Chuyện của người ở lại

21/06/2014 - 15:33

PNO - PN - Không hiểu sao, sau mỗi lần gặp họ, câu thơ: “Ít nhiều người vợ trẻ/Mòn chân bên cối gạo canh khuya” cứ đeo bám tôi. Có điều gì đó như sự miệt mài, mệt mỏi, nhưng dai dẳng, kiên trì ở họ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đất nước của những người đàn ông luôn trong tư thế ra trận, để lại sau lưng bao đôi mắt nhiều khi như đứt gãy đến thảng thốt những cái nhìn bởi chồng, cha thoắt đến thoắt đi, người phụ nữ ở nhà kiêm luôn “chức” chồng, cha, cứ như thế, ròng rã tháng năm. “Không hạn định ngày về gặp, thì sao dám khóc hả anh?”. Lời chị Phạm Thị Hồng Nhung, vợ thượng úy Lê Trung Thành, thuyền trưởng tàu CSB 4033, khiến tôi nhớ ngay bài thơ ra đời đã 50 năm của Nam Hà: “Đất nước của những người con gái, con trai/Đẹp hơn hoa hồng, cứng hơn sắt thép/Xa nhau không hề rơi nước mắt/Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”.

Nhưng, bao người vợ kiểm ngư, cảnh sát biển tôi đã gặp, họ đều nói ngay cả lúc chồng về, thời gian ở nhà cũng không hạn định được, có thể một tiếng, một ngày, chiếc áo đẫm nước mặn trao vợ giặt chưa kịp khô, đã vội khoác ra đi, thì cũng đâu dám khóc, đơn giản bởi sợ chùng lòng người đi. Tôi vẫn hằng tin rằng, ở mỗi người phụ nữ tôi đã gặp những ngày qua, khi mang quà ủng hộ của Báo Phụ Nữ đến tặng họ, cái câu lặp đi lặp lại: “Vì Tổ quốc, tụi em chấp nhận gian khổ để các anh làm tròn nhiệm vụ”, là tiếng nói từ gan ruột họ.

Chuyen cua nguoi o lai
Chiến sĩ tàu cảnh biển 2012, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo những ngày biển Đông dậy sóng

Không sống ở đất nước này, không thở trong dông gió địch họa có thể ụp xuống bất kỳ lúc nào, thì sẽ không hiểu được tấc lòng bền gan với giang sơn, sự thủy chung từ máu thịt truyền đời của vợ những người lính, càng không hiểu lời họ nói có sức nặng của lòng quả cảm, sẵn sàng đối mặt với tất cả khi Tổ quốc gọi tên mình. Nói thực lòng, có biến cố trên biển, tôi mới hiểu được phần nào đời sống gia đình của những cảnh sát biển, kiểm ngư viên. Họ, phần nhiều cơ cực, sống nhà thuê, tạm. Bao lần tôi đã nghe những người đàn bà có chồng đi Hoàng Sa, Trường Sa kể trong âu lo, khốn khổ vì chồng mất xác vì bão tố, bị một nhóm người trên tàu Trung Quốc đánh đập, chìm tàu tay trắng, nợ nần ngập đầu. Nhưng, chồng con đi, hai mươi ngày, một tháng là về, điện thoại hàng ngày, làm ăn được mất, đau ốm ra sao, đều biết, ở đất liền có cha mẹ, họ hàng bảo bọc, rồi họ nói “từ thuở ông bà, ai cũng vậy, nên tụi tôi quen rồi”. Còn ở đây, đa phần gia cảnh xa quê, không người thân bên cạnh, có người cha mẹ hai bên đều không còn. Và phập phồng âu lo nhất với họ, chính là bặt tin chồng, chỉ biết ngày đi, ngày về, còn quãng thời gian đó ra sao, là những ước đoán theo gió mưa vạn dặm trùng khơi.

Nhìn họ tất bật đi lại trong nhà, cả kiểu ngồi bó gối trên sàn, tôi nghĩ đến những người phụ nữ ở làng tôi, gian khổ một đời đeo đuổi. Có đồng nghiệp nói với tôi rằng, Báo Phụ Nữ đã đi trước một bước đúng “thương hiệu” là đồng hành cùng gia đình, cùng hậu phương người lính. Tôi nghĩ bạn nói chân thành, khi mình cứ chạy quàng xiên tìm địa chỉ nhà vợ những người lính đang ở đầu sóng ngọn gió. Nhìn đồng nghiệp vẫy tay xuống tàu đi Hoàng Sa, tiếc lắm, nhưng đành, để rồi sau đó nhận được những nụ cười lặng lẽ vượt lên số phận của các chị, bèn nghĩ, thôi thì vẫn còn đó trách nhiệm của người trên bờ, bạn bè anh em đi, mình ở lại chung tay chia sẻ cùng gia đình họ. Đến ngồi cùng họ, phải thật lâu tôi mới nghe họ nói về những khốn khó, lắm khi cùng cực, mà hình như họ không muốn nói bởi sợ phiền lòng người khác. Tôi nhớ mãi nụ cười tươi sáng của chị Đặng Thị Phúc Thùy, vợ anh Mai Văn Diệp, kiểm ngư viên tàu KN 629. Hôm kia tôi nhắn tin hỏi lần nữa về bệnh tình, đáp lại vẫn là câu “bình thường, vẫn thế anh à”. Chị đang mang bệnh ung thư tuyến giáp, thế mà giấu biệt cánh báo chí. Không nhà. Không có việc làm. Con mới bốn tuổi. Nhưng, chị chỉ nói: “Em mong có công việc để đỡ buồn” - một lời thổ lộ hiếm hoi khi thấy mình còn trẻ mà đành ngồi không, không hề có chút ai thán bệnh tật.

Chuyen cua nguoi o lai
Chị Phạm Thị Hồng Nhung , vợ Thượng úy Lê Trung Thành - Thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển 4033 

Tôi đọc tin, thấy Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã nhận chị Phạm Thị Hồng Nhung, vợ thượng úy Lê Trung Thành vào làm việc. Thật mừng. “Em sẽ ít có thời gian cho gia đình hơn, nhưng em vui lắm, có việc làm là ước mơ của em, từ đây em không còn tự ti mặc cảm nữa khi ai đó hỏi “có việc làm chưa”. Rồi chị Xuyến, chị Thủy, chị Nghĩa… trong những căn nhà thuê tạm bợ đâu đó dọc suốt dặm dài miền biển, những tiếng thở dài như cố nén vào trong khi con đau, cha mẹ già yếu, thu nhập không gì ngoài đồng lương ít ỏi của chồng, bao lần vượt cạn đều không có chồng bên cạnh. Có chị, trong phút trải lòng, kể rằng khi cưới, về thăm quê chồng, phải ở nhờ nhà hàng xóm. Và tôi cũng đọc được ở những dòng tin, những câu trả lời gấp gáp đầy ưu tư nhưng không thiếu tiếng cười son trẻ: “Tụi em không có ảnh cưới anh ơi, vì lúc cưới chú rể đang ở ngoài biển”, “Cưới được ba ngày thì ảnh đi”, “Lần trước cưới hụt rồi đó anh, ảnh không về kịp, lần này mà hụt nữa thì em lại hoãn, chờ thôi”... Làm sao hiểu hết lòng những người đàn bà Việt khi chuyện trọng đại cuộc đời lại rơi vào những nghịch cảnh như thế, nếu mình không phải là con dân xứ sở này.

Tấm lòng của bạn đọc, cộng đồng mà mình mang đến cho họ, tôi vẫn tin, dù nhỏ nhoi nhưng sẽ là cánh tay nối dài ước mơ của họ trên sóng, như tiếng cười đón người trở về trong gian lao mà vinh quang, và lúc đó, chắc họ sẽ khóc.

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI