Người làm thay đổi dòng chảy lịch sử

10/10/2013 - 16:55

PNO - PNO - Một trong những câu nói mà Trung tướng Phạm Hồng Cư tâm đắc nhất khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là của nhà sử học Peter Mac Donal: “Vào đầu thế kỷ, ở cái làng An Xá heo hút, trên phía Bắc của vĩ tuyến 17, đã sản sinh...

edf40wrjww2tblPage:Content
Sức sống kỳ lạ

 
Trong số những ngưới lính, có lẽ, hiếm ai có được may mắn như Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, vì được làm việc dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 Với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người anh cả của quân đội mà còn là người anh cả trong gia đình. Trung tướng Cư kết hôn cùng bà Đặng Thị Bích Hạnh, em gái của vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bà Đặng Thị Bích Hà. Cơ duyên này đã giúp ông tiếp cận được những thông tin quý giá để hoàn thành cuốn sách Võ Nguyên Giáp thời trẻ, một cuốn sách mà theo ông, vượt lên cả những đóng góp về lịch sử là tình yêu mến, kính trọng của chính người cầm bút.

Nguoi lam thay doi dong chay lich su

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng, bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Nguồn: TTXVN).

Trao đổi với PV Báo Phụ Nữ trong thư viện nhỏ của gia đình, vị trung tướng 85 tuổi này say sưa vẽ lại hình ảnh của người thanh niên Võ Nguyên Giáp. Kết thúc một câu chuyện, ông chậm rãi hít thở thật sâu để lấy sức, bởi ông bảo, đây không đơn thuần là cuộc nói chuyện mà là cả sự dâng trào của cảm xúc.

Qua lăng kính của vị trung tướng, lòng yêu nước là yếu tố bất biến, hình thành ngay từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn trẻ tuổi. “Thân sinh ra Đại tướng là thầy lang nhưng cũng là hương sư. Có lần Đại tướng kể với tôi chuyện hồi nhỏ, mấy anh em ngồi xếp hàng, miệng ê a đọc theo lời dạy của cha: “Tích kinh Bắc thuộc thì/Cựu sỉ dĩ Nam vong”. Hiểu câu này với ý: “Thời kỳ Bắc thuộc, nhục xưa không dễ quên”. Những lời dạy của ông cha đã thấm nhuần vào anh Văn ngay từ thơ ấu, tạo nên sức mạnh của lòng yêu nước”, Trung tướng Cư nói.

Sau này, khi người thanh niên Võ Nguyên Giáp theo học tại Trường Quốc học Huế, ông được cụ Phan Bội Châu để ý bởi sự thông minh và quyết liệt trong tranh đấu. Trung tướng Cư kể lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một người bạn thân và cùng chung lý tưởng là Nguyễn Chí Diễu. Hai người là đối tượng bị thực dân Pháp luôn “để mắt” theo dõi. Trong một cuộc thi, Nguyễn Chí Diễu dù làm tốt nhưng vẫn bị bác bỏ kết quả. Khi đó, cậu học trò Võ Nguyên Giáp tuy mới 16 tuổi nhưng đã đứng ra tổ chức bãi khóa để phản đối chính quyền thực dân, mở đầu cho chuỗi ngày tham gia các phong trào yêu nước như để tang Cụ Phan Châu Trinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh…

Nguoi lam thay doi dong chay lich su

Trung tướng Phạm Hồng Cư. 

Theo sát những mốc lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Cư thật sự thán phục vì: “Ở con người Đại tướng có một sức sống kỳ lạ”. Lý tưởng trong con người Đại tướng chưa từng bị lung lay ngay cả trong những giai đoạn cách mạng thoái trào. Ở Đại tướng, sự uyên bác không phải là cái sẵn có mà được hun đúc từ cả một quá trình học tập không ngừng. Ngay sau khi ra tù vì tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thi vào Khoa Triết học của Trường Albert Sarraut.

Sau này, khi dạy sử ở Trường tiểu học Thăng Long, Đại tướng vừa làm giáo viên, vừa làm nhà báo và vừa làm sinh viên của trường Luật. Thời niên thiếu, cụ Phan Bội Châu còn tuyên bố sẽ trao lại tủ sách của mình cho Võ Nguyên Giáp bởi yêu quý sự ham học hiếm có của cậu học trò nhỏ. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù không được học qua một trường quân sự nào nhưng vẫn khiến cả thế giới phải ngả mũ vì tài thao lược. Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tướng không chỉ học qua những trận đánh mà còn học từ chính lịch sử thế giới. Đại tướng từng chia sẻ với ông về trận Napoleon xuất quân qua Ý.

Đường đi chiến lược nhất bấy giờ là chỉ là một đường hẻm. Tuy nhiên, Napoleon vẫn quyết tiến với suy nghĩ “Một con dê qua được là một con người qua được. Một con người qua được là một sư đoàn qua được”. “Khi quân đội của chúng ta vượt núi, vượt suối sang Luông-pha-băng, tôi lại thấy câu chuyện hôm nào của Đại tướng không đơn giản là… một câu chuyện”, vị Trung tướng tâm đắc nói.

Quân lệnh như… lời hịch!

Hai lần trong đời trực tiếp nhận lệnh từ Đại tướng, cả hai lần, Trung tướng Phạm Hồng Cư đều xúc động và nể phục. Ánh mắt của vị tướng già sáng lên khi kể về kỷ niệm khó quên này: “Lần thứ nhất trong chiến dịch Việt Bắc 1947, tôi là chính trị viên tiểu đoàn Bình Ca. Đúng 12g ngày 7/10, một sĩ quan liên lạc của Bộ Tổng tham mưu đi ngựa từ bìa rừng thông báo rất to: “chính trị viên Hồng Cư, tiểu đoàn trưởng Vũ Phương ra nhận lệnh”. Nội dung của quân lệnh rất ngắn gọn: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”. Chỉ một câu lệnh nhưng đã khiến toàn bộ anh em binh sĩ bật dậy ra trận địa.

Lần thứ hai, tôi đang ở Đà Nẵng, làm phái viên của Tổng cục Chính trị. Đại tướng chỉ thị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo táo bạo hơn nữa. Xốc tới mặt trận. Tranh thủ từng giờ từng phút giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Ngay sau khi tôi truyền đạt lại với anh em chiến sĩ, khí thế toàn quân sôi sục, anh em đồng thanh lặp lại từng câu mà Đại tướng đã truyền đạt”.

Cách truyền quân lệnh như thế, theo tướng Cư, chẳng khác một lời hịch. Lời hịch ấy khơi dậy lòng yêu nước, khí thế quyết chiến của toàn quân mà không phải vị chỉ huy nào cũng có thể làm được.

Nguoi lam thay doi dong chay lich su

Trung tướng Phạm Hồng Cư (phải) chụp hình lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trung tướng Phạm Hồng Cư rất tâm đắc câu nói của nhà sử học Peter Mac Donal khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Vào đầu thế kỷ, ở cái làng An Xá heo hút, trên phía Bắc của vĩ tuyến 17, đã sản sinh ra một con người. Đó là một trong những người hiếm có trên thế giới này đã làm thay đổi dòng chảy lịch sử”. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn cầu và sự tài tình, nhân văn của Đại tướng. “Theo kế hoạch, trận Điện Biên Phủ sẽ đánh nhanh, thắng nhanh trong vòng ba ngày. Khi đó, cả trung đoàn của tôi đã sẵn sàng chiến đấu, súng đã lên đạn nhưng Đại tướng quyết định thay đổi sang đánh chắc, thắng chắc. Phương án này không những tiêu diệt lực lượng của địch hiệu quả mà còn “tiết kiệm” từng giọt máu của quân ta”, Trung tướng Phạm Hồng Cư phân tích.

Trái tim nhân văn của Đại tướng, trong ký ức của Trung tướng Phạm Hồng Cư còn là những giọt nước mắt. Trong trận Tuy Vũ (đánh trên sông Đà - Hòa Bình), địch có lực lượng rất mạnh nên quân ta thương vong nhiều. Trong số những binh sĩ tử vong có cả tiểu đoàn trưởng Vũ Phương. Không chịu rút lui, ngày hôm sau, Đại tướng trực tiếp lãnh đạo quân ta, bí mật luồn vào giữa thị xã Hòa Bình và đánh tan quân địch.

“Nhưng trước đó, ít ai biết, Đại tướng đã khóc trọn một đêm. Khi tôi đến, chiếc gối của Đại tướng đã ướt đẫm vì thương xót những đồng đội ngã xuống”. Trung tướng Phạm Hồng Cư kết thúc câu chuyện với chúng tôi như thế, khi tay ông vẫn cầm chặt tấm hình chụp cùng Đại tướng hôm nào.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI