Nỗi buồn áo xanh tình nguyện

06/07/2015 - 09:07

PNO - PN - Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 vừa kết thúc, để lại nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Không chỉ công tác tổ chức, cách ra đề thi mà ngay cả việc làm của các tình nguyện viên tiếp sức mùa thi cũng được đem...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hình ảnh các tình nguyện viên áo xanh xếp hàng dài tạo “dải phân cách sống” dưới nắng nóng 40 độ nhận được ít cảm thông, chia sẻ hơn những lời dè bỉu, chê bai từ cộng đồng mạng.

Noi buon ao xanh tinh nguyen

Tình nguyện viên giữ trật tự tại khu vực bia tiến sĩ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) trước ngày thi. Ảnh: Trần Kháng.

Lại thêm chuyện một bạn tình nguyện viên bị cáo buộc “cản trở nhà báo tác nghiệp” chỉ vì hỏi thẻ phóng viên mới cho chụp ảnh được một tờ báo giật tít “Tình nguyện viên tiếp sức mùa thi bá đạo nhất Sài Gòn”. Bài báo nhanh chóng được chia sẻ trên các diễn đàn mạng với nhiều bình luận “ném đá” sôi nổi của những “anh hùng bàn phím”.

Thế mới biết, làm việc tốt không dễ, ngay cả khi dốc hết bầu nhiệt huyết tuổi trẻ cho cộng đồng, không đụng chạm đến quyền lợi cá nhân của ai vẫn bị dư luận “săm soi”.

Giá như, những người có ý kiến chê bai đó biết đặt mình vào vị trí của tình nguyện viên trước khi phán xét việc làm của họ; nhìn toàn cảnh và hiểu rằng đó chỉ là những hình ảnh, sự việc rất nhỏ xảy ra trong quá trình làm việc của đội ngũ tình nguyện viên tiếp sức mùa thi đang cống hiến cho xã hội. Họ có đáng bị chê trách là “thích phô trương”, “làm màu”, “ngu ngốc”, “chuộng hình thức”, “không sáng tạo”… như những lời bình luận đầy ác ý trên mạng hay không?

Từng tham gia chiến dịch tiếp sức mùa thi của nhiều năm trước nên tôi hiểu, nếu không đủ nhiệt huyết thì khó lòng hoàn thành công việc của một tình nguyện viên. Khi hướng dẫn phân luồng để giảm ách tắc giao thông trước điểm thi, các bạn tình nguyện viên phải nhận nhiều lời trách mắng, thậm chí chửi bới của người đi đường.

Khi hướng dẫn thí sinh tìm nhà trọ miễn phí, tận tình chở đi thì bị xe ôm, chủ trọ khác chửi xéo rằng làm mất mối của họ. Còn nhớ, mùa thi đại học năm 2014, một bạn tình nguyện viên ở Huế bị người lái xe ôm đâm vì nghĩ bạn này cố tình giành khách.

Sự hỗ trợ từ cấp trên đối với các đội tình nguyện cũng khá khiêm tốn, các bạn đều phải tự thân vận động, thậm chí sử dụng tài sản cá nhân (xe máy, máy tính, điện thoại) để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhìn một cách khách quan, các chiến dịch tiếp sức mùa thi từ ngày khởi xướng đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, giảm bớt áp lực, gánh nặng cho phụ huynh thí sinh ở nơi xa về dự thi. Các bạn tình nguyên viên đã giúp tìm hàng ngàn nhà trọ giá rẻ, chỗ ăn ở miễn phí, hướng dẫn tỉ mỉ tận tình đường sá, trường thi cho thí sinh ngay từ nhà ga, bến xe.

Những sĩ tử và người nhà không còn gặp cảnh bị chặt chém, “cò” nhà trọ bủa vây khắp nơi khi mới đặt chân lên thành phố dự thi. Các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi được đội ngũ tình nguyện viên đón tiếp, hướng dẫn tận tình mà không mất một khoản chi phí nào.

Và cả những đóng góp lặng lẽ, âm thầm của tình nguyện áo xanh mà ít người thấu hiểu.

Những thành quả ấy đáng để xã hội ghi nhận. Bởi vậy, trước một hình ảnh mới hay thông tin trái chiều về tình nguyện áo xanh, mong mọi người bình tĩnh, đừng vội phán xét với lời lẽ nặng nề. Đừng để mỗi mùa thi đi qua, “nỗi buồn” áo xanh tình nguyện cứ nhân lên mãi, lấn át niềm vui được cống hiến trong trái tim mỗi “chiến sĩ”.

Nếu không thấu hiểu, chia sẻ khó khăn, vất vả của tình nguyện viên thì đừng vùi dập niềm nhiệt huyết tuổi trẻ của họ.

HÀ LAM (Đông Hà, Quảng Trị)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI