Nhiều doanh nghiệp không minh bạch khi chi trả lương

10/03/2016 - 10:16

PNO - Liên tiếp những ngày qua, tại TP.HCM và Đồng Nai xảy ra các vụ ngưng việc có quy mô lớn, nhiều vụ xuất phát từ quy định mức lương tối thiểu vùng.

Nhieu doanh nghiep khong minh bach khi chi tra luong
Công nhân Công ty TNHH Nissey ngừng việc ngày 15/2, phản ứng về thu nhập

Liên tiếp những ngày qua, tại TP. HCM và tỉnh Đồng Nai xảy ra các vụ ngưng việc có quy mô lớn, nhiều vụ xuất phát từ sau khi nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng (MLTTV) đối với người lao động (NLĐ) có hiệu lực, các công ty nhập nhằng giữa tiền lương và phụ cấp khiến công nhân cho rằng họ bị thiệt thòi.

Trao đổi với báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Tất Năm - Trưởng phòng Tiền lương, tiền công - Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết:

- Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định MLTTV đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp (DN), liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng LĐ theo hợp đồng LĐ, tại vùng I là 3.500.000đ/ tháng (tăng 400.000đ so với năm 2015). Mức lương này được áp dụng cho các quận, huyện ở TP.HCM, trừ H.Cần Giờ thuộc vùng II: 3.100.000đ/tháng (tăng 350.000đ so với năm 2015).

MLTTV là mức thấp nhất làm cơ sở để DN và NLĐ thỏa thuận và trả lương trong trong điều kiện làm việc bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức LĐ hoặc công việc đã thỏa thuận. Ngoài ra, Nghị định còn quy định DN phải bảo đảm việc trả lương không thấp hơn MLTTV đối với NLĐ chưa qua đào tạo vào làm công việc giản đơn nhất và trả hơn ít nhất 7% so với MLTTV đối với NLĐ đã qua học nghề…

* Nhưng một số DN vẫn “lách luật” bằng cách cắt giảm phụ cấp để chuyển qua lương nhằm hợp thức hóa điều chỉnh lương tối thiểu, ngoài ra, họ còn tăng lương tối thiểu “cào bằng” giữa người làm trước, người vô sau, thưa ông?

- Về nguyên tắc, các loại phụ cấp DN phải xác định và nêu rõ trong thỏa ước LĐ tập thể, quy chế của DN, hợp đồng LĐ. Đối với các chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của Bộ luật LĐ, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca và các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp khi gặp khó khăn như bị tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng LĐ theo quy định tại khoản 11 điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ.

Khi xảy ra việc cắt giảm chế độ phụ cấp hay phúc lợi khác để chuyển qua lương thì các cơ quan chức năng cũng như tổ chức công đoàn cần phải xem xét DN đã tiến hành thương lượng tập thể hay chưa, hai bên có thỏa thuận thống nhất việc cắt giảm đó hay không. Nếu người sử dụng LĐ đơn phương cắt giảm là vi phạm thỏa ước LĐ tập thể, quy chế DN, hợp đồng LĐ.

Trường hợp DN xếp bậc lương của NLĐ có tay nghề bằng với NLĐ mới tuyển dụng có công việc hoặc chức danh giản đơn hoặc tay nghề thấp hơn thì không đúng quy định theo điều 7 Nghị định 49/2013.

* Vậy theo ông, có nên rạch ròi khoản nào đưa vào lương, khoản nào đưa vào phụ cấp, thay vì nhập nhằng giữa hai khoản này? Khi điều chỉnh lương tối thiểu, làm sao để tránh xung đột giữa NLĐ và DN?

- Bộ luật LĐ 2012 quy định tiền lương bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác và Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH đã quy định rõ về tiền lương nên không thể nói là nhập nhằng được. Chỉ khi DN chưa xem LĐ là yếu tố quan trọng, chiến lược mới tạo ra sự nhập nhằng trên để giảm chi phí đóng bảo hiểm xã hội qua tiền lương.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI