Mưa một ngày, cả thôn run

11/11/2014 - 07:17

PNO - PN - “Hôm qua mưa suốt buổi sáng rồi im. Hễ mưa to một ngày đêm là cả thôn bắt đầu run, sợ ông thủy điện xả nước là trôi sạch hết” - chị Lê Thị Bích Ngọc, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Đầu Gò, xã Đại Sơn, huyện Đại...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đi từ xã đến Đầu Gò hết 5km nhưng phải qua hai lần đò. Tôi qua sông cùng ông Dương Tài Liệu - Chủ tịch xã. Vùng đầu nguồn sông Vu Gia này chưa một lần thấy nước trong xanh. Mưa đầu nguồn, khai thác vàng, phá rừng… tất cả biến dòng sông thành một dòng nước màu vàng ệch, tanh tanh. “Em biết không - chị Ngọc nói tiếp - nó chảy cái ào như thác, đồ đạc trong nhà trôi sạch”.

Ông Liệu kể: “Nhớ trận lụt đó, tôi vừa lên kiểm tra, mới về đến nhà ăn cơm trưa thì thôn trưởng gọi điện: anh ơi nước mô kinh quá, gần tới nóc rồi. Chén cơm trên tay tôi rớt cái bịch. Lúc đó có máy bay cũng không lên kịp. Giường chiếu mùng mền nằm ngoài đường, trên ngọn tre, còn cả thôn thì chạy hết lên núi”. Chị Nguyễn Thị Mai, dân trong thôn rùng mình: “Hễ thấy mưa thì sợ quá đi thôi”.

Mua mot ngay, ca thon run

Mẹ con chị Thanh sợ lụt bất ngờ cuốn trôi nên áo quần mùng mền kê lên cao

Vùng này được coi là nguy hiểm nhất Đại Lộc khi mưa lũ lớn về. “Mưa to một ngày là ăn cá khô hoặc muối, bởi mỗi ngày chỉ có một chiếc xe máy chở thịt cá lên bán, khoảng 10g sáng là hết hàng, ai tới trễ thì nhịn” - chị Nguyễn Thị Phụng, giáo viên cấp I ở đây nói. Nỗi sợ lụt triền miên, mà cụ thể là sợ thủy điện xả lũ bất ngờ, đã thay đổi thói quen sống chung với lũ của người miền Trung, bởi khi nhận được thông báo xả lũ thì nước đã rúc đến bàn thờ. Thôn này có 67 hộ với 245 khẩu, nhưng có đến 45 hộ nghèo.

“Làm chi ra tiền em, phụ nữ thì phải có tiền chợ búa, nhưng chịu thôi, trồng dứa thì 1,5 năm mới thu hoạch. Tụi chị nghèo lắm, nhưng biết kêu ai và cách chi thoát nghèo được? Cả thôn chỉ có 5ha đất màu ven sông, thủy điện xả lũ bứng hết xuống sông, kiến nghị bồi thường từ năm ngoái đến chừ không thấy trả lời” - chị Ngọc thở dài. Ông Liệu trầm tư: “Bế tắc vì đường sá, lụt chỉ có tháo chạy lên núi”. “Nhưng không có ghe, răng đưa dân lên được, nửa đêm gà gáy biết đường mô đi?” - chị Ngọc hỏi. Mỗi chiếc ghe nhôm khoảng hơn bốn triệu. Cả thôn cần chừng bốn chiếc, nhưng xã nghèo, đành chịu.

Đã bắt đầu mưa gió rồi. Sau mỗi trận lụt tan, người còn sống ngồi nhìn người chết, nhìn nhà cửa tài sản tích góp một đời trôi về biển, đau khổ rũ rượi mà không thể khuỵu xuống, bởi còn phải sống. Bà Nguyễn Thị Nhạn, 62 tuổi, nói giỡn mà như thiệt: “Bác phải nuôi ông chồng bị liệt, lụt chết bác không sợ, chỉ sợ nhà sụp bị thương, đổ bệnh là không biết lấy chi ăn. Năm ni liệu có lụt, lớn không con?”.

TRUNG VIỆT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI