Dự án tỷ đô xây đập sông Hồng: Trung Quốc hưởng lợi?

08/05/2016 - 06:24

PNO - Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng dự kiến vốn 1,1 tỷ đô la, có nhiều điểm khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Chỉ là ý tưởng nhưng đã xin nhiều ưu đãi

Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng. Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).

Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup, đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.

Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.

Du an ty do xay dap song Hong: Trung Quoc huong loi?
Xuân Thiện đề xuất siêu dự án giao thông đường thủy kết hợp thủy điện trên sông Hồng. Ảnh: Internet

Thời Báo Kinh Tế Việt Nam cũng thông tin, trả lời tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra chiều 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT)  khẳng định “dự án mới ở bước rất sơ khai, mới đề xuất ban đầu”.

Theo ông Tự, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.

“Muốn đầu tư dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu khả thi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư”, ông Tự nói.

"Tuy nhiên, bước đầu, chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ rằng dự án này kéo dài từ Lào Cai theo suốt dọc dòng sông như vậy, ảnh hưởng lớn đến đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đặc biệt phải nghiên cứu rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi; vấn đề xói lở hai bên dòng sông... Việc xây dựng những đập ngăn nước lớn như vậy thì phải xây dựng ở những vị trí nào, địa chất ra sao; vấn đề mua bán điện...đều sẽ phải được xem xét" - vị đại diện Bộ KHĐT chia sẻ.

Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại.

Theo dự kiến, nếu được Thủ tướng phê duyệt, dự án sẽ được xây dựng trong 6 năm, từ 2016-2021. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 25 năm (cả thời gian xây dựng), thông qua bán điện, thu phí tàu thuyền. Ở giai đoạn đầu nghiên cứu dự án, Xuân Thiện đề xuất tổng mức đầu tư hơn 15.700 tỷ đồng, sử dụng 85% vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Trung Quốc hưởng lợi?

Trao đổi với VietnamNet, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: "Trước hết, cần xem xem ai được lợi chính từ dự án này. Người được lợi chính là tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, một tỉnh lớn miền núi của nước láng giềng rất khó khăn về đường ra biển".

"Tôi cho rằng đây là một dự án có lợi nhất cho tỉnh Vân Nam của Trung Hoa, mở được đường kết nối thuận lợi ra biển, giá thành vận tải rất hạ và sẽ có tác động tăng trưởng kinh tế cho Vân Nam. Còn đối với Việt Nam, tôi chưa nhìn thấy tác động làm tăng trường kinh tế nhiều lắm nhưng lại phải đứng trước những vấn đề lớn về bền vững xã hội và môi trường, mà người dân thuộc lưu vực sông Hồng chắc chắn phải gánh chịu", GS Đặng Hùng Võ đánh giá.

Dưới góc nhìn của Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an) trả lời Tuổi Trẻ TP.HCM: Chỉ mới nghe qua việc kết nối thủy lộ với Trung Quốc, tôi thấy đây là dự án nhạy cảm về mặt an ninh. Làm đập dâng nâng mực nước, tạo một thủy lộ vận tải được tàu trọng tải lớn kết nối thẳng từ Trung Quốc xuống các tỉnh thành phía Bắc, tôi thấy không yên tâm. Do vậy phải thẩm định thật chắc chắn.

Theo ông: "Lịch sử đã chỉ ra không ít dự án cơ quan công quyền khi quyết một sách lược nào đó không tham khảo ý kiến chuyên gia, cộng đồng đã để lại hậu quả đáng tiếc".

Thiếu tướng Lê Văn Cương dẫn chứng: "Nhiều dự án như đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho thấy các vấn đề chỉ cơ quan nhà nước quyết định có thể có rủi ro lớn".

Minh Khánh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI