Khuất tất tài chính trong giáo dục, vì đâu?

14/12/2014 - 10:03

PNO - PNO - Gần đây, báo Phụ Nữ đã dũng cảm phơi bày trước công luận những khuất tất tài chính trong một số trường học ở TP.HCM như Trường THCS Lam Sơn, THPT Bình Phú (Q.6), THCS Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), THPT Gò Vấp (Q.Gò Vấp), THCS Đặng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhiều vụ việc được phơi bày nhưng chỉ có trường hợp bà Kha Lệ Thanh ở Trường THCS Lam Sơn bị cách chức. Quyết định trên là một quyết định sáng suốt của UBND quận 6, dù muộn nhưng tạo được niềm tin trong dư luận.

Tôi nói muộn là vì trước đó, vào ngày 5/9/2008, bà Kha Lệ Thanh được tặng Huân chương Lao động hạng ba. Rõ ràng công tác thanh kiểm tra hàng năm làm quá yếu, quá sơ sài và có “vấn đề”. Hơn thế nữa bà ta còn lừa dối trót lọt các cấp quản lý để được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba. Để rồi trước khi về hưu, bộ mặt thật của một “nhà giáo” đạt Huân chương Lao động hạng ba bị trồi ra sau khi rớt mặt nạ.

 Khuat tat tai chinh trong giao duc, vi dau?

Năm học 2013-2014, học sinh trường THPT Bình Phú phải đóng học phí buổi hai với mức 120.000 đ/tháng nhưng các em và phụ huynh không biết rằng những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy cho các em chỉ được hưởng chưa đến 50 .000 đồng.

Cái mặt nạ ấy bao lâu nay bà ta và phe cánh mình dựng lên một cách bài bản, vì một mình bà ta không thể làm được chuyện đó. Qua vụ này, cũng cần coi lại cơ chế xét huân chương lao động hiện nay. Không khéo chúng ta đi tôn vinh những kẻ đeo mặt nạ.

Một ngành nghề đáng lẽ phải trong sạch, thơm tho từ trong ra ngoài thì giờ đây một số người quản lý cũng không làm chủ được mình trước đồng tiền. Vì để tiền làm chủ mà tạo bè kết nhóm, mà lươn lẹo đối phó với đồng nghiệp, với cấp trên. Càng ngày, càng xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của liên minh “ma quỷ” giữa hiệu trưởng và kế toán để thu vén cá nhân từ các nguồn thu chi.

Theo quy định, kế toán và hiệu trưởng sẽ được luân chuyển sau tối đa hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, nhằm tránh tiêu cực. Tuy nhiên, có những trường vẫn lách luật một cách tinh vi, cho kế toán khác đứng tên, còn kế toán cũ làm văn phòng rồi chỉ đạo ngầm.

Đáng lo là hiện nay, số cán bộ quản lý giáo dục biến chất quá nhiều. Họ cũng là đảng viên, cũng học đạo đức Hồ Chí Minh, cũng thuyết giảng bao điều hay lẽ phải trước học trò như một thánh nhân, nhưng khi sự thật được phơi bày thì lộ rõ “khẩu Phật mà tâm xà”.

Dù đã có chỉ thị công khai tài chính từ lâu, nhưng có trường vẫn làm lấy có, lấy lệ. Giáo viên thì bị giao nhiều việc, không có thời gian rảnh để quan sát, nghiên cứu các văn bản công bố có hợp lệ không? Nghiệp vụ thanh tra nhân dân trong trường học lại quá yếu về kiến thức kế toán, rất khó lòng phát hiện tiêu cực, lại cũng chỉ là những người dưới quyền kẻ có thể đang… tiêu cực.

Ngoài ra, hiện nay, chế độ thủ trưởng toàn quyền quyết định, nhất là khi bí thư chi bộ cũng là hiệu trưởng thì quyền lực càng “khủng” hơn. Khi quyền có trong tay, nếu không tự mình lãnh đạo mình, không tự soi gương mình mỗi ngày như Bác Hồ dạy thì rất dễ dẫn đến lạm quyền.
Ngoài ngân sách nhà nước dùng để trả lương, trường có điều kiện cơ sở vật chất sẽ có thêm nguồn thu từ căntin, giữ xe, dạy vi tính, tiếng Anh tăng cường… Những khoản này để tăng thu nhập cho giáo viên -công nhân viên - CB nhà trường... nhưng cũng là những thứ mà hiệu trưởng có thể bỏ túi riêng, nếu cơ chế giám sát ở cơ sở đó tê liệt.

Xem thêm:

Trường THCS Lam Sơn, Q.6: Hàng tỷ đồng tiền tập thể chảy vào túi cá nhân?

Trường THCS Lam Sơn (Q.6, TP.HCM) thu hộ - chi bậy

Trường THPT Nguyễn Du: Những hợp đồng tài chính đáng ngờ

Trường THPT Gò Vấp tùy tiện thu vượt hàng tỷ đồng của học sinh

- Hiệu trưởng Trường THCS Bình Hưng Hòa khuất tất tiền nong: Hàng tỷ đồng đi đâu?

Ngoài một số ít được phát hiện, thử hỏi còn bao nhiêu con sâu và băng nhóm của chúng đang cấu kết cùng nhau nhân danh Đảng, nhân danh Nhà nước, nhân danh “giữ đoàn kết nội bộ” để thực hiện âm mưu biển thủ trong trường học.

Một con người ngày trước có thể là thanh liêm, anh hùng trong chiến tranh, trong nghèo khó nhưng khi đứng trước quyền, lợi và danh tiếng thì con người ấy có thể sẵn sàng bán lương tâm cho quỷ nếu non kém bản lĩnh. Đó là lỗi do con người, do cán bộ quản lý không làm chủ trước quyền và lợi chứ không phải do tiền hay do cơ chế thị trường.

Bác Hồ từng viết rất sâu sắc: “Một Đảng, một dân tộc và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, được mọi người yêu mến, kính phục, không có nghĩa là hôm nay vẫn được mọi người tôn trọng, nếu như lòng dạ không trong sáng nữa, sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Thử hỏi lớp trẻ sẽ ra sao khi chúng chứng kiến những điều này, khi chúng được dạy, được quản lý bởi những con người hút máu đồng loại để tồn tại?

Nhưng tôi tin rằng, bên cạnh những “con sâu” kia, vẫn còn nhiều nhà giáo âm thầm phụng sự vô vị lợi cho sự nghiệp khai trí, hưng quốc. Chính những thầy cô ấy là điểm tựa cho các em khi cần thiết.

Cuộc giải phẫu nào cũng phải đớn đau, nhưng đó là cần thiết vì phải qua đớn đau thì khối u mới được cắt bỏ.

LA TỬ LAN (quận 6, TP.HCM)

Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ:

- Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com
- Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn.

Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút).

Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI