Quên đội mũ bảo hiểm cho con: đừng để xảy ra sự cố rồi ân hận

09/04/2015 - 08:06

PNO - PN - Từ 10/4, cảnh sát giao thông sẽ ra quân xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe gắn máy, xe máy điện. Thế nhưng hôm nay, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con vẫn diễn...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Đội cho mình, “quên” đội cho con

Trưa 7/4, giờ tan học tại một số trường tiểu học thuộc Q.Thủ Đức và Q.9, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều phụ huynh (PH) đến đón con nhưng không mang theo mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ, chở trẻ đầu trần vô tư lưu thông trên đường. Đa số PH này đều đưa ra lý do trường gần nhà nên không cần đội hoặc “quên” mang MBH.

Tại Trường tiểu học Hiệp Bình Phước (Quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức), PH cũng đa số không đội MBH cho trẻ. Đã vậy, nhiều trường hợp PH chở đến ba, bốn trẻ trên xe máy đi ngược chiều ở đoạn đường này hoặc băng ngang Quốc lộ khi có nhiều ô tô lưu thông, khiến nguy cơ tai nạn rất cao.

Giải thích việc không đội MBH cho con, ông Lê Thanh Nhật, một PH có con học tại Trường tiểu học Hiệp Bình Phước, cho biết: Do hai con và đứa cháu ruột cùng học chung trường được ông đưa đi rước về cả ba, nhà lại gần trường nên ông không chuẩn bị MBH cho các cháu. Về việc tuyên truyền đội MBH cho trẻ, Trường tiểu học Hiệp Bình Phước đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện về an toàn giao thông và có mời PH đến dự. Tuy nhiên, nhiều PH vẫn chủ quan. Điều này không chỉ vi phạm Luật Giao thông mà còn mất an toàn giao thông cho các cháu khi đi ra đường.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các trường tiểu học Bình Chiểu, Nguyễn Trung Trực (Q.Thủ Đức); Phước Long A (Q.9). Phần lớn các PH chỉ chuẩn bị mũ vải, khẩu trang để che nắng cho trẻ.

Thường đi thăm các gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT), ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, chia sẻ: "Nếu chứng kiến cảnh các em nhỏ tuổi còn ham chơi, ham học phải nằm một chỗ quấn băng trắng đầu vì chấn thương sọ não do TNGT, chúng ta sẽ không cầm được nước mắt. Đau lòng hơn, một số trường hợp do cha mẹ chủ quan không đội MBH cho con khi đi đường, lúc xảy ra tai nạn hối hận cũng không kịp. Tôi kêu gọi các bậc PH hãy đội MBH cho trẻ khi ra đường”.

Cũng theo ông Tường, quy định đội MBH cho trẻ không mới, từng được các ngành chức năng kêu gọi nhiều lần, nhưng nhiều năm qua thực hiện chưa nghiêm. Lần này, với quyết tâm cao, các lực lượng chức năng sẽ xử ký nghiêm các trường hợp vi phạm. Cụ thể, Ban ATGT sẽ thành lập đoàn kiểm tra đến trực tiếp các trường học, quận huyện, nơi nào để tái diễn hoặc xử lý chưa nghiêm vi phạm này, Ban ATGT sẽ đề xuất UBND TP kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm.

Theo Phòng CSGT ĐB - ĐS Công an TP, từ 10/4, lực lượng CSGT thuộc phòng và 24 quận, huyện sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra, xử phạt hành vi không đội MBH cho trẻ từ sáu tuổi trở lên khi đi xe gắn máy, xe máy điện. Nếu người điều khiển xe gắn máy không đội MBH có cài quai đúng quy cách cho trẻ ngồi trên xe sẽ bị phạt tiền từ 100.000đ đến 200.000đ.

Quen doi mu bao hiem cho con: dùng dẻ xảy ra su co ròi an hạn

Một phụ huynh chở con không đội mũ bảo hiểm trước trường tiểu học Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức)

Hậu quả đau lòng

Chiều 7/4, tại Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 TP.HCM có rất nhiều người nhà của bệnh nhi ngồi, nằm chen chúc dọc hai bên hành lang để ngóng tin con đang ở phòng cách ly bên trong. Mỗi tháng, Khoa Ngoại thần kinh tiếp nhận 30-40 trẻ bị chấn thương sọ não (CTSN), trong đó khoảng 20% trường hợp do không đội MBH khi tham gia giao thông.

Vẻ mặt đau khổ, bố của bệnh nhi T.Đ.L.H. (tám tuổi) kể: “Công việc của tôi là tuyên truyền cho người lớn đội MBH cho trẻ nhưng chính con gái tôi lại bị CTSN vì không đội MBH. Cách đây nửa tháng, tôi chở con đi thả diều ở một điểm gần nhà. Thấy trời nắng nóng nên tôi cho con đội mũ bằng vải, không may, trong lúc tránh chị bán ve chai băng ngang qua đường, hai bố con tôi bị ngã xe. Ngay khi thấy đầu con bị chảy máu, tôi đưa đến BV Nhi Đồng 2. Kết quả chụp CT cho thấy con tôi bị nứt sọ xương thái dương, máu tụ ngoài màng cứng ở vùng trán bên trái khoảng 60mg. May mắn là cháu chỉ bị CTSN nhẹ nên không để lại di chứng về sau”.

ThS-BS Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM khuyến cáo: Theo nghiên cứu y khoa thì trẻ từ bốn tuổi trở lên đã đội được MBH vì cơ cổ bắt đầu phát triển, nhưng chỉ cho trẻ đội MBH có trọng lượng nhẹ từ 600g-800g. Nếu người lớn cho trẻ đội MBH của người lớn để đối phó với công an thì trẻ có nguy cơ bị chấn thương cột sống cổ, phổ biến là gù cột sống cổ.

Chưa kể, nếu xảy ra tai nạn, đầu trẻ sẽ không được bảo vệ vì nón quá rộng sẽ văng ra ngoài. Những trẻ không đội MBH thì nguy cơ CTSN gấp năm lần so với những trẻ tuân thủ luật định như: nứt sọ, máu tụ nội sọ, vết thương sọ não. Khi trẻ đã bị CTSN nặng thì dù có phẫu thuật hay không thể phẫu thuật đều có nguy cơ để lại di chứng rất cao.

Nếu nhẹ thì rối loạn trí nhớ (có thể tạm thời hoặc lâu dài) chiếm khoảng 20% trường hợp; động kinh sau chấn thương chiếm 10-30% nhưng nếu vết thương sọ não bị xuyên thấu thì tỷ lệ động kinh lên đến 50%; mắc bệnh đầu nước (não úng thủy thứ phát do dịch não tủy không hấp thu được) chiếm 4%; trẻ bị yếu liệt vận động; sống đời thực vật, tử vong chiếm 10-13%. Số ca CTSN nặng ở trẻ em hiện chiếm 25% trong tổng số ca bị CTSN. Tuy nhiên, một số trường hợp bị CTSN nhẹ cũng có thể mang lại di chứng trên.

BS Vũ Viết Chính, BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết: Mục đích của việc đội MBH là bảo vệ trẻ tránh bị CTSN. Đặc biệt ở trẻ nhỏ, não còn đang trong quá trình hoàn thiện và xương sọ não còn mỏng nên phải bảo vệ. CTSN có thể khiến trẻ học hành giảm sút do trí nhớ không còn tốt như trước, tính linh động của não bộ cũng bị ảnh hưởng…

Do đó, trẻ trên sáu tuổi khi tham gia giao thông phải được đội MBH và tốt nhất là cho trẻ ngồi giữa có người kèm, không nên cho trẻ ngồi phía trước đầu xe hoặc ngồi phía sau cùng của xe vì đã có trường hợp trẻ tử vong do xe tải bóp còi khiến trẻ hoảng loạn, tự ngã xuống xe. Lo nhất là nhiều trường hợp trẻ bị CTSN, tổn thương cột sống cổ nhưng người nhà không để vết thương cố định mà lật trẻ tới lui, khiến tổn thương càng nặng hơn và nguy cơ liệt tứ chi cao hơn.

BS Đặng Đỗ Thanh Cần khuyến cáo: Khi trẻ bị đập đầu xuống đường thì người nhà phải đưa trẻ nhập viện ngay. BV đã gặp vài ca tử vong đáng tiếc do người nhà chủ quan không đưa đi BV sớm do thấy trẻ chỉ nhức đầu, nôn ói mà không chảy máu. Thực tế, dấu hiệu của CTSN ở trẻ rất mơ hồ; thậm chí có những ca CTSN nhẹ, BS cho về nhà thì PH cũng cần theo dõi kỹ, nếu thấy trẻ nhức đầu kéo dài nhưng uống thuốc giảm đau vẫn không bớt, ói, co giật, liệt vận động, chảy máu ra tai, ra mũi, bé lúc tỉnh lúc mê, khi ngủ đánh thức không chịu dậy… thì phải nhập viện gấp.

HỒNG NGUYÊN - VĂN THANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI