa vào các trại thực tập trong Thế chiến II. Chính phủ cũng từng tách trẻ em người Mỹ bản địa và trẻ em nô lệ châu Phi khỏi cha mẹ của chúng.

Bao tang Lich su quoc gia My muon dua tranh ve cua tre em di cu vao trien lam
Ký ức của những đứa trẻ nhập cư thể hiện rõ qua các bức tranh, và đó là điều mà Bảo tàng Lịch sử Mỹ mong muốn đem đến cho công chúng: Cái nhìn thực tế từ đôi mắt của đứa trẻ.

G.S Renee nhận xét: "Bản vẽ của trẻ em thường không phải là mẫu vật mà bảo tàng sẽ nói ‘Đây là món đồ chúng tôi muốn thu thập và bảo vệ’. Nhưng những tác phẩm nghệ thuật này thực sự thể hiện những gì chúng đang nghĩ và cảm nhận tại thời điểm đặc biệt này. Làm thế nào để chúng ta nhìn nhận trải nghiệm này từ quan điểm của những đứa trẻ? Những bức ảnh đó thực sự, thực sự rất mạnh mẽ".

Tuần trước, một đoàn bác sĩ nhi khoa đã nhận được bộ ảnh về các bức vẽ của trẻ em di cư sau khi tham quan trung tâm chăm sóc tại McAllen và quyết định chia sẻ chúng với giới truyền thông.

Tại bất kỳ thời điểm nào, trung tâm là nơi tạm trú của 500 đến 800 người di cư, được thả ra khỏi các cơ sở của lực lượng Hải quan và Bảo vệ Biên giới.

Bao tang Lich su quoc gia My muon dua tranh ve cua tre em di cu vao trien lam
Những đứa trẻ nhập cư vẽ lại trải nghiệm của mình tại nhà giam sau khi được đưa đến trung tâm chăm sóc.

Một người phụ trách bảo tàng Smithsonian kể: "Những cơ sở quá đông đúc và trẻ em bị tách khỏi gia đình. Tất cả đều không biết chuyện gì đang xảy ra. Bọn trẻ không hiểu chuyện gì đã xảy ra với chúng, chúng sợ và khóc. Thật đáng lo ngại khi biết chúng ta không thể làm gì tốt hơn cho họ".

Brenda Riojas, phát ngôn viên của Giáo phận Công giáo Brownsville, Texas, hy vọng bảo tàng cũng sẽ chấp nhận và lưu giữ những bức vẽ hạnh phúc hơn được thực hiện bởi trẻ em tại trung tâm. Cô nói: "Trẻ em sử dụng màu sắc tươi sáng và vẽ những thứ như ánh nắng mặt trời hay giờ chơi. Nó cho thấy khả năng phục hồi và hy vọng về sự chữa lành những vết thương".

Brenda Riojas chia sẻ với CNN bức tranh mới của một bé gái ở trung tâm, sử dụng màu sắc tươi sáng để khắc họa một trái tim và khuôn mặt tươi cười.  

Bao tang Lich su quoc gia My muon dua tranh ve cua tre em di cu vao trien lam
Bức tranh tươi sáng hơn được một bé gái vẽ tại trung tâm chăm sóc.

Renee Romano cho biết bà cũng hy vọng Smithsonian có được những bức vẽ hạnh phúc hơn này để trong nhiều thập kỷ tới, các nhà sử học và du khách đến bảo tàng có thể nhìn thấy bộ tranh và cảm nhận về những gì trẻ em đang trải qua.

Ngọc Hạ (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI