Thầy thuốc của bản nghèo

26/05/2016 - 06:36

PNO - Ở bản Cu Pua, xã Đakrông, H.Đakrông, tỉnh Quảng Trị, có ông Hồ Văn Chuốp suốt chục năm nay lặng lẽ làm thầy thuốc cứu người.

Ở tuổi 77, dù một chân bị tật do té ngã, hàng ngày ông vẫn cần mẫn vào rừng tìm cây thuốc về chữa bệnh cho dân.

Nối nghiệp cha, ông Chuốp giữ gìn những bài thuốc gia truyền. Ông tâm sự: “Mình chữa bệnh cho bà con là do cái tâm, không màng đến đồng tiền vì dân bản mình còn nghèo. Ai cho mình cái gì thì mình nhận, để bà con khỏi khó xử. Những bệnh nào vượt quá hiểu biết của mình, mình khuyên người bệnh đến bệnh viện”.

Có những trường hợp đi rừng bị ngã hay bị thú rừng tấn công, tình hình nguy cấp nhưng không thể di chuyển, ông Chuốp giúp họ đắp thuốc để cầm máu, sơ cấp cứu cẩn thận rồi bảo người nhà đưa ngay tới bệnh viện gần nhất để được chữa trị tốt hơn. Người dân ở thôn Cu Pua đã quá quen với hình ảnh ông Chuốp một tháng mấy lần chống gậy đi vào rừng sâu hái thuốc. Ông Chuốp kể: “Chân của mình trước đó bị đau rồi, trong một lần hái thuốc, mình bị ngã. Đến giờ bắp chân trái teo tóp, muốn vô rừng tìm thuốc, phải chống gậy. Giúp được bà con mình thấy vui lắm”.

Thay thuoc cua ban ngheo
Ông Chuốp phơi thuốc sau khi sơ chế

Các bài thuốc gia truyền của già Chuốp có thể chữa giảm các căn bệnh: viêm xoang, viêm đại tràng, tiểu đường, bệnh phụ khoa... Ông Chuốp cho biết, đối với bệnh viêm xoang, ông chữa bằng cách kết hợp tám vị thuốc từ rễ, thân, lá cây rừng; bệnh viêm đại tràng thì chỉ cần vài cây thuốc, uống một thời gian là bệnh tình thuyên giảm.

Bà Hồ Thị Ó, vợ của ông Chuốp chia sẻ: “Có những ngày tôi phải dậy trước khi con gà rừng cất tiếng gáy, nấu một nồi cơm, rang muối mè, kho con cá bắt dưới suối rồi đùm gói lại kèm chai nước lá rừng cho ông Chuốp dắt lưng đi hái thuốc. Ông vào rừng từ lúc mặt trời chưa ló, vì ông biết đường thì xa, mà sức không còn khỏe. Để tìm được các cây thuốc quý, dù đường xa đến mấy, ông cũng không quản ngại”.

Có đêm sau một ngày dài vất vả trong rừng, già Chuốp trở về nhà khi con trăng đã lên quá ngọn sào. Vào đến sân, bà Ó đỡ cái a chói (gùi) đầy ắp lá, rễ cây dùng làm thuốc, trong đó còn có cả mấy búp măng rừng ông tình cờ kiếm được. Xoa bóp đôi vai hằn đỏ vì phải đeo a chói suốt ngày, ông Chuốp phấn khởi: “Mệt mỏi nhưng mình vui lắm, hôm nay kiếm được nhiều cây thuốc, có nhiều loại thuốc quý, lại có được vài ba búp măng cho bà nhà tôi làm thức ăn nữa”.

Ông kể không ít lần ông lội qua gần chục con suối đá rêu trơn, leo lên những dốc dựng đứng, băng qua những bụi cây gai cào da chảy máu. Những chiếc áo ông mặc mỗi lần đi rừng về lại rách thêm vài ba chỗ. Ông bảo rừng gần thì hết lá thuốc, phải đi vào sâu mới nhiều, nhưng đường đi không có, cứ đi ngày này sang ngày khác rồi nó cũng thành con đường.

Đôi lúc trên đường đi, ông phải lần mò cẩn thận kẻo sợ gặp phải bẫy thú rừng của bà con đặt, đi đến quá trưa thì tìm một con suối nào đó nghỉ chân, ngồi trên tảng đá đem cơm ra ăn, ăn no nghỉ một lúc rồi tìm thuốc tiếp. Cứ đi rừng mãi rồi ông cũng quen nên không mệt lắm, có nhiều kinh nghiệm nên việc hái thuốc cũng dễ dàng hơn.

Nhắc về già Chuốp, anh Hồ Ê Nót, trưởng bản Cu Pua trầm trồ thán phục: “Dân bản biết ơn già Chuốp lắm. Ai bị bệnh, tới nhà già xin thuốc uống vài ngày là khỏi, nếu bệnh nặng thì già khuyên đi bệnh viện. Già chữa bệnh miễn phí, ai có quà cáp gì cho thì già nhận, mà không có thì già cũng cứu chữa đàng hoàng”.

Anh Hồ Ê Nót kể, một hôm, trời đã khuya lắm rồi, già Chuốp vừa ngả lưng, thiếp đi sau một ngày lặn lội trong rừng thì bỗng có tiếng gọi cửa. Một người dân trong bản có con bị sốt nằm mê man, bệnh viện thì xa, chỉ còn cách gọi già Chuốp cứu giúp. Nghe vậy, già Chuốp bật dậy, xách cái túi, đem theo các loại lá thuốc nhanh chân đi theo về nhà người bệnh.

Sau khi uống thuốc xong, cháu bé hạ sốt dần, không còn mê man nữa. Già Chuốp đã ở lại để theo dõi tình hình người bệnh cho đến sáng mới trở về nhà. Biết tin ông Chuốp từng chữa lành bệnh cho rất nhiều người dân ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nhiều lương y, bác sĩ miền xuôi đã lên tận nhà ông tìm hiểu phương pháp bào chế thuốc từ lá cây rừng.

Ngoài bốc thuốc cứu người, già Chuốp còn giúp dân bản Cu Pua có thêm nghề làm chổi đót để tăng thu nhập bên cạnh nghề nông truyền thống. Chính già Chuốp khi dời nhà từ xã Hướng Tân, H.Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị về bản Cu Pua, đã mang theo nghề này về truyền dạy cho dân bản. Hiện, mỗi mùa đót trổ bông, toàn bản Cu Pua có 80% số hộ làm thêm nghề này để có thêm đồng vô đồng ra. 

Bài, ảnh: Thanh Hiếu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI