Vì sao vẫn còn những “mẹ hổ” ở bậc mầm non?

21/12/2013 - 11:20

PNO - PN - Sự việc bà Lê Thị Đông Phương - một giáo viên mầm non được đào tạo bài bản lại có hành vi dã man với những đứa trẻ như giọt nước làm tràn ly. Trước đó, ở nhiều nơi, việc trẻ mầm non bị bạo hành đã gây...

edf40wrjww2tblPage:Content

CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO KHÔNG GIỐNG NHAU

Đề cập đến khâu đầu tiên trong quy trình “biến” một người bình thường thành giáo viên mầm non (GVMN), ThS Lê Thị Thanh Bình - Trưởng khoa giáo dục mầm non (GDMN) Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM cho biết: tuyển sinh đầu vào ngành này hiện vẫn dựa vào điểm thi văn hóa và năng khiếu chứ không có những căn cứ để đánh giá về đạo đức. Tuy nhiên trong quá trình đào tạo, chương trình có lồng ghép để giáo dục về đạo đức, tác phong của người giáo viên (GV), truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc trẻ như: từng lứa tuổi ăn gì, cho ăn như thế nào, tại sao trẻ lại biếng ăn, làm sao để trẻ ăn mà vẫn vui, giao tiếp và ứng xử với phụ huynh ra sao? Trong quá trình đào tạo, sinh viên (SV) được rèn giũa tay nghề và lòng nhẫn nại với trẻ. Cụ thể, năm thứ nhất, SV có ba tuần kiến tập để hiểu biết về nghề và những công việc cụ thể phải làm nếu theo nghề. Nếu cảm thấy không thích và không theo nổi, SV có thể chọn con đường khác. Sang năm thứ hai và thứ ba, SV còn có hai đợt thực tập với tổng cộng 14 tuần trước khi ra trường. Ngoài ra, SV còn có những giờ thực hành ngay tại lớp (chiếm khoảng 1/3 thời gian).

Phó hiệu trưởng một trường MN công lập nhận xét: “Thực tế tuyển dụng cho thấy những ứng viên học càng cao thì càng thiếu thực tế. Ở bậc MN thì hoạt động nuôi - chăm sóc đặt lên vị trí hàng đầu, nhưng các em cử nhân sư phạm MN thường chỉ “thuận tay” phần soạn giáo án và lên tiết, trong khi lại không biết cho trẻ ăn như thế nào. Chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết lắm”.

Thực tế, công tác quản lý về chất lượng đào tạo tại nhiều trường còn lỏng lẻo, nhất là ở hệ đào tạo vừa làm vừa học. Một lãnh đạo trong Ban Chủ nhiệm Khoa GDMN Trường CĐ Sư phạm Trung ương kể: do yêu cầu của Bộ GD-ĐT, năm ngoái trường có liên kết đào tạo hệ trung cấp (hai năm) cho một số quận, huyện trong thành phố. “Dù là hệ vừa làm vừa học, nhưng để đảm bảo chất lượng, chúng tôi vẫn tổ chức dạy, học và thi nghiêm túc. Kết quả chỉ khoảng 50% đỗ tốt nghiệp. Một vài quận huyện cho rằng chúng tôi khó khăn nên đã đi liên kết với những đơn vị đào tạo khác mà họ cho là dễ dãi hơn”.

Gần đây, một số trường trung cấp ngoài công lập cũng được cấp phép đào tạo GVMN nhưng nội lực thì có vấn đề, trường không đủ GV cơ hữu nên phải thỉnh giảng nhiều. Khi chúng tôi hỏi về đội ngũ giảng viên cho ngành đào tạo GVMN, một nhân viên tư vấn của Trường trung cấp Đông Dương cho biết, trường đã đào tạo được bốn khóa, GV được mời từ Trường ĐH Sư phạm và ĐH Sài Gòn.

Ngoài chất lượng khác nhau, việc thiếu hụt GVMN càng làm khâu tuyển dụng rơi vào tình trạng dễ dãi. Thông tin từ ba “lò” đào tạo GVMN tại TP.HCM là Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn cho biết, mỗi năm cả ba nơi này tuyển vào khoảng hơn 700 SV hệ chính quy ngành sư phạm MN. Ngoài hệ chính quy, các đơn vị này còn đào tạo hệ vừa làm vừa học với số lượng gấp nhiều lần. Thế nhưng tại TP.HCM thì luôn thiếu GVMN từ hơn 10 năm nay, dù chấp nhận tuyển nhiều đợt trong năm và tuyển cả người ở các tỉnh. Đợt khảo sát tình hình đầu năm học của Ủy ban MTTQ TP.HCM cho thấy, GVMN vẫn đang thiếu trầm trọng tại nhiều quận, huyện. Ngay ở Q.11 mà vẫn thiếu đến 52 GVMN trong khi chỉ có 17 GV đăng ký xét tuyển.

Vi sao van con nhung “me ho”  o bac mam non?

12g ngày 19/12, cô vẫn chưa ăn trưa vì phải chăm giấc ngủ cho trẻ - Ảnh chụp tại nhóm lớp MN Hoa Sen - Q.Gò Vấp, TP.HCM

PHẢI YÊU TRẺ LẮM MỚI NÊN THEO NGHỀ

Để trở thành người mẹ hiền đúng nghĩa đòi hỏi bản thân GVMN phải hy sinh rất nhiều, phải thật yêu trẻ mới có thể kiên nhẫn chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cứ hơn 6g sáng mỗi ngày, các cô giáo MN đã phải có mặt ở trường để chuẩn bị đón trẻ. Đúng 6g30, trẻ bắt đầu đến lớp thì các cô bắt đầu quay cuồng với công việc từ ổn định lớp, cho trẻ ăn sáng, đưa trẻ ra sân chơi, chăm sóc và thực hiện các hoạt động giáo dục trẻ, cho trẻ đi vệ sinh và làm vệ sinh cho trẻ… Kết thúc các hoạt động buổi sáng, các cô liền chuẩn bị cho trẻ ăn trưa, sau đó làm vệ sinh trước khi cho trẻ ngủ. Quá 12g trưa, khi trẻ ngủ thì các cô lại đi sửa thế nằm và chỉnh chăn gối cho từng cháu, sờ trán từng cháu để kiểm tra sức khỏe, sau đó các cô mới được ăn trưa. Cũng có khi bữa ăn bị dang dở vì có bé tiêu, tiểu, quấy khóc.

Cô Ngọc Thảo - GV một trường MN, tâm sự: “Làm GVMN thì hầu như ngày nào cũng phải vừa ăn cơm vừa canh trẻ ngồi bô và rửa đít cho trẻ. Tối, về đến nhà là rã rời…”. GVMN là một nghề vất vả nhưng thu nhập thì lại không tương xứng với công sức nên một số trường hợp GV vô tình đem những bức bối không giải quyết được trút vào những đứa trẻ đáng thương.

ThS Lê Thị Thanh Bình nhận định: “Không có trường học nào lại dạy các cô đi hành hạ trẻ. Các cô được trang bị những kiến thức căn bản nhất, khi ra trường đi làm, các cô phải tự tu dưỡng và rèn luyện mình nhiều hơn. Khi phân công nhân sự, các trường MN cần phải chú ý để bố trí từng cặp để các cô có thể bổ sung và kiềm chế lẫn nhau. Trường hợp xảy ra tại nhóm trẻ của cô Đông Phương là do cả hai cô cùng không có kinh nghiệm (hoặc có nhưng không kiểm soát được mình) nên sự thiếu kiềm chế đã được cộng hưởng, rất nguy hiểm. Nếu một trong hai người biết kiềm chế thì sự việc đáng tiếc chắc chắn sẽ không xảy ra".

Một cán bộ quản lý Trường MN Hoa Lư (Q.1, TP.HCM) tiết lộ: Những năm mới về làm việc tại trường MN Hoa Lư, cô Đông Phương đã sớm thể hiện tính tình nóng nảy với trẻ. Để kiềm chế tính nóng nảy ấy, nhà trường đã phân công cô cùng làm việc tại lớp với một cô giáo có kinh nghiệm và bản lĩnh trong nghề.

 Minh Nhật-Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI