Nên biết 'giữ mồm miệng, tay chân’

15/08/2014 - 12:34

PNO - PNO - Đã có 4 người bị triệu tập, bị xử phạt hành chính do tung tin đồn nhảm về việc có dịch Ebola tại Việt Nam. Điều đặc biệt là cả 4 người đều tung tin đồn qua Facebook, cho thấy tin đồn không còn chỉ phát ra và lan truyền qua...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong 4 người trên, có 2 người là vợ chồng. Sau khi người vợ đã gỡ tin khỏi trang cá nhân, đến lượt người chồng đưa tin lên trang của mình “với mục đích cảnh báo về dịch bệnh nguy hiểm”.

Thông tin về việc triệu tập đôi vợ chồng này, khi được đưa lên báo mạng, đã lập tức thu hút sự chú ý của bạn đọc với hàng trăm bình luận, trong đó phần đông “ném đá”, cho rằng cả hai vợ chồng đều “già mà chưa khôn”.

Nen biet 'giu mom mieng, tay chan’

Nhân viên y tế có mặt 24/24 giờ để kiểm tra phòng chống dịch Ebola đến từ các hành khách quốc tế tại sân bay Tân Sôn Nhất. Ảnh: Thành Công.

Thực ra, thời nào, tin đồn cũng có, từ chuyện rừng nọ có ma, nơi kia vị này vị nọ hiển linh, có khu vườn chữa bá bệnh… đến chuyện con vật này con vật kia mang mặt người. Ngày nay, với sự phát triển của mạng internet, một tin đồn được phát ra thì ngay lập tức được phát tán cho cả triệu người.

Thử nhập từ khóa “tin đồn” vào ô tìm kiếm của Google, sẽ ra khoảng 1.540.000 kết quả chỉ trong trong 0,63 giây. Gõ “tung tin đồn”, có ngay “khoảng 7.870.000 kết quả trong 0,54 giây”. Cái gì cũng có thể thành tin đồn được.

Rất nhiều tin đồn rõ ràng đã gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Còn nhớ cách đây chưa lâu, các khách hàng đã ùn ùn kéo đến ngân hàng nọ rút tiền do có tin đồn ông tổng giám đốc bị bắt. Lại cũng chưa lâu, một tiệm vàng ở Bình Dương điêu đứng vì tin đồn “bán vàng giả”.

Bên cạnh tin đồn thuần túy, các công cụ ghép hình ảnh còn làm tăng mức độ “đáng tin cậy” của tin đồn… nhảm. Vụ một cô vợ trẻ đẹp ở Cần Thơ bị chồng trả về do thấy vợ mình trong một phim sex là một ví dụ (tất nhiên, phim có sự lắp ghép hình ảnh).

Rõ ràng, đã có nhiều nạn nhân thiệt hại vật chất, tinh thần khi bị mang ra làm đối tượng của tin đồn.

Thực tế cho thấy, việc xử lý tin đồn chỉ phức tạp ở khâu xác định người tung tin, người phát tán tin, còn việc xử lý thì không quá phức tạp. Cơ quan chức năng chỉ cần căn cứ vào mức độ thiệt hại mà xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính bằng tiền, kèm hình phạt bổ sung (nếu cần thiết), nặng thì xử lý hình sự.

Có những tin đồn xuất phát từ việc đùa giỡn vô tư; có những tin đồn xuất phát từ sự ác ý, có tính toán; có những tin đồn với ý tốt (tạm cho là như vậy, như trường hợp đôi vợ chồng “cảnh báo dịch” nêu trên). Nhưng hệ quả của tin đồn thường là tiêu cực, bởi đơn giản nó thất thiệt, nó sai sự thật. Và người tung tin, phát tán tin có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý của nó, có thể bị kiện cáo, bị xử phạt.

Tung/phát tán tin đồn sai sự thật là phạm pháp. 

Tốt nhất, hãy có trách nhiệm với những gì mình nói/viết ra. Và, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của mạng xã hội vốn là “con dao hai lưỡi”, trách nhiệm phát ngôn càng phải cao hơn; mỗi cá nhân càng phải cẩn trọng, cân nhắc, phải biết “giữ mồm miệng, tay chân” trước khi nói ra, gõ ra và đưa lên mạng các thông tin, nhận định của mình.

H. H. Trọng Nghĩa (quận Gò Vấp, TP.HCM)

Xử lý hành vi tung và phát tán tin đồn như thế nào?

Xử phạt hành chính: Nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP.

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Theo Điều 37 Bộ luật dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Xử lý hình sự: Tùy theo từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý như sau:

- Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

- Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi“đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Ngoài những quy định chung nêu trên, tùy theo từng lĩnh vực, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đó. Ví dụ người có hành vi “bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường” có thể bị xử phạt theo Điều 18 Nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; người có hành vi “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

(Theo VnExpress.net ra ngày 25/5/2013)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI