Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn: Nhiều biện pháp thu hút khách du lịch quốc tế

11/06/2015 - 08:08

PNO - PN - Lượng khách quốc tế vào Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng. Riêng trong tháng 5/2015, con số này giảm hơn 12% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, một loạt giải pháp khắc phục tình trạng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tong cuc truong Nguyen Van Tuan: Nhieu bien phap thu hut khach du lich quoc te* PV: Thưa ông, theo đề xuất của Bộ VH-TT-DL, sắp tới công dân một số nước được đánh giá là thị trường khách trọng điểm, tiềm năng, sẽ được miễn visa khi đến Việt Nam. Ông đánh giá tác động của việc này như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Tuấn (ảnh): Chúng ta đang rất kém cạnh tranh, bất lợi với các nước trong khu vực khi nói về visa. Đối với khách du lịch quốc tế, trước khi chọn điểm đến thì họ luôn muốn biết ở nơi ấy có miễn visa không, tiếp cận visa có thuận lợi không. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… về cơ bản đã miễn thị thực đa phương, song phương và đơn phương.

Các tổ chức du lịch trên thế giới luôn coi visa là một trong những chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch. Vì thế, đơn giản hóa chính sách visa là biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, trao đổi khách và giao lưu văn hóa, thể hiện mức độ hội nhập của một quốc gia điểm đến.

Không phải bây giờ, trong lúc khó khăn, Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT-DL, Bộ GTVT và các bộ ngành khác mới đề xuất việc miễn visa mà đó là chính sách chúng tôi đã kiên trì từ mấy năm nay. Cùng với việc miễn visa, ngành du lịch cũng đưa ra những đề xuất về việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu thủ tục, rút ngắn thời gian cấp visa.

* Những thị trường cụ thể nào sẽ được miễn visa trong thời gian tới?

- Theo đề xuất của Bộ VH-TT-DL, Việt Nam sẽ mở rộng diện miễn visa đơn phương cho các nước gồm Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Tiếp theo là các thị trường mới và tiềm năng như Úc, New Zealand, Canada, Ấn Độ.

Ngoài ra, còn có thị trường Belarus. Trước đây chúng ta đã miễn visa đơn phương cho bảy nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga), miễn visa trên cơ sở có đi có lại với chín nước ASEAN. Từ khi miễn visa (năm 2014), khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; từ Hàn Quốc tăng 3,6 lần; từ Nga (từ năm 2009) tăng 7,45 lần…

* Miễn visa là một trong những giải pháp quan trọng, nhưng nếu không thay đổi cách làm du lịch thì rất khó có những đột phá cho ngành du lịch Việt Nam?

- Nội tại ngành du lịch Việt có rất nhiều vấn đề phải khắc phục, trong đó có những vấn đề cấp bách cần phải giải quyết ngay như môi trường du lịch, quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh, an toàn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm đối với các điểm đến, cơ sở dịch vụ.

Song song đó, cần phải đầu tư phát triển sản phẩm để mang tới sự hấp dẫn cho khách du lịch. Đối với ngành du lịch, việc đầu tư cơ sở vật chất, duy trì chất lượng dịch vụ, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề trong ngành là vấn đề tiếp tục phải khắc phục. Về lâu dài, hạ tầng giao thông, an toàn giao thông cũng phải từng bước nâng lên.

* Một trong những bức xúc của du khách là nhiều điểm đến không được đầu tư, nhưng giá vé tham quan, dịch vụ lại tăng chóng mặt. Ý kiến của ông về tình trạng này?

- Khi chúng ta nâng giá một dịch vụ, sản phẩm nào đó thì phải đảm bảo chất lượng tương xứng. Tiếp đó, mỗi quyết định tăng giá phải có thời gian để các doanh nghiệp thông báo cho khách du lịch, đối tác để đưa vào giá thành tour. Thời điểm tăng giá phải rất cân nhắc. Trong lúc chúng ta đang khó khăn, đang tìm mọi cách để thu hút khách mà lại tung ra những quyết định tăng giá thật sự là không đúng lúc.

Tuy nhiên, đó lại là thẩm quyền của chính quyền địa phương, chúng tôi chỉ có thể đưa ra những đề xuất, khuyến cáo. Tiếc rằng những quyết định của địa phương vẫn độc lập ban hành mà không liên quan gì đến kiến nghị của ngành du lịch và doanh nghiệp.

* Bộ VH-TT-DL vừa đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Đây có phải là một trong những giải pháp kỳ vọng sẽ tạo nên chuyển biến lớn?

- Chính sách visa, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và sự kết nối hàng không là những chính sách lớn, chắc chắn khi triển khai sẽ tạo ra những động lực, thuận lợi rất nhiều cho du lịch. Tuy nhiên, từ thời điểm chúng ta báo cáo đề xuất đến ra quyết định, rồi đưa đến kết quả cụ thể, cần có khoảng thời gian, độ trễ. Không phải miễn visa là khách du lịch kéo đến mà phải có xúc tiến, giới thiệu điểm đến, kết nối hàng không. Việc vận hành, điều chỉnh và biết cách sử dụng các lợi thế đó sao cho hiệu quả, chuyên nghiệp cũng là câu chuyện chúng ta phải từng bước nghiên cứu.

Dự kiến, nguồn quỹ có quy mô tương đương 100 triệu USD và sau 5 năm sẽ hình thành được quy mô đó. Trong đó 30% từ nguồn ngân sách nhà nước, 70% còn lại từ nguồn xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch. Quỹ này được kỳ vọng sẽ tăng thêm nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần lấp những khoảng trống, tháo gỡ những nút thắt tạo động lực cho du lịch phát triển.

DUNG NHI thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI