Vết sẹo trên người, trong tâm hồn đứa trẻ sơ sinh bị cha ném vào đống lửa vì giận vợ

24/10/2016 - 12:22

PNO - Giận vợ, Thạch Tươi bế đứa con mới 7 tháng tuổi ném vào đống lửa gây bỏng nặng. Đến giờ, nỗi ám ảnh vẫn hiện hữu trong đứa trẻ, không biết tới bao giờ mới nguôi.

Thẳng tay ném con vào đống lửa

Chiều ngày 13/4/2016, Thạch Tươi cùng vợ là chị Thạch Thị Sô Phiếp (SN 1996) tổ chức nhậu cùng với một vài người bạn nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmay của đồng bào dân tộc Khmer. Sau khi tàn cuộc nhậu ai về nhà đấy thì vợ chồng Thạch Tươi bắt đầu xảy ra cãi vã.

Sau khi cãi nhau một hồi Thạch Tươi im lặng và bỏ đi nơi khác, đến khoảng 5h chiều cùng ngày, chị Phiếp dọn dẹp nhà cửa rồi mang một số quần áo cũ rách ra trước nhà đốt bỏ. Lúc này Tươi trở về, thấy có đám cháy, anh ta kều thêm lá cây xung quanh vào cho lửa cháy to. Chị Phiếp không hiểu ý chồng định làm gì nên chỉ đứng đó nhìn.

Vet seo tren nguoi, trong tam hon dua tre so sinh bi cha nem vao dong lua vi gian vo
Thạch Tươi khi bị công an bắt giữ

Khi đám lửa đã cháy lớn, Thạch Tươi tới chuồng gà, túm cổ mấy con gà ném vào đám cháy. Dù tiếc của nhưng chị Sô Phiếp cũng không dám can ngăn vì sợ bị chồng đánh. Thế nhưng Thạch Tươi vẫn chưa chịu dừng lại, anh ta tiếp tục chạy vào trong nhà, nơi cháu Thạch Thị Ngọc Tiền (7 tháng tuổi, con gái út của hai vợ chồng Tươi) đang ngủ trên giường. Tươi bế thốc bé Tiền ra sân, sau đó dọa sẽ ném vào đống lửa đang cháy.

Khi thấy chồng ném con vào đống lửa, chị Phiếp nhanh chóng lao theo để cứu con nhưng đứa bé cũng không tránh khỏi bị bỏng, khóc thé lên rồi ngất lịm.

Thế nhưng Thạch Tươi tiếp tục chạy theo định bóp cổ con... Khi có nhiều người chạy tới can ngăn, anh ta mới chịu dừng lại. Do bé Tiền bị bỏng nặng độ 2-3, với nhiều vết bỏng ở mặt, nên phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh để tiếp tục điều trị.

Biết được hoàn cảnh của chị Phiếp, ông Kiên Thanh –Công an ấp Chuông Nô 2 đã làm đơn, xin xác nhận của chính quyền xã rồi gửi lên Hội chữ thập đỏ huyện Cầu Kè xin hỗ trợ tiền chữa trị cháu bé. Sau đó, Hội chữ thập đỏ huyện Cầu Kè đã hỗ trợ chị Phiếp 200 USD đổi ra tiền Việt được khoảng khoảng hơn 4 triệu đồng giúp chị Phiếp mới có thể chuyển viện cho con lên tuyến trên.

Về phần Thạch Tươi, sau khi ném đứa con nhỏ vào đống lửa, anh ta ôm đứa con gái lớn (3 tuổi) vào nhà rồi lấy dao, búa khống chế cháu bé và cố thủ trong nhà để chống đối với lực lượng chức năng.

Khi hàng chục cảnh sát có mặt, anh ta còn dọa nếu ai mở cửa thì anh ta sẽ giết chết đứa con 3 tuổi rồi tự tử. Nhận định tình hình, cơ quan công an dùng biện pháp thuyết phục vận động anh ta.

Đến khoảng 22h cùng ngày Thạch Tươi mới chịu buông hung khí và để cho công an bắt giữ. Sau đó Thạch Tươi đã được bàn giao cho công an tỉnh Trà Vinh tiếp tục điều tra làm rõ. Tại cơ quan công an, Thạch Tươi khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và tỏ ra vô cùng hối hận nhưng tất cả đã muộn.

Vet seo tren nguoi, trong tam hon dua tre so sinh bi cha nem vao dong lua vi gian vo
Chị Sô Phiếp cùng hai đứa con trong căn nhà nghèo khó

Đánh vợ như cơm bữa

Thạch Tươi và Sô Phiếp đều xuất thân trong những gia đình khó khăn, cha mẹ cả hai đều đã qua đời. Chị Phiếp là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Hàng ngày Phiếp đi làm thuê làm mướn quanh vùng kiếm sống, rồi gặp Thạch Tươi cũng đi làm thuê. Khi đó chị Phiếp mới 17 tuổi, hai người chuyển về sống với nhau chứ không tổ chức đám cưới cũng không đăng ký kết hôn.

Ngay từ ngày đầu chung sống, Thạch Tươi thường xuyên nhậu nhẹt, kiếm được đồng nào là nhậu hết đồng đó, ngoài ra anh ta còn có tính hay ghen nên rất hay kiếm chuyện để chửi bới đánh đập vợ. Khoảng 2 năm nay, hai vợ chồng chuyển về sống trên phần đất do cha mẹ chị Phiếp để lại tại ấp Chuông Nô 2, dựng một căn nhà nhỏ bằng lá dừa. Chị Phiếp muốn về đây sống vì nếu có chuyện gì xảy ra còn có anh chị em ở kế bên trợ giúp.

Khi đứa con thứ hai chào đời, Thạch Tươi nghi ngờ vợ mình có quan hệ bất chính với người đàn ông khác và đứa trẻ không phải là con của anh ta. Chính vì vậy mà anh ta ném đứa trẻ này vào đống lửa chứ không phải là đứa con lớn trong khi hai đứa cùng đang ở trong nhà.

“Mặc dù tôi không hề ngoại tình với ai, chỉ thời gian đó có một người đàn ông vô tình gọi nhầm vào số điện thoại của tôi. Tôi cũng không hề biết mặt người đó và không rõ anh ta ở đâu nhưng sau đó rất hay gọi điện nhắn tin vào điện thoại của tôi để tán tỉnh. Anh ta còn rủ tôi đi chơi nhưng tôi không đi vì mình đã có chồng con rồi. Khi biết người đàn ông kia tán tỉnh tôi, chồng tôi đã nổi cơn ghen vì nghi tôi ngoại tình. Từ đó anh ấy không tin tưởng tôi và cuối cùng là đứa con của tôi phải chịu thiệt thòi”. – chị Sô Phiếp chia sẻ.

Ông Thạch Cuône (SN 1967, chú ruột của chị Phiếp) cho biết: “Trước đây hai vợ chồng chúng nó sống ở bên nhà thằng Thạch Tươi thì tôi không rõ, nhưng từ khi chúng chuyển về ấp Chuông Nô 2 này, một tháng có 30 ngày thì chỉ được 5 ngày yên ấm, còn 25 ngày còn lại là Thạch Tươi đánh chửi vợ. Chúng tôi nhiều lần sang nhắc nhở, hòa giải nhưng không có tác dụng gì. Thậm chí thằng Thạch Tươi còn chửi bới cả chúng tôi”.

Ông Kiên Thanh cũng xác nhận, nhiều lần ông Thạch Cuône phải nhờ chính quyền ấp, xã tới hòa giải cho hai vợ chồng người cháu của mình. Tuy nhiên mọi lần Thạch Tươi chỉ đánh chửi vợ chứ không gây nguy hiểm gì cho các con.

Sự việc xảy ra ngày 13/4, mặc dù nhà hai chị gái của chị Sô Phiếp ở cạnh nhưng lúc đó không có ai ở nhà nên không có ai sang căn ngăn.

Sau khi Thạch Tươi bị bắt, chị Sô Phiếp phải ở bệnh viện chăm sóc đứa con nhỏ, đứa lớn đành phải ở nhờ tại nhà người bác.

Đứa trẻ khóc thét khi nhìn thấy mặt cha

Sau nhiều ngày điều trị, bé Tiền cũng đã được xuất viện với kết quả giám định tổn thương 10% sức khỏe. Hiện, các vết bỏng vẫn còn chưa lành hẳn, với nhiều vết phồng rộp chảy nước. Các bác sĩ hẹn chị Phiếp đưa con tới bệnh viện khám lại nhưng vì quá nghèo khó nên chị chưa đưa bé đi khám được mà cứ đành để liều vậy.

“Nhìn con mới vài tháng tuổi đã bị bỏng khắp người nhiều khi tôi không kìm được nước mắt. Nó còn quá nhỏ đâu có tội tình gì mà phải chịu hậu quả như vậy. Những ngày đầu, cháu thường xuyên quấy khóc, sợ hãi, đến bây giờ thì cũng đỡ hơn, đã chịu chơi một mình rồi. Nếu nó có mệnh hệ gì thì chắc tôi cũng không sống được”- chị Phiếp chia sẻ.

Đưa con từ viện về nhà trong tình trạng không có một đồng nào trong tay. Gia đình lại không có ruộng đất, chị Sô Phiếp cũng chẳng thể đi làm thuê vì một mình chị phải trông nom 2 đứa con nhỏ. Khó khăn chồng chất khó khăn trước mắt người mẹ nghèo này. Trong khi đó, do vợ chồng chị Sô Phiếp không đăng ký kết hôn nên không có sổ hộ khẩu riêng, chính vì vậy mà cuộc sống của họ vô cùng nghèo khó nhưng cũng không được công nhận là hộ nghèo, không được hưởng các hỗ trợ của nhà nước.

Trước tình cảnh đó, các cơ quan ban ngành địa phương đã vận động được thêm 4,8 triệu đồng để hỗ trợ mẹ con chị Phiếp. Tuy nhiên sợ chị Phiếp để nhiều tiền trong nhà sẽ bị mất trộm nên số tiền này được giao cho Hội phụ nữ xã quản lý, mỗi tháng cấp cho chị Phiếp 600.000 đồng.

Vet seo tren nguoi, trong tam hon dua tre so sinh bi cha nem vao dong lua vi gian vo
Căn nhà của mẹ con chị Sô Phiếp

“Số tiền 600.000 đồng/tháng chỉ đủ cho tôi mua sữa cho đứa nhỏ. Còn tiền ăn và sinh hoạt của 3 mẹ con đành nhờ vào sự giúp đỡ của anh em họ hàng. Tôi thì sống khổ sở thế nào cũng được, chỉ sợ hai đứa nhỏ sống thiếu thốn quá nó sẽ bị suy dinh dưỡng rồi sinh bệnh ra thì khổ cho nó. Trong khi đó gia đình bên chồng không được một lời hỏi thăm tới cháu. Thời gian tới có lẽ tôi phải nhờ người trông con giúp để mình ra chợ làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con”. – chị Phiếp chia sẻ.

Nói về người chồng của mình, chị Sô Phiếp cho biết chị không hề giận chồng sau những tội lỗi mà anh ta đã gây ra. “Tôi biết rằng để xảy ra sự việc này cũng một phần do tôi chọc tức chồng. Sau khi chồng bị bắt, tôi đã vào thăm nuôi anh ấy 2 lần. Lần đầu tiên thì chỉ được gửi đồ vào chứ không được gặp mặt. Lần sau người ta cho gặp mặt thì vợ chồng cũng không nói được gì nhiều. Anh ấy chỉ bảo tôi đừng nhắc lại chuyện cũ nữa. Ở nhà lo làm lụng nuôi hai đứa con”. - Chị Phiếp cho biết.

Cũng theo chị Phiếp, trong lần thứ 2 vào thăm chồng chị đã đưa cả hai đứa con cùng đi theo. Tuy nhiên khi vừa nhìn thấy mặt cha, bé Tiền đã tỏ ra vô cùng sợ hãi. Ló lẽ bé Tiền đã nhận ra đây chính là người ném nó vào đống lửa khiến nó suýt mất mạng. “Nó khóc thét nên ngay sau khi nhìn thấy mặt cha, dỗ dành bằng cách nào cũng không nín. Chính vì vậy mà tôi chỉ nói được với chồng vài điều ngắn gọn rồi bế con ra về. Khi vừa đi ra khỏi thì bé Tiền ngừng khóc, lúc đó tôi mới biết con sợ hãi khi nhìn thấy mặt cha trong khi trước đó hai cha con quý nhau lắm” – chị Phiếp chia sẻ.

Mẹ mong con sẽ tha thứ cho cha

Ngày 8/7/2016 vừa qua, Thạch Tươi xử tuyên phạt mức án hơn 8 năm tù. Anh ta cúi đầu nhận tội và tỏ ra vô cùng hối hận với hành động cuồng dại của mình gây ra đối với đứa con gái nhỏ.

Ngày chồng ra tòa, chị Phiếp cũng đưa con tới dự tòa, Thạch Tươi liên tục quay xuống đưa ánh mặt khắp phòng để tìm vợ con. Và khi nhìn thấy vợ con, Thạch Tươi đã khóc nức nở.

Chị Sô Phiếp cho biết: “Tại tòa, tôi cũng đã xin giảm nhẹ tội cho chồng nhưng không được chấp nhận. Ngay sau khi tòa tuyên án với anh Thạch Tươi, tôi không kịp nói thêm lời nào với chồng vì phải nhanh chóng rời tòa để về mua gạo nấu cơm cho các con ăn khỏi đói. Những người về sau tôi kể lại rằng, khi bị dẫn giải ra xe về trại giam, chồng tôi cũng vẫn cứ ngoái lại đưa mắt tìm vợ con. Khi không thấy tôi và các con, anh ấy lại khóc”.

Cũng theo chị Phiếp, thấy mức án hơn 8 năm tù là quá nặng đối với chồng, chị cũng định kháng cáo xin giảm án cho chồng nhưng không biết làm thế nào, cũng không có tiền mà đi gửi đơn trong khi chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn kháng cáo. Chị Phiếp cũng cho biết, không biết mình có đủ sức để một mình nuôi con và chờ chồng trở về sau 8 năm nữa hay không?

“8 năm đối với tôi là quá dài vì tôi không biết sẽ phải sống và nuôi con như thế nào trong quãng thời gian ấy. Trước đây dù hai vợ chồng hay mâu thuẫn nhưng dù sao chồng tôi cũng là lao động chính trong gia đình, kiếm tiền nuôi vợ con. Nay tôi phải một mình nuôi con rồi còn phải vào trại thăm nuôi chồng. Tình cảm của tôi với chồng thì vẫn còn, tôi thấy chồng tôi cũng đã rất hối hận, chắc chắn sau này trở về hai vợ chồng sẽ sống nhường nhịn nhau hơn, sẽ không còn bi kịch nữa và sống hạnh phúc hơn. Tôi chỉ sợ mình không đủ sức để tiếp tục gắng gượng chờ tới ngày chồng trở về”. – chị Sô Phiếp chia sẻ.

Còn về bé Tiền, không chỉ bị tổn thương về thể xác mà bé còn bị tổn thương tâm lý rất nhiều. Chị Phiếp cũng mong đứa con mình, sau này lớn lên nó sẽ không còn sợ hãi khi nhìn thấy mặt cha.

“Tôi sẽ thường xuyên đưa con tới thăm cha nó trong trại giam. Có lẽ chỉ có cách cho hai cha con thường xuyên được gặp gỡ nhau, thì đứa trẻ mới thôi sợ hãi cha nó. Đồng thời tình cảm sẽ làm cho nó nguôi đi những tổn thương, nguôi đi những ám ảnh kinh hoàng ngay từ những năm tháng đầu đời”- chị Phiếp chia sẻ.

Mạnh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI