Dựng Tượng đài Hùng Vương: Tưởng tượng nên hình ảnh vua Hùng

21/04/2016 - 14:03

PNO - BQL dự án chia sẻ:"Thật ra chúng tôi cũng không biết là đời bao nhiêu cả. Hiện giờ đây là cuộc thi và lấy ý kiến chung của nhân dân,...".

Không ai biết Vua Hùng đời bao nhiêu...

Trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, người dân không chỉ được tham gia các nghi lễ, hoạt động văn hóa mà còn có thể bỏ phiếu chọn mẫu Tượng đài Hùng Vương từ 3 tác phẩm tiêu biểu đã được Hội đồng nghệ thuật lựa chọn trước đó.

Từng trao đổi quan điểm trước dự án Tượng đài Hùng Vương, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ trong cả việc xây dựng dự án cho đến việc lấy ý kiến góp ý của nhân dân và các nhà khoa học.

"Tôi chỉ băn khoăn chuyện giả sử người ta hỏi đây là vua Hùng nào thì phải trả lời sao? Có 18 đời Vua Hùng thì chắc chắn người ta sẽ hỏi đó là Vua Hùng nào? Vua hùng đầu tiên hay Vua Hùng cuối cùng, cho nên, phải có cách thể hiện tính biểu trưng của hình tượng này" - ông Dương Trung Quốc bày tỏ.

Dung Tuong dai Hung Vuong: Tuong tuong nen hinh anh vua Hung
3 mẫu tác phẩm được trưng bày tại Đền Hùng. Ảnh: Internet

Trao đổi trước băn khoăn này, ông Lê Đức Thọ - Trưởng ban quản lý Dự án xây dựng tượng đài Hùng Vương cho hay: "Theo đề án, chúng tôi cũng tổ chức trưng bày ra các mẫu phác thảo như thế, sau lựa chọn tiêu biểu để xin ý kiến của nhân dân, xem phương án nào được nhân dân đồng thuận với tỷ lệ cao. Thật ra chúng tôi cũng không biết là đời bao nhiêu cả. Hiện giờ đấy là cuộc thi và lấy ý kiến chung của nhân dân. Hỏi tôi là đời bao nhiêu thì tôi cũng không biết được".

Ông Thọ cũng cho rằng do chưa ai biết mặt, hình dáng của các Vua Hùng nên bây giờ mới phải tổ chức lấy đánh giá từ nhiều phía.

"Hiện tại vẫn chưa thể đánh giá gì về kết quả của việc lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học. Các hình tượng vẫn đang được trưng bày để tiếp tục lấy ý kiến trong vòng một tháng", đại diện Ban quản lý cho hay.

Ông Thọ thông tin thêm: "Trong dịp Giỗ tổ chúng tôi cũng đưa ra trưng bày, có người cho ý kiến, có người chỉ xem. Chủ yếu là các ý kiến bỏ trực tiếp vào hòm, Ban quản lý chưa nhận được ý kiến phản ánh nào từ xa bằng điện thoại hay phương tiện khác".

Chưa có cơ sở khảo cổ về hình dáng Vua Hùng

Trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Bình - Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội cho khẳng định rằng: "Nói về khảo cổ học thời Hùng Vương, chưa có cơ sở khảo cổ học nào có thể miêu tả, chứng minh hình dáng của các Vua Hùng như thế nào. Đây hoàn toàn là do tưởng tượng mà thôi".

"Chúng ta cũng chưa bao giờ có ảnh của cụ, rồi ít người biết mặt cụ, chúng ta cũng chỉ có một số truyền thuyết ở trên trống đồng, hình mô phỏng", PGS Nguyễn Duy Bình cho hay.

Theo PGS, với những hình mẫu dự thi tại: Có thể là họ tưởng tượng qua dân gian, qua truyền thuyết, qua văn hóa thời kỳ đó...

Nói về việc lựa chọn cũng như đúc tượng, PGS Nguyễn Duy Bình cũng nhận định: "Tất cả những anh hùng dân tộc dù những người dân chưa có dịp đi thăm viếng tượng đài đó nhưng tôi nghĩ trong tim mỗi người Việt cũng có rồi nên mình cũng nên làm cho nó vừa phải, nhất là nó phải chuẩn mực, trang nghiêm và làm sao biểu tượng đó nó phải xứng tầm".

Từng trao đổi trên báo chí, theo đánh giá của Họa sỹ Đỗ Ngọc Dũng - Giám đốc Sở Ngoại vụ, Hội viên Hội đồng Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo, Ủy viên hội đồng nghệ thuật cuộc thi sáng tác phác thảo tượng đài Hùng Vương thì cả 3 tác phẩm phác thảo được lựa chọn để lấy ý kiến người dân trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương này đều khá thành công trong tạo hình về một nhân vật lịch sử đặc biệt – vị Vua Tổ của người Việt, phương án nào được lựa chọn để dựng tượng cũng xứng đáng.

Được biết, sau khi phát động cuộc thi sáng tác phác thảo "Tượng đài Hùng Vương", Ban tổ chức đã tiếp nhận 21 phương án, tác phẩm tham dự.

Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 3 tác phẩm tiêu biểu để các tác giả tiếp tục chỉnh sửa,  để trưng bày trong khuôn viên khu di tích lịch sử Đền Hùng để người dân bỏ phiếu, từ đó lựa chọn mẫu tượng vị Vua Tổ của người Việt.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI