Vĩnh biệt nghệ nhân Hà Thị Cầu: Tổ xẩm đã gọi bà về

04/03/2013 - 16:39

PNO - PN - Vậy là cuối cùng nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng được trở về với tổ xẩm sau bao nhiêu năm cô độc trên cõi nhân gian.

Gần chục năm nay, việc trở về Yên Mô, Ninh Bình thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu với chúng tôi đã trở thành một thói quen. Lúc đầu chỉ đơn thuần là công việc của những người hoạt động nghiên cứu sưu tầm âm nhạc dân gian, nhưng dần dà nó đã trở thành một nhu cầu. Nhu cầu ấy xuất phát từ tình cảm, từ sự yêu mến tài năng và cách giao tiếp hồn nhiên, hóm hỉnh của người nghệ nhân được ví như báu vật sống cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm Việt Nam. Chừng ấy năm về nhưng chưa một lần biết tuổi thật của bà. Tôi còn nhớ lần đầu là năm 2005, khi ấy chị con gái giới thiệu với chúng tôi nghệ nhân năm nay đã gần 90. Thế mà bảy-tám năm sau khi đã về nhiều và rất quen thuộc rồi tôi vẫn chưa biết tuổi thật, có hỏi thì lúc 91 lúc lại 89, phải mãi tới dịp giáp Tết Quý Tỵ vừa rồi, khi nhận được cuộc điện thoại từ chị Mận, con gái nghệ nhân, báo bà đã bệnh quá nặng, về thăm mới nghe chị Mận bảo bà sinh năm 1928.

Vinh biet nghe nhan Ha Thi Cau: To xam da goi ba ve

Bà Cầu tên thật là Hà Thị Năm, là đời thứ tư của gia đình theo nghiệp xẩm. Cha bà là một trùm xẩm ở Ý Yên, Nam Định, nơi lúc thịnh có tới sáu gánh hát. Tám tuổi bà đã được đi hát kiếm sống cùng gia đình nhưng cha mất sớm, mẹ con bà phải về Yên Mô ở nhờ nhà một người bạn xẩm. Chẳng hiểu có phải vì tài đàn hát của ông trùm xẩm Chánh trương Mậu đã làm rung động trái tim của cô gái tuổi trăng tròn hay không mà năm ấy, bà quyết định trở thành người vợ thứ 18 của ông. Sống với nhau chẳng được bao lâu thì ông bỏ bà về với tổ xẩm. Một mình với ba người con, bà đành cho đi một, giữ lại anh con trai tên Cầu và chị Mận.

Cuộc sống thời điểm những năm giữa thế kỷ XX, khi mà khắp mọi nơi đang ngập tràn khí thế xây dựng kinh tế mới, đời sống mới, những giá trị truyền thống ít nhiều bị xao nhãng. Những gánh xẩm thì bị coi là ăn xin ăn mày và đã được vận động vào hoạt động sản xuất tại các trung tâm thuộc hội người mù. Còn bà mắt sáng, có thời gian trở về đoàn Chèo tỉnh Ninh Bình sinh hoạt nhưng đã ngấm xẩm chẳng thể hợp chèo, bà bỏ quãng trở về, tiếp tục giữ nghiệp cầm ca của tổ nghề. Bà vẫn ngày ngày cầm cây đàn đi ra chốn đông người hát kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cho tới những năm đầu 1990 bà vẫn giữ nếp làm việc ấy. Chỉ mươi năm trở lại đây, do tuổi đã cao, bà mới chịu ngồi nhà. Chờ những dịp xuân thu nhị kỳ khắp nơi tưng bừng mở hội, nơi đâu mời bà đều có mặt để dâng tiếng hát lời ca.

Vinh biet nghe nhan Ha Thi Cau: To xam da goi ba ve

Báu vật sống cuối cùng của nghệ thuật hát xẩm Việt Nam Hà Thị Cầu

Có lẽ cái trăn trở nhất của bà là xẩm sẽ sống thế nào một mai khi bà không còn cất lên được giọng hát giữa cõi đời này nữa. Vì vậy, đầu những năm 2000, khi Viện Âm nhạc mời bà ra truyền dạy cho một số nghệ sĩ trẻ của Viện, bà đã rất vui, bỏ công việc nhà cửa ra Hà Nội đến vài tuần mà không hề nghĩ tới khoản thù lao sẽ được là bao nhiêu. Cũng từ buổi đó, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã có thêm những người học trò như Mai Tuyết Hoa, sau đó là Thao Giang, Thanh Ngoan, Hạnh Nhân, Thúy Ngần, Quang Long, Khương Cường… để cùng Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN quyết tâm đánh thức hát xẩm. Đã có những ánh sáng le lói trên con đường xẩm - tôi biết bà vui vì điều này.

Năm 2008 chúng tôi tổ chức một đêm nhạc với tên gọi Đêm hát xẩm - trống quân mừng xuân Mậu Tý tại Nhà hát lớn Hà Nội, nghệ nhân Hà Thị Cầu đã rất vui và có mặt từ rất sớm. Bữa ấy, nghệ nhân hát bài Theo Đảng trọn đời, một manh chiếu trải giữa sân khấu trước sự ngạc nhiên của khán giả bỗng biến thành thánh đường nghệ thuật và thật kỳ lạ vì có lẽ đó là lần đầu tiên một loại hình nghệ thuật đường phố, bình dân nhất trong các loại bình dân vốn gắn với những anh xẩm khiếm thị khốn khó xuất hiện ở Nhà hát lớn. Dẫu thế thì cũng chẳng mảy may ảnh hưởng tới tâm lý của nghệ nhân Hà Thị Cầu. Bà cứ đủng đỉnh bước ra giữa manh chiếu, từ từ ngồi xuống, nhai nốt miếng trầu, giơ tay lên vuốt miệng, rồi mới vút lên tiếng nhị cùng giọng hát vừa dí dỏm như đang trêu ghẹo ai đó, lại vừa nghiêm túc với những lời ca đầy ý nghĩa.

Hôm tôi về thăm nghệ nhân Hà Thị Cầu vừa rồi, bà đã không còn nói được nữa. Hỏi chị Mận bà có dặn dò gì không, chị nói: “Bu bảo khi mất nhớ mua cho bu một miếng vàng mỏng, mấy phân cũng được, để bu gối lên đầu”. Chị Mận thấy lạ hỏi tiếp tại sao lại như thế thì bà cho biết: Ngày trước bà đã làm như thế khi ông Chánh trương Mậu về với tổ xẩm. Ông bảo như thế là để mong cho sau khi ông mất rồi bà vẫn giữ nghề và nghề hát xẩm ngày càng được nhiều người hát hơn. Bà Cầu còn dặn dò kỹ chị Mận khi bà mất không được bán ngôi nhà mà cả đời bà chắt chiu mới mua được. Bà muốn chị Mận tiếp tục ở và trở thành nơi đặt bàn thờ bà. Bà cũng không quên dặn không được cho ai hai cây đàn nhị và trống mảnh với sênh, tất cả phải được đặt lên bàn thờ của bà, riêng hai cây đàn nhị dựng ở hai bên để bất cứ lúc nào bà cũng có thể đàn hát.

Chúc cho nghệ nhân Hà Thị Cầu sẽ được thoải mái đàn ca và thật bình yên ở cõi vĩnh hằng.

Quang Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI