Trăm năm vẹn một chữ Hòa

13/10/2013 - 23:57

PNO - PN - Hôm nay, đất mẹ linh thiêng đón ông về với tổ tiên, trời đất. Con đường Quốc lộ 1A từ TP. Đồng Hới ra Vũng Chùa trải dài thăm thẳm trên những triền cát trắng. Những rừng dương liễu rũ tóc nhuốm màu bạc sau trận cuồng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tram nam ven mot chu Hoa

Ảnh: Duy Anh

Lần đầu tiên, và cũng có thể là cuối cùng trong đời, người vừa qua tuổi 30 như tôi thấy một đám tang như thế. Dòng người đông nghịt đổ về ngã ba đường xuống Vũng Chùa. Cảnh sát giao thông, cảnh vệ rất vất vả để thông đường. Mặc dù vậy, hầu như không có tình trạng lộn xộn, bởi dòng người hướng về nơi an táng Đại tướng đi trong trật tự.

Tôi đứng lặng phắc trên đỉnh núi Rồng, thấy mình nhỏ bé khi phóng tầm mắt ra xa xa, nơi đảo Yến mờ ảo trong sương khói. Quả núi mọc tự nhiên ngay giữa triền cát, vươn mình ra biển, ngạo nghễ như một con Rồng. Từng triền đá tầng tầng lớp lớp, óng ánh, lúc biếc xanh, lúc trắng bạc như những chiếc vảy rồng.

Thật lạ, giữa miền Trung quanh năm hứng thiên tai bão tố, nơi này lại luôn bình yên. Cụ Tưởng Văn Kế, nay đã ngoài 90 tuổi, người làng Thọ Sơn dưới chân núi Rồng, vẫn đi biển ngày ngày, nói sắc cạnh, gãy gọn, đúng giọng miền biển Quảng Đông, rằng đảo Yến, núi Rồng và mũi Ông tạo thành một Vũng Chùa bình yên trong bao xoay vần sóng dữ. Cơn bão vừa rồi cũng chỉ quăng quật đâu đó chứ không vào đây, chỉ có điều, vùng đất này quanh năm nghèo khó. Vậy, có giải thích được không, về phong thủy, địa thế, để có một lời giải, dẫu mơ hồ, rằng vì sao lúc còn sống Đại tướng đã chọn huyệt mộ cho mình ở Vũng Chùa? Cụ Kế im lặng, ngó ra biển, “Cụ Giáp là thánh trong lòng dân vùng biển ni. Chùa chiền năm xưa giờ không còn phế tích, nhưng độ mấy năm trước, người nhà cụ đã xây ở đó ngọn tháp rồi cung thỉnh một quả chuông”.

Gặng hỏi lắm, ông Thanh, người Quảng Đông, được xem như là “quản gia”, trông nom bảo vệ từ khi dự án du lịch Vũng Chùa hình thành, mới bật mí: Chuông bằng đồng, nặng gần một tấn. Hỏi đúc ở đâu, thợ phương nào, ông Thanh lắc đầu, nhất quyết không nói. Mấy chữ đại tự “Vũng Chùa Hồng Chung”, ba mặt khắc bài kệ “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông : “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”. Tới đây thì tôi hiểu. Những nhộn nhạo cãi nhau chỗ nằm của Võ Đại tướng, có lẽ nơi xa xôi ấy, ông đã nghe và bình thản mỉm cười.

Tram nam ven mot chu Hoa

Ra đi từ làng quê nghèo, ông bước vào cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, rồi dựng trong lòng dân, trong đồng đội, trong kẻ thù tượng đài một con người huyền thoại. Bây giờ ông trở về với đất mẹ. Tâm nguyện ấy, tư tưởng ấy, mấy ai có được khi ở đỉnh cao quyền lực và uy danh như ông, bởi ông đã nói, vị tướng vĩ đại nhất Việt Nam là Tướng Nhân dân và “tôi bình đẳng với những người lính của tôi”. Về với dân, vì dân, là hành xử suốt cuộc đời ông.

Tôi tin chắc, đặc phái viên tờ L’Humanité năm 2004 phỏng vấn Người cho dịp 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi nghe ông trả lời: “Tôi là một Đại tướng cho hòa bình, chứ không phải cho chiến tranh”, nhà báo kia có lẽ hiểu ít nhiều về chất nhân văn của con người đã làm nên thất bại đau đớn của những đội quân hùng mạnh, nhưng đi qua cõi đời bằng cái nhìn dung dị hiền hòa và đầy trách nhiệm với nhân dân, đồng đội.

Nhưng có lẽ, hàng vạn người, đặc biệt nhiều bại tướng dưới tay Người, ít hoặc hiếm cơ hội được thẩm thấu chữ hòa - hòa bình trong con người ông. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Đánh giặc là vì dân, trừ bạo cũng vì dân, chứ không phải chiến thắng để cai trị, để cưỡi lên đầu dân. Hòa bình là gốc của nhạc. Tư tưởng ấy của Nguyễn Trãi, mấy thế kỷ sau, đã lặp lại ở một thầy giáo dạy sử, mà khi trả lời chính khách và báo chí nước ngoài, ông hay nhắc: Các vị nên học Nguyễn Trãi để hiểu dân tộc Việt Nam!

Ngay cả những năm tháng thăng trầm, ông cũng chọn một lối hành xử mà nhiều người gọi đó là chữ nhẫn. Tôi lại nghĩ, vượt lên cả chữ nhẫn, đó chính là chữ hòa. Ông là một người Việt Nam trọn vẹn, hiểu chiến tranh, đụng độ là chết chóc, đau đớn, nên dù có làm gì đi nữa, ông cũng lấy hòa hiếu làm trọng. Vốn thông sử, nên ông hẳn quá biết, lịch sử sẽ trả lời tất cả!

Và như thế, ông mang chữ hòa để sống trọn đời vì nước vì dân. Bây giờ, trở về với đất mẹ, Người đã đi cùng những buồn vui đất nước vắt qua hai thế kỷ, tự mình “tùy duyên” mà sống, mà duyên hay đạo ở đây chính là vui buồn với dân với nước. Người đã xong sứ mệnh dân tộc, về đây rong chơi cùng cây rừng gió núi. Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm văng vẳng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Ông về nằm tại Mũi Rồng, dưới chân dải Hoành Sơn và sẽ bất tử trong lòng dân, trong đất mẹ…

“Những buồn vui chưa kịp gọi thành tên/Cõi nhân thế mây bay và gió thổi/Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi/Đi về miền cát bụi phía trời xa”. Thơ như là tiên tri về chốn ông nằm, khi nhà thơ Anh Ngọc gặp ông và viết bài Vị tướng già năm 1994. Tôi xuống núi, cố gắng nhẩm thuộc hai câu thơ của một mặt bên chiếc chuông: “Cái tôi hoàn lại đất trời. Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sanh”. Người đã về trời, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với bao đồng đội chân đất đã đi vào hư vô để đất đai sông núi này có gấm vóc như hôm nay. Nhưng, bây giờ và ngàn năm sau, anh linh người vẫn mãi sống và trăn trở với muôn dân, khi vận nước khiến ông ưu tư đến giờ chót.

Mũi Rồng hướng ra biển Đông, ngạo nghễ, kiêu hùng. Ngoài kia, biển không phải ngày nào cũng bình yên. Có một dòng chảy tâm linh xuyên suốt đất nước hình chữ S này những ngày qua và mai này, bái vọng thành kính về một Con Người viết hoa, như một thông điệp gửi cho những ai đang lèo lái con thuyền quốc gia, một lần nữa ngoảnh lại nhìn lòng dân,về trách nhiệm của mình với cơ đồ dân tộc, sự nghiệp non sông…

 BẢO LAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI