Cuộc đua giữa khuya và hành trình của trái tim

23/07/2015 - 17:03

PNO - PN - 12g đêm 19/7, khu Hồi sức - tích cực của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM trở nên khác lạ. hơn 30 y, bác sĩ (BS) của các khoa Hồi sức-ngoại thần kinh, Hồi sức cấp cứu, Nội thần kinh, Tim mạch, Ngoại gan-mật-tụy, Ngoại tiết niệu,...

Họ chuẩn bị cho cuộc lấy tạng từ người cho chết não để cứu sáu bệnh nhân (BN) khác đang sống vật vờ vì không có người hiến tạng. Đây là trường hợp một người hiến đa tạng và mô đầu tiên được thực hiện tại BV Chợ Rẫy. Cuộc chạy đua cứu người càng trở nên khốc liệt khi các BS phải chuyển gấp khối tim - phổi ra tận Huế để cứu người.

Cuoc dua giua khuya va hanh trinh cua trai tim

Kíp nhận tim-phổi (BV Trung ương Huế và BV Chợ Rẫy)

Một người hiến, sáu người sống

Trước đó, một BN nam ở đồng bằng sông Cửu Long bị chấn thương sọ não do tai nạn lao động được chuyển gấp lên BV Chợ Rẫy với hy vọng “còn nước còn tát”. Sau nhiều ngày điều trị, BN vẫn không hồi phục, bệnh diễn tiến ngày một xấu. Đến ngày 19/7, các BS nhận thấy BN đã bị chết não, không còn khả năng cứu chữa.

Ngay sau đó, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của BV đã trao đổi, thuyết phục gia đình nạn nhân. Sau một đêm dài trăn trở, cuối cùng, gia đình nạn nhân thống nhất hiến tạng để cứu người. Những người ký biên bản hiến tạng là cha mẹ của BN. Nước mắt của đôi vợ chồng già không ngừng tuôn. Bà mẹ tay cầm bút run run, nói từng lời nghẹn thắt: “Cầu cho kiếp sau con lại là con của mẹ…”. Trong thời gian chờ đợi phản hồi từ người nhà, các BS vẫn tiếp tục hồi sức cho BN để duy trì cơ quan nội tạng.

GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng khoa Tiết niệu, BV Chợ Rẫy chia sẻ: “Các BS phải chạy đua với thời gian, nếu quả thận có thể tồn tại được 24 giờ thì trái tim sau khi ngừng đập chỉ có thể thực hiện cấy ghép trong vòng ba-bốn giờ”. Hội đồng khoa học BV bắt đầu kiểm tra đánh giá tình hình người bệnh theo quy trình nghiêm ngặt nhất đối với trường hợp chết não; các ê kíp tách, tiếp nhận và ghép tạng cũng được chuẩn bị sẵn sàng.

Cuoc dua giua khuya va hanh trinh cua trai tim

Hai BN mới được ghép thận từ nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não. (BN đang được cách ly)

“24 giờ chờ câu trả lời của bố, mẹ, anh chị BN là quá trình hồi hộp nhất. Khi bố mẹ BN đồng ý hiến tạng cứu người, chúng tôi như gỡ được khối đá trên ngực. BV quyết định lấy khối tim-phổi, gan, hai giác mạc và hai quả thận. Điều đáng nói là người cho tặng lại có nhóm máu AB nên chỉ ghép được cho người có cùng nhóm máu, rất “kén” người nhận. C

húng tôi rà soát danh sách người chờ nhận nội tạng, chỉ có hai người suy thận giai đoạn cuối có nhóm máu AB, duy nhất một BN bị xơ gan, ung thư do viêm gan siêu vi C cũng cùng nhóm máu AB; riêng hai giác mạc thì chúng tôi gửi sang Ngân hàng ghép giác mạc TP.HCM. Tuy nhiên, bộ phận tim phổi không biết ghép cho ai vì kỹ thuật này chỉ có BV Trung ương Huế thực hiện được. Ngay lập tức, hai BV kết nối với nhau và sau nửa ngày tìm kiếm, BV Trung ương Huế đã tìm được BN suy tim giai đoạn cuối có cùng nhóm máu AB đang chờ ghép tim phổi. Cả đội ngũ BS ai cũng mừng rỡ vì đó như một cơ duyên. Cuối cùng, chúng tôi chỉ biết tạ ơn trời đất và bắt đầu lao vào cuộc mổ” - một BS trong Đơn vị điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy nhớ lại. Ngay lập tức, BS ở các khoa phòng được tập trung triển khai kế hoạch ngay giữa đêm. Nhiều BS đang trong ngày nghỉ phép cũng vội vã chạy vào BV hỗ trợ.

Có lẽ ly kỳ hơn cả là câu chuyện về chuyến phiêu lưu có một không hai của khối tim-phổi. Khối tim phổi mà người bệnh hiến tặng sau khi tách, được bảo quản bằng một quy trình đặc biệt để sau khi ghép sẽ tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, làm thế nào để đem khối tim-phổi đi quãng đường hơn 1.000km từ TP.HCM ra Huế là chuyện không đơn giản.

GS Trần Ngọc Sinh kể: “Do quá gấp nên đoàn BS của BV Trung ương Huế phải bay ngay trong đêm, mang theo máu, mẫu phẩm xét nghiệm của người bệnh cần ghép tim vào TP.HCM để xét nghiệm. Trong lúc đó, BN chờ ghép tim cũng đã vào BV nằm đợi sẵn. Để bảo quản tim trong vòng ba-bốn giờ, ngay trong đêm đó, lãnh đạo BV Chợ Rẫy với sự đồng ý của Bộ Y tế đã liên hệ với Bộ Giao thông vận tải, ngành hàng không, xin phép trợ giúp cuộc vận chuyển đặc biệt này”.

12g đêm, chuyến bay từ Huế đưa đoàn BS vào thực hiện kỹ thuật bóc tách tim-phổi của người cho để vận chuyển về Huế. 6g30 sáng hôm sau, khối tim-phổi người cho đã được bóc tách và chuyển ngay ra sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, được đưa về BV Trung ương Huế để ghép cho người bệnh.

Thêm một điều đáng mừng, khi quả tim và phổi của người cho trên đường từ Sài Gòn ra Huế thì cũng là thời điểm các chỉ số xét nghiệm từ người cho và người nhận có kết quả tương đồng. BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy đã thở phào nhẹ nhõm. Nếu kết quả xét nghiệm không phù hợp, coi như công cốc vì khối tim-phổi đó sẽ không thể ghép được cho BN nào khác.

Cuoc dua giua khuya va hanh trinh cua trai tim

Chuẩn bị bảo quản tạng (khối tim-phổi và gan)

“Sống là cho…”

Ước tính, Việt Nam hiện có trên 16.000 người suy chức năng cơ quan: tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 BN hỏng giác mạc. Trong khi đó, số lượng người tự nguyện đăng ký hiến tạng chưa nhiều, dù hiện đang tăng dần và vấn đề hiến tạng đang bắt đầu nhận được sự quan tâm của xã hội, cộng đồng.

Sau một năm thành lập, Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy đã nhận được gần 700 đơn từ khắp nơi trên cả nước gửi về, tự nguyện hiến tạng cứu người khi chẳng may qua đời. Bên cạnh đó, với sự tuyên truyền tích cực ở các khoa phòng, chỉ trong tháng 6 và 7/2015, tại BV Chợ Rẫy đã có hai trường hợp hiến tạng cứu người.

Ngày 18/6/2015, đã có một trường hợp hiến tạng nhân đạo khi ngừng tim. Hai quả thận của người hiến được ghép cho hai BN suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo. Hiện hai BN được ghép thận đã hồi phục chức năng thận tốt. Đây là trường hợp hiến - ghép tạng từ người hiến tạng ngừng tim đầu tiên tại Việt Nam. Tính đến nay, tại BV Chợ Rẫy đã có tám người chết não hiến tạng giúp cho 15 trường hợp được ghép thận và tạng. Đây là những thông tin mở ra cơ hội cho người bệnh bị suy mô - tạng.

Ở các quốc gia phát triển, nguồn tạng được lấy từ người cho chết não hay ngừng tim, trong khi đó ở Việt Nam, nguồn tạng chủ yếu lấy từ người cho còn sống. Điều này làm thu hẹp phạm vi điều trị do nguồn tạng hạn chế. Ngoài các khía cạnh xã hội hạn chế việc hiến tạng sau khi chết, không ít người bệnh cũng tỏ ra e ngại khi nhận tạng từ người cho không còn sống. Vì vậy, trong điều kiện Việt Nam, để có thể lấy tạng từ người cho chết não ghép cho người bệnh phù hợp, cần có một mô hình tổ chức tốt, thực hiện chặt chẽ, tránh mất thời gian chờ đợi vì điều này ảnh hưởng đáng kể đến chức năng tạng thu được.

Hiện tỷ lệ thành công sau một năm của ghép thận từ người cho chết não là 90%. Tại châu Á, tỷ lệ sống sau 5 năm ghép thận khoảng 78%.

TIẾN ĐẠT - VĂN THANH

Có lẽ ly kỳ hơn cả là câu chuyện về chuyến phiêu lưu có một không hai của khối tim-phổi. Khối tim phổi mà người bệnh hiến tặng sau khi tách, được bảo quản bằng một quy trình đặc biệt để sau khi ghép sẽ tiếp tục hoạt động.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI