Thừa Thiên-Huế: Chuyện người thợ kim hoàn hơn 15 năm lặn lội 'đưa phố về làng'

15/09/2015 - 07:38

PNO - Ông Hồ Huệ đã dành dụm được ít tiền và vận động vợ con hỗ trợ thêm để mang về xây dựng cho làng.

Từ trăn trở làm sao cho người dân quê hương có điều kiện kinh doanh, buôn bán, tiếp cận với tri thức nhân loại để nâng cao hiểu biết..., hơn 15 năm qua, ông Hồ Huệ, một người con làng Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) đã dành dụm được ít tiền và vận động vợ con hỗ trợ thêm để mang về xây dựng cho làng.

Thua Thien-Hue: Chuyen nguoi tho kim hoan hon 15 nam lan loi 'dua pho ve lang'
Ông Hồ Huệ.

“Siêu thị” làng

Nằm ở khu vực Ngũ Điền, làng Kế Môn (thuộc xã Điền Môn) được xem là vùng sâu, vùng xa của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những ngôi làng chạy dài bên phá Tam Giang, nằm ẩn khuất sau những dãy dừa tạo nên cho vùng quê nơi đây một vẻ yên bình. Nhưng đến Kế Môn thì một thành phố “hiện lên” giữa làng quê vừa cổ kính vừa hiện đại, tạo nên một nét khác biệt cho ngôi làng hàng trăm năm tuổi này.

Ngôi làng được bao quanh bởi cánh đồng lúa, đường dẫn vào làng được đổ bê tông cốt thép, chắc chắn, sạch sẽ hai bên tràn ngập những cây hoa giấy, cây bằng lăng nở hoa tím ngắt tỏa bóng mát cho những lầu nghỉ mát. Trên khắp các con đường vào thôn là những dãy ghế đá dài, tạo nên một thiên đường nghỉ ngơi cho người dân nơi đây. Buổi sáng, công viên là nơi lý tưởng cho người dân trong làng tập thể dục và cũng để hít hà không khí trong lành thổi từ đồng nội.

Thua Thien-Hue: Chuyen nguoi tho kim hoan hon 15 nam lan loi 'dua pho ve lang'
“Siêu thị” của làng Kế Môn do ông Hồ Huệ xây dựng

Buổi trưa, công viên trở thành nơi nghỉ ngơi cho người già, cho đám trẻ nhỏ chơi đùa. Buổi tối, với hệ thống điện lưới tỏa sáng khắp cả làng, ghế đá công viên trở thành nơi giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất của những người lớn tuổi, các đôi trai gái ngồi tâm sự, đám trẻ con chơi đùa, làm náo nhiệt cả làng quê...

Và trên tuyến quốc lộ 49 dọc các xã ven biển Thừa Thiên - Huế qua làng Kế Môn, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng trước một trung tâm thương mại khang trang mọc lên giữa làng quê. Hai năm sau ngày khởi công, trung tâm thương mại Điền Môn đã chính thức đi vào hoạt động năm 2012.

Trung tâm rộng 2ha với đầy đủ các hoạt động mua bán, vui chơi như một siêu thị với tổng kinh phí 8 tỉ đồng, do một người con của làng là ông Hồ Huệ bỏ tiền xây dựng và tặng người dân trong xã. Người dân mừng vui đón nhận, gọi đó là “siêu thị” của làng.

Được biết trong 5 năm đầu, ông Huệ đã đề nghị và được UBND xã đồng ý miễn phí tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương. Đích thân ông cũng đi gõ cửa từng nhà, động viên từng người không có công ăn việc làm ra chợ buôn bán. 

Ông Bùi Châu, người quản lý trung tâm thương mại cho biết: “Mặc dù trung tâm đã được bàn giao cho UBND xã Điền Môn quản lý, nhưng ông Huệ vẫn tiếp tục hỗ trợ để trung tâm hoạt động như miễn phí thuê lô, hỗ trợ vốn cho những người dân vào trung tâm buôn bán... Ban quản lý chỉ thu phí môi trường và bảo vệ, còn lại toàn bộ chi phí từ tiền điện, nước... ông Huệ đều gửi về chi trả”.

Dày công đưa kiến thức về cho dân

Những năm bươn chải làm ăn, ông Hồ Huệ nhận ra rằng, nếu giúp cho dân làng đồng tiền thì chẳng khác gì “muối bỏ biển”. Phải xây dựng nền tảng cho làng quê phát triển lâu dài mới là bền vững. Cái mà dân làng đang thiếu nhất là văn minh, là kiến thức. Sau nhiều trăn trở, ông Hồ Huệ quyết định tặng khu đất rộng hơn 400m2 và ngôi nhà rường cổ kính của gia đình mình để xây dựng thư viện làng.

Thư viện này được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách, nghiên cứu của người dân và các em học sinh trong làng và các vùng lân cận. Thư viện gồm có 2 nhà, ngôi nhà chính dùng làm thư viện và ngôi nhà nhỏ cho gia đình người thủ thư ở, phía trước là một khoảng sân, đến mùa gặt người ta phơi lúa ở đó. Bố trí trong thư viện là 2 kệ sách nhiều tầng, một tủ sách, một bàn dài, một bàn tròn với các ghế dựa bằng gỗ dùng cho độc giả.

Được biết, thời gian đầu mở thư viện Kế Môn, ông Hồ Huệ vừa bận rộn với công việc của một người thợ kim hoàn, vừa dành thời gian lặn lội đi khắp Sài Gòn tìm mua sách báo cũ. Khi đã lượm được số đầu sách kha khá, ông cho đóng hàng chục bao tải lớn gửi tàu lửa về quê. Kể từ đó, cứ mỗi tháng một lần, ông lại về quê mang theo cả trăm cuốn sách có giá trị bổ sung vào thư viện.

Thua Thien-Hue: Chuyen nguoi tho kim hoan hon 15 nam lan loi 'dua pho ve lang'
Thư viện với hàng ngàn đầu sách các loại là nơi để người dân tham khảo, cập nhật thông tin

Trước việc làm ý nghĩa của ông Huệ, thư viện Quốc gia đã hỗ trợ thêm nguồn sách. Tổ chức Leaf cũng có dự án hỗ trợ thư viện làng bằng việc hàng tuần cung cấp 3 đầu báo: văn hóa, nông nghiệp và sức khoẻ đời sống để phục vụ người dân.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI