Xin đừng chỉnh trang Huế bằng giải phẫu thẩm mỹ

30/11/2014 - 08:14

PNO - PN - Huế từ lâu đã không còn là của người Huế. Ai đôi lần đến Huế, đều nhận lấy một chút thâm tình từ khi nào chẳng biết, đến lúc nhận ra trong mình nhẹ nhàng tha thiết trôi một dòng sông, một mảnh chiều, một bóng đền...

edf40wrjww2tblPage:Content

Xin dung chinh trang Hue bang giai phau tham my

Đèo Hải Vân - Nguồn ảnh: internet.

“Tạm biệt Huế, với em là tiễn biệt

Hải Vân ơi, xin người đừng tắt ngọn sao khuya

Tạm biệt nhé, với chiếc hôn thầm lặng

Anh trở về hóa đá phía bên kia…”

Bây giờ thì Hải Vân đã có hầm đường bộ, khách khó mà tìm cái ánh lấp lánh của ngọn sao khuya trên đỉnh đèo đầy mây. Chút nữa thì, thay vào đó, có thể đã là ánh đèn của một khu du lịch. Mũi Cửa Khẻm, mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân, đã được cấp phép cho Công ty cổ phần Thế Diệu làm dự án khu du lịch nghỉ dưỡng. Khoảng 200ha đất nơi này sẽ được giao trong một dự án thời hạn 50 năm.

Chủ đầu tư của dự án này thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong, đại diện bởi các doanh nhân quốc tịch Trung Quốc. Khi dư luận báo chí lên tiếng về việc này, cùng với ý kiến của Bộ Quốc phòng về việc mũi Cửa Khẻm, đèo Hải Vân là một vị trí xung yếu, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, thì chủ đầu tư đã làm xong một vài việc. Tuần rồi, ngày 26/11/2014, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết dù Thủ tướng chưa có quyết định, nhưng tỉnh đã chủ động dừng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân.

Người quan tâm tới Huế cho biết, đây là một quyết định bất ngờ. Trước đó, đã rất nhiều ý kiến tranh cãi về việc không nên xây khu du lịch ở khu vực nhạy cảm này, vậy mà dự án vẫn được cấp phép, làm dư luận tưởng đâu lại một lần nữa con lạc đà chui lọt lỗ kim…

Quyết định ngừng dự án của tỉnh Thừa Thiên - Huế làm nhẹ đi bao nhiêu nỗi lo lắng của dư luận và của các cơ quan chức năng. Có thể bồi thường sẽ là vấn đề tỉnh phải đương đầu trong thời gian tới. Đối với một dự án bị rút giấy phép sau khi đã cấp phép, việc bồi thường không phải đơn giản. Nhưng ngoài cái chuyện phải đền cho chủ đầu tư ra, nỗi lo vẫn chưa dứt, bởi đã mấy lần rồi Huế có những dự án theo kiểu này.

Người ta còn nhớ cách đây mười năm, tỉnh cho phép xây dựng một khách sạn, cũng liên doanh với nước ngoài, ngay trên đồi Vọng Cảnh - ngọn đồi phong thủy của cố đô, ngọn đồi vẫn đang được bảo vệ bởi nằm trong danh sách các di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật và danh thắng được xếp hạng để bảo vệ. Vọng Cảnh còn là một điểm cao quân sự quan trọng kiểm soát toàn bộ hoạt động trên sông Hương và cả vùng đồi núi tây nam Huế. Xây dựng khách sạn ở một nơi như thế, nên sau ý kiến xôn xao của công luận, sau kết luận trái với Luật Di sản văn hóa, dự án này đã ngừng lại. Mọi người chưa kịp hú hồn hú vía, thì lại tới cái khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân kia.

Huế sao mà nhiều dự án du lịch khách sạn chồng lên những ngọn đồi, những ngọn đèo, những mũi đất đến vậy! Ở cái xứ này, núi thấp sông đào cũng có thần thái riêng, cũng là một phần của con người xứ sở, sao cứ nỡ đem đi liên doanh liên kết với người xứ lạ, để nên nỗi ra những công trình, những dự án oái oăm. Đất trời, sông nước, lăng tẩm, đền chùa… đều là tâm linh của Huế. Xưa nay từ người Pháp đến người Mỹ cũng chỉ thuận theo cái tâm tính ấy mà làm.

Đầu thế kỷ XX, nhà máy nước Vạn Niên do kiến trúc sư Pháp Bossard xây ở thượng nguồn sông Hương, dưới chân đồi Vọng Cảnh, cũng mang dáng dấp kiến trúc của một vòng thành lăng tẩm, nép mình dưới bờ sông, để hài hòa với núi đồi quanh lăng Tự Đức. Những Chân Mây, Lăng Cô, Hải Vân… không phải là một vùng đất, mỗi cái tên còn là một phần di sản của ông cha. Xứ ấy từ xưa đến nay vẫn giữ cái cốt cách khiêm cung từ tốn, có đâu xa lạ như những tham vọng của người ngoài, đặt việc thỏa mãn những nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi lên trên đầu núi đầu non, lên trên cả sự an toàn của xứ sở.

Vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất ấy là vẻ đẹp từ trong bản chất, quý báu và nên gìn giữ, như vẻ hài hòa thuần thục của người đàn bà khuê các, mặn mà quyến rũ say đắm lòng người. Dẫu tuổi này đã là thiếu phụ, cũng xin đừng chỉnh trang bằng giải phẫu thẩm mỹ. Những công trình xi măng cốt thép cao tầng kệch cỡm đặt vào trong cái tự nhiên vốn hài hòa, nhẹ nhàng ý tứ của Huế, trông giả tạo và làm cho nhan sắc ấy xuống cấp, rẻ tiền đi nhiều.

Cũng chẳng dễ gì được là một cố đô. Xin Huế đừng có thêm dự án nào như thế nữa, đừng làm “hóa đá” cả một vùng di sản của cha ông…

HOÀNG MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI