TP.HCM xin giữ nguyên mô hình ban quản lý khu đô thị

24/09/2013 - 21:55

PNO - PNO - UBND TP.HCM vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ xem xét, cho phép thành phố tiếp tục được giữ nguyên mô hình quản lý nhà nước các ban quản lý khu đô thị như hiện nay, tránh xáo trộn, ảnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Trước đó, vào tháng 1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Theo đó, các ban quản lý khu vực phát triển đô thị là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh, có chức năng giúp UBND cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu vực; trực tiếp quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được UBND cấp tỉnh giao. Chi phí hoạt động của các ban quản lý dự án phát triển đô thị được bảo đảm một phần từ ngân sách, một phần từ chi phí quản lý các dự án được giao và một phần từ nguồn thu dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, quy định trên không phù hợp với thực tiễn quản lý phát triển các khu đô thị mới tại thành phố. Bởi ngoài chức năng trực tiếp thực hiện dự án phát triển hạ tầng, các ban quản lý này còn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư và xây dựng trong khu đô thị mới, đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc trình UBND thành phố, các cơ quan liên quan các thủ tục hành chính theo đề nghị của nhà đầu tư, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án trong khu đô thị.

Hiện để đáp ứng yêu cầu quản lý, thành phố đã thành lập các ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm (diện tích khoảng 770 ha), Khu đô thị Nam thành phố - Hiệp Phước (khoảng 8.000 ha) và Khu đô thị Tây Bắc (khoảng 9.000 ha). Các ban quản lý này hoạt động theo mô hình cơ quan quản lý nhà nước trong khu đô thị, được UBND thành phố ủy quyền phê duyệt quy hoạch, quản lý đất đai, lập kế hoạch đầu tư và kêu gọi đầu tư, cấp phép và quản lý xây dựng trong khu đô thị mới.

Do đó, nếu chuyển sang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp chỉ thực hiện chức năng, thực hiện dự án đầu tư, việc quản lý khu đô thị sẽ gặp 3 trở ngại sau:

Thứ nhất, thủ tục đầu tư xây dựng sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, UBND quận, huyện. Thời gian thẩm định, phê duyệt sẽ kéo dài do không có đầu mối quản lý. Chủ đầu tư phải liên hệ nhiều cơ quan, phải cung cấp nhiều lần các tài liệu có liên quan, sẽ tốn kém và kéo dài thời gian thực hiện thủ tục, khối lượng công việc sẽ dồn cho các sở, ngành và UBND quận, huyện. Trong khi các ban quản lý đã quản lý thống nhất từ trước đến nay, có đủ năng lực và nhân sự để thực hiện công việc này.

Thứ hai, phạm vi ranh giới khu vực thuộc nhiều quận, huyện, bao gồm nhiều dự án. Nếu chuyển theo Nghị định số 11 của Chính phủ nói trên thì có nhiều cơ quan quản lý rời rạc theo từng khu vực, từng ngành của mình sẽ không bảo đảm sự thống nhất, về kiến trúc cảnh quan, kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu đô thị.

Thứ ba, sẽ gặp khó khăn trong việc phân định trách nhiệm quản lý hoạt động trong khu đô thị.

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI