Vì sao TP.HCM chi trăm nghìn tỷ vẫn không hết ngập?

01/06/2016 - 06:52

PNO - Nhiều công trình tại TP.HCM đang quan tâm đến việc làm đường, phát triển các dự án bất động sản mà quên chú trọng đến hệ thống cống, rạch thoát nước.

Làm đường không làm cống

Ngày 31/5, nói về giải pháp giảm ngập cho Sài Gòn, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang cho rằng cần nghiên cứu đồng bộ các giải pháp về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lượng mưa nhiều…Đồng thời, không đặt TP HCM riêng lẻ mà phải phải nghiên cứu cùng với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… thậm chí phải nghiên cứu ảnh hưởng từ phía khu vực Tiền Giang, VnExpress đưa tin.

Vi sao TP.HCM chi tram nghin ty van khong het ngap?
TP.HCM đau đầu với việc tìm giải pháp thoát ngập.

Ông Cang cho rằng, hiện hệ thống thoát nước của TP HCM đang mâu thuẫn giữa đô thị cũ và đô thị mới khiến hệ thống thoát nước cũ và mới không được đồng bộ. Cao độ khác nhau giữa hệ thống thoát nước cấp 1, cấp 2 và cấp 3 khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng. Thậm chí, vấn đề phân cấp quản lý đã khiến cho hệ thống cống thoát nước và hệ thống kênh rạch thoát nước bị xung đột.

"Như Kênh Đôi – Kênh Tẻ do trung ương quản lý phục vụ cho giao thông thủy, không chú ý đến việc thoát nước, khiến hệ thống cống thoát nước không phát huy tác dụng. Bởi cống nằm sâu dưới lớp bùn dày chưa nạo vét của tuyến kênh này", ông Cang nói.

Nguyên nhân khác được Phó bí thư Thường trực Thành uỷ chỉ ra là do hệ thống các tuyến đường dài hơn rất nhiều so với hệ thống cống. Vì có nhiều con đường làm xong nhưng không chú ý đến hệ thống cống thoát nước đã dẫn đến hệ quả ngập ngày càng trầm trọng hơn.

Bất động sản lấp rạch

Trong khi các hệ thống tuyến được được chú trọng thì vai trò của các hệ thống cống, rạch để thoát nước lại bị bỏ quên. Theo thông tin trên báo Dân trí, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã từng yêu cầu Sở Giao thông vận tải TP phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập và các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát thực địa tại dự án san lấp rạch ở phường Tân Phú, quận 7 do công ty TNHH Riviera Point làm chủ đầu tư để có biện pháp khắc phục và chấn chỉnh sai phạm.

Theo đó, nếu xem xét có thể bổ sung xây dựng hồ điều tiết thì thực hiện ngay việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho phù hợp.

Vi sao TP.HCM chi tram nghin ty van khong het ngap?
Nhiều dự án đã chiếm mất diện tích rạch thoát nước. Ảnh: Internet

Theo UBND quận 7, để triển khai dự án, chủ đầu tư đã lấp tổng cộng 5 đoạn rạch thoát nước của khu dân cư xung quanh với gần 4.700 m2. Nhưng diện tích đất để bố trí xây dựng hồ điều tiết thì chỉ rộng 600 m2. Đối với phần rạch Cả Cấm đi ngang qua dự án Riviera Point bị lấp khoảng 3.000 m2.

Trước chỉ đạo của UBND TP đối với việc lấp rạch làm dự án của công ty TNHH Riviera Point, TS Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM (WACC) cho rằng:

“Cách xử lý của thành phố là không đúng nguyên tắc và cũng không đúng luật. Cách duy nhất để cảnh báo cho những dự án còn lại không đi theo viết xe đổ là bắt buộc chủ đầu tư phải khôi phục lại hiện trạng. Bởi chủ đầu tư đã vi phạm luật rất rõ ràng. Ở đây không có giải pháp nào để chữa cháy cho hành động lấp rạch”.

Theo TS Hồ Long Phi, hồ điều tiết thì không thể thay thế cho rạch thoát nước. Bởi bản chất và công năng hồ điều tiết khác với rạch thoát nước. Rạch là để dẫn nước đi nơi khác làm thông thoáng dòng chảy. Còn hồ là để trữ nước bên trong dự án. Hồ chỉ bổ sung cho rạch chứ không thể thay thế. Lấp rạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với những khu vực xung quanh và gây ngập lụt.

Bình luận về kế hoạch chống ngập trên khu vực rộng 550 km2, giai đoạn 2016-2020, TP HCM tiếp tục thực hiện Quy hoạch 752 và 1547 Thủ tướng đã phê duyệt với tổng kinh phí 100.000 tỷ đồng, theo các chuyên gia, dù huy động đủ 100.000 tỷ đồng để đầu tư cũng không đảm bảo thành phố sẽ hết ngập. Bởi nguyên nhân ngập là do quy hoạch xây dựng của thành phố đã sai khi san lấp hết những vùng đầm lầy ở Nhà Bè, quận 7.

Minh Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI