Không thể cứ mãi chống ngập kiểu… Sơn Tinh

01/12/2014 - 08:27

PNO - PNO - TP.HCM đang trải những cơn mưa cuối mùa. Nhưng bất luận là cuối, giữa, hay đầu mùa, hễ cứ mưa là ngập đường, ngập hẻm, ngập nhà.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khong the cu mai chong ngap kieu… Son Tinh

Hễ có mưa lớn, đường Tân Hóa (quận 6) lại ngập sâu, học sinh thường xuyên bị ngã xe - Ảnh: Phan Trí.

Hơn 10 năm nay, người dân TP.HCM đã bắt đầu sống với cảnh nước ngập, nước tràn vào nhà mỗi khi có triều cường, hay có mưa lớn. Nước dâng lên thì nâng nền, không nâng nền thì chắn bao cát trước thềm rồi tát. Tát không kịp thì đành kê ghế kê bàn lên sống chung với nước đến khi nước rút.

Cũng hơn 10 năm qua, số tiền mà TP.HCM dành cho việc chống ngập là hàng trăm triệu đô la nhưng hiệu quả hình như ngày càng đi xuống.

Ngày trước mưa nhỏ, hoặc triều cường, các khu vực như Công ty Pou Yuen, siêu thị Big C An Lạc, đường Kinh Dương Vương đoạn tiệm bánh Đức Phát (Q. Bình Tân);, khu dân cư Bình Phú (Q. 6); đường Vũ Tùng, Bùi Đình Túy (Q. Bình Thạnh)… không bao giờ ngập. Nay thì ngập tuốt luốt.
Nguyên do xảy ra tình trạng trên thì nhiều, nhưng chính yếu gồm các nguyên do sau:

Theo các chuyên gia, mực nước biển ngày càng dâng cao do biến đổi khí hậu. TP.HCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của quá trình này.

Khong the cu mai chong ngap kieu… Son Tinh

Mưa không to, đường Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân) vẫn ngập - Ảnh: Nhân Tiến.

Nguyên do khác làm thành phố càng có nhiều điểm ngập hơn dù đã cải tạo rất nhiều, sửa chữa rất nhiều là vì hệ thống cống ngầm mới xây dựng sau giải phóng không tương thích, đồng bộ với hệ thống cống ngầm có trước kia. Hệ thống cống ngầm ở quận này chênh với hệ thống cống ngầm ở quận kia. Thậm chí có những khu dân cư mới mọc, chẳng có cống ngầm thoát nước.

Kế tiếp, nguyên nhân ngập nước mỗi khi có mưa to là vì cốt nền giữa các phường trong mỗi quận không đồng đều, giữa quận này và quận kia cũng chênh nhau. Điển hình như đường Bà Hom đoạn qua chợ Phú Lâm (Q. 6) tự nhiên nâng cao hơn Đặng Nguyên Cẩn nên khi mưa xuống, nước đổ ập về Đặng Nguyên Cẩn. Nay, hiện tượng trên tiếp tục tái diễn khi đường Hậu Giang được nâng cao hơn nhà dân, hoặc cao hơn những con đường vệ tinh xung quanh đường Hậu Giang như Cao Văn Lầu, Minh Phụng, Mai Xuân Thưởng…

Hoặc khi đường Điện Biên Phủ nâng cao thì cả khu dân cư cạnh vòng xoay Hàng Xanh phía sau chợ Văn Thánh đều ngập, hoặc khu dân cư hai bên đại lộ Đông Tây, nhất là đường An Dương Vương cũng trong tình trạng tương tự.

Cả thành phố cứ như trong truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh. Nhà nước lấy tiền vay nâng đường làm nhà dân ngập. Đến lượt dân vay ngân hàng nâng nền cao hơn đường, đường lại ngập, nhà nước lại tiếp tục chống ngập, nâng đường. Vòng lẩn quẩn cứ thế mà xoay.

Khong the cu mai chong ngap kieu… Son Tinh

Mặt đường Hậu Giang (quận 6) vừa được nâng cao hơn nền nhà dân - Ảnh: Nhân Tiến.

Không có giải pháp căn cơ, chiến lược thì chỉ tổ tốn tiền, tốn sinh lực đôi bên, ngập vẫn cứ ngập.

Hơn 5 năm trước, ngày 30/6/2009, cầu Ông Buông được khánh thành cùng với dự án nạo vét lòng kênh nhưng đường Tân Hóa (Q. 6) vẫn ngập mỗi khi có mưa lớn. Nay cầu Ông Buông lại được tháo dỡ xây mới, cùng với dự án mới nhưng nước cũng tiếp tục ngập sâu khi có mưa lớn. Ngày khánh thành cầu phải xong trước 31/12/2014 cho kịp tiến độ theo quy định của Ngân hàng Thế giới, nhưng có lẽ khánh thành xong thì điểm ngập Tân Hóa khó lòng xóa xổ được.

Các khu dân cư mới tiếp tục mọc lên, khu sau nền cao hơn khu trước, hệ thống cống ngầm không đấu nối vào hệ thống chung, hoặc chênh với hệ thống cũ… sẽ là nguyên nhân góp phần cho các điểm ngập tăng lên trong thời gian sắp tới.

Cách chống ngập của chính quyền thành phố hiện nay chỉ là những giải pháp tạm thời, đối phó, không đồng bộ, thiếu tính tổng thể, thiếu sự tham gia của các nhà khoa học có tâm, có tầm ngay từ đầu, khiến hiệu quả không như mong muốn, điển hình như dự án cống ngăn triều gần như phá sản hoàn toàn vì triều cường lên thì nước vẫn ngập vùng trũng, mà mưa lớn thì nước mưa không xả xuống kênh kịp thời. Nhưng tiền cho dự án này thì không phải nhỏ.

Ở các nước phát triển, nếu người ta thấy một thành phố cũ không thể cải tạo tốt hơn, hoặc nếu cải tạo phải tốn quá nhiều tiền mà không hiệu quả thì họ đầu tư xây dựng thành phố mới để dễ quy hoạch đồng bộ, đỡ tiền giải tỏa, thiết kế. Họ chỉ tôn tạo một số hạng mục ở thành phố cũ nhằm thu hút khách du lịch, xem thành phố cũ như một di tích lịch sử.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q. 7, TP.HCM) minh chứng cho điều đó, từ vùng đầm lầy, một khu đô thị đẹp đẽ, hài hòa, quy cũ mọc lên.

NHÂN TIẾN (quận Bình Tân, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI