Bài học đau thương từ người phụ nữ hai lần bị lừa tình, lừa tiền qua mạng

11/09/2018 - 06:48

PNO - Trong cuốn sách Fool Me Twice, tác giả người Úc Jules Hannaford thẳng thắn chia sẻ những câu chuyện lừa đảo hẹn hò trực tuyến mà cô từng là nạn nhân.

Cuốn hồi ký “Fool Me Twice: Confessions of a Perpetual Internet Dating Neophyte” vừa phát hành vào tháng 8 trên Amazon và Barnes & Noble, trong đó Jules Hannaford giãi bày tình cảm, tâm tư và cả sự quá đỗi ngây thơ của cô.

Bai hoc dau thuong tu nguoi phu nu hai lan bi lua tinh, lua tien qua mang
Cuốn hồi ký của Jules ra mắt vào tháng 8/2018 kể lại chi tiết những vụ "lừa tình" mà cô là nạn nhân, kèm theo phần cảnh báo và lưu ý.

Jules Hannaford thừa nhận: “Thực vậy, tôi bị lừa không phải một, mà là hai lần”.

Trong lần bị lừa đầu tiên, Jules động lòng trước tình cảnh tài chính khó khăn của một người đàn ông Mỹ, cô cho người này mượn thẻ tín dụng của cô. Năm 2010, cô bị lừa lần thứ hai, với số tiền còn lớn hơn nhiều.

Khi nhìn thấy một hồ sơ trên trang web hẹn hò trực tuyến với nội dung: “Truman, 35 tuổi đến từ Manchester, Anh. Nghề nghiệp: xây dựng/dịch vụ”, Jules lập tức bị thu hút.

Jules nói: “Tôi tin tưởng Truman mà không đắn đo suy nghĩ nhiều. Tôi là một người đáng tin cậy, nên tôi nghĩ những người khác cũng giống mình. Jules Hannaford lớn lên tại một trang trại ở miền Nam nước Úc và làm việc tại một trường quốc tế ở Hong Kong.

Trong cuốn sách, cô chia sẻ các thư điện tử mà cô và Truman trao đổi. Tuy nhiên, trong phần bình luận, Jules dùng biểu tượng "cờ đỏ" để lưu ý độc giả các phần nội dung mà Truman có dấu hiệu lừa đảo.

“Anh ấy muốn đến Hong Kong nhưng không thể vì bận lo cho doanh nghiệp của anh [cờ đỏ]. Anh cũng nói rằng anh từng là nạn nhân của việc lừa đảo hẹn hò [cờ đỏ], và rằng anh yêu tôi [cờ đỏ]”.

Sau khi gửi email qua lại trong hai tháng, Jules đến thăm Truman ở Anh, và vở kịch cho vay tiền bắt đầu; kéo dài dai dẳng suốt một tuần và kết thúc khi Jules kẹt lại trong một căn phòng khách sạn, không biết sống chết ra sao.

Jules Hannaford chia sẻ, phải rất lâu cô mới lấy đủ can đảm viết nên cuốn sách, nhưng qua đây, cô muốn cảnh báo cho những trái tim cô đơn khác, những người vẫn đang lang thang trên mạng để hẹn hò.

Jules viết: “Điều thú vị về câu chuyện của tôi là, có rất nhiều người từng bị lừa trong những lần hẹn hò trực tuyến. Tất cả được thực hiện với một khuôn mẫu quen thuộc: ‘Anh yêu em, nhưng anh đang cần tiền gấp, giúp anh với nào'”.

Khi vở kịch hạ màn, cảnh sát thông báo với Jules rằng Truman là một tên tội phạm chuyên nghiệp với hơn 20 biệt danh và tiền án từ những năm 1990. Đến khi đó, Jules đã phải trả một cái giá khá đắt.

Jules Hannaford khuyên mọi người gặp trực tiếp "người yêu trực tuyến" tại quốc gia của họ, trò chuyện qua video và cẩn thận hơn về các mối quan hệ có dính dáng đến tiền bạc.

Bai hoc dau thuong tu nguoi phu nu hai lan bi lua tinh, lua tien qua mang
Jules Hannaford muốn dùng câu chuyện của mình để giúp mọi người nâng cao cảnh giác.

Lời khuyên của nữ tác giả nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng ngày càng nhiều người rơi vào những cuộc hẹn hò lừa đảo, đặc biệt là tại Hong Kong, Trung Quốc.

Gần đây, nữ doanh nhân 66 tuổi ở Hong Kong là nạn nhân bị lừa nhiều tiền nhất khi hẹn hò qua mạng, với số tiền bị lừa lên đến 180 triệu HKD (23 triệu USD).

Nạn nhân vốn một góa phụ giàu có, điều hành công ty đầu tư bất động sản trong thành phố. Bà đã chuyển tiền cho một nghệ sĩ ở nước ngoài với hàng loạt giao dịch trong suốt hơn bốn năm. Kẻ lừa đảo nói rằng hắn cần tiền gấp cho một dự án, và hứa sẽ trả lại tiền sau khi hoàn tất.

Theo Trung tâm điều phối chống lừa đảo thuộc Cục tội phạm thương mại của cảnh sát Hong Kong, trong nửa đầu năm 2018, thành phố ghi nhận 272 trường hợp lừa đảo hẹn hò trực tuyến, tăng 2,5 lần so cùng kỳ năm 2017. Năm nay trung tâm đã thực hiện 23 cuộc truy kích, bắt giữ 30 kẻ lừa đảo bị nghi ngờ, và ngăn cản việc chuyển 500 triệu HKD.

Một trong những vụ án lớn nhất là vào tháng 11/2017, khi cảnh sát Hong Kong và Malaysia bắt giữ thành viên tổ chức có trụ sở tại Kuala Lumpur, từng lừa 48 phụ nữ ở Hong Kong và một người đàn ông lớn tuổi với số tiền 29,5 triệu HKD.

Số liệu của cảnh sát cho thấy phụ nữ chiếm 95% số nạn nhân, và họ thường có bằng cấp học thuật cao, có khả năng tính toán và giao tiếp bằng tiếng Anh tốt.

Dường như các yếu tố văn hóa góp phần gây nên tình trạng này, áp lực kết hôn và nỗi sợ trở thành “gái ế”, một thuật ngữ xúc phạm đối với phụ nữ chưa lập gia đình từ 30 trở lên.

Bai hoc dau thuong tu nguoi phu nu hai lan bi lua tinh, lua tien qua mang
Phụ nữ rất dễ trở thành con mồi cho bọn lừa đảo vì áp lực gia đình, xã hội và sự cô đơn.

Trong thời đại của ứng dụng hẹn hò và mạng xã hội, nhiều thuật ngữ mới cũng xuất hiện. Đầu tiên là “catfishing”, trong đó kẻ xấu kết bạn với nạn nhân thông qua các mạng xã hội trực tuyến, đặc biệt là ứng dụng hẹn hò như Tinder, sử dụng danh tính giả và lừa đảo, như trong trường hợp của cô Jules Hannaford.

Một dạng khác là “ghosting”, khi ai đó kết thúc mối quan hệ bằng cách biến mất đột ngột như một bóng ma, mà không có lời giải thích, xóa sạch tất cả các thông tin liên lạc. Nhà trị liệu tâm lý tại Hong Kong, Gabrielle Tuscher, nói rằng ngày càng nhiều phụ nữ trẻ, một số còn ở tuổi thiếu niên, trở thành nạn nhân của “ghosting”.

Với dạng “zombie-ing”, kẻ lừa đảo đã "biến mất" bỗng tái xuất sau một thời gian im ắng, hành động như thể chưa có gì từng xảy ra. Một “zombie” (- tạm dịch "xác sống") có thể cố gắng thâm nhập lại cuộc sống của nạn nhân bằng cách theo dõi và thích các bài đăng trên mạng xã hội.

Còn kiểu lừa “Breadcrumbing”, thủ phạm tỏ ra không mặn mà lắm trong mối quan hệ với nạn nhân, nhưng vẫn hững hờ dẫn dắt những suy tưởng của họ. Chẳng hạn như người bạn thường nhắn tin qua lại bỗng biến mất trong nhiều tuần, và sau đó gửi tin nhắn xã giao: "Chào em, dạo này thế nào?".

Hoặc, đó có thể là một người bạn từng hẹn hò vài lần, sau đó im lặng, nhưng thỉnh thoảng lại thích một trong những bức ảnh của bạn trên Facebook, Instagram, hoặc gửi cho bạn một thông điệp mơ hồ, chỉ đủ "gây thương nhớ", rồi sau đó tìm cách "hạ gục" bạn lúc nào không hay.

Ngọc Hạ (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI