Chợ An Đông 1: Đóng hơn 217 tỷ đồng, 3 năm sửa được... 4 nhà vệ sinh

11/11/2016 - 11:30

PNO - Tiểu thương đóng góp số tiền trên 217 tỷ đồng để sửa chữa chợ An Đông 1 từ năm 2013, nhưng đến nay, ban quản lý chợ chỉ mới sửa được… bốn nhà vệ sinh.

Theo trình bày của các tiểu thương chợ An Đông 1 (Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An đông), từ năm 2013, họ đã đóng số tiền hơn 217 tỷ đồng để thuê sạp kinh doanh, nhưng với điều kiện chợ phải được sửa chữa và nâng cấp. Nhưng ba năm qua, ban quản lý (BQL) chợ chỉ mới sửa chữa được … bốn nhà vệ sinh. Cơ sở vật chất của chợ hiện đã xuống cấp trầm trọng và các tiểu thương phải kinh doanh trong điều kiện hết sức tồi tệ.

Tiểu thương xót của, quản lý chợ... bình chân

Tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch UBND Q.5 (TP.HCM) Phạm Quốc Huy vào sáng 10/11, hàng trăm tiểu thương chợ An Đông 1 bức xúc vì họ mong chờ buổi tiếp xúc như thế này từ 5 năm qua, mà nay mới được đáp ứng.

Cho An Dong 1: Dong hon 217 ty dong, 3 nam sua duoc... 4 nha ve sinh

Nói trong nước mắt, bà Vân Trang, tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết, nhiều năm trước, chợ An Đông 1 xuống cấp nghiêm trọng, BQL chợ đã đứng ra thu tiền của hơn 2.000 chủ sạp để sửa chữa, nâng cấp chợ.

Mãi đến cuối năm 2015, BQL mới cho sửa được bốn phòng vệ sinh ở bốn tầng với kinh phí lên đến hơn chín tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau đó, công trình này đã xuống cấp trầm trọng: vòi nước hỏng, tường nứt, sàn nhà luôn trong tình trạng tràn nước, mất vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc buôn bán.

Không những vậy, do hơn hai chục năm không được nâng cấp nên những năm gần đây, mỗi khi mưa lớn, nước từ mái xả trực tiếp vào chợ như suối khiến nhiều hàng hóa của tiểu thương bị hư hỏng. Nhiều chủ sạp phải vừa buôn bán, vừa căng bạt để bảo vệ hàng hóa chẳng khác nào đang kinh doanh ngoài trời. Ngoài ra, hệ thống thông gió, làm mát, cứu hỏa, âm thanh… đều trục trặc. “Với điều kiện hạ tầng của chợ như hiện nay, nếu xảy ra hỏa hoạn, coi như vô phương cứu chữa”, tiểu thương Lý Cẩm Vân ta thán.

Theo các tiểu thương, không chỉ bên trong chợ xuống cấp nghiêm trọng, việc thiếu chỗ gửi xe dẫn đến việc hình thành hàng loạt bãi giữ xe vây xung quanh chợ, gây ra cảnh nhếch nhác cũng khiến lượng khách đến chợ liên tục giảm trong nhiều năm qua. Trước đó, chợ có tầng hầm làm chỗ để xe, nhưng được chủ đầu tư phân thành nhiều sạp bán cho tiểu thương.

Từ một chợ kinh doanh sầm uất, hai-ba năm trở lại đây, hầu hết các sạp đều sụt giảm doanh số từ 50-70% so với trước. Hàng trăm tiểu thương đã góp tiền để sửa chữa chợ nhưng tình trạng vẫn không hề được cải thiện. Bức xúc, họ gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi, từ thành phố đến trung ương, nhưng “trên trả về dưới, dưới lại im lặng làm ngơ”.

Không những vậy, tiểu thương còn cho rằng việc thu chi tiền sửa chữa chợ không minh bạch. Cụ thể, tổng thu từ tiểu thương 237 tỷ đồng, nhưng trong cuộc họp vào ngày 28/10 vừa qua, số tiền được thông báo chính thức là hơn 217 tỷ đồng và được quận gửi vào kho bạc nhà nước (?). Số tiền gửi này, theo tính toán của các tiểu thương, nếu đem gửi tại các ngân hàng từ năm 2013 đến nay, tiền lãi lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tả tơi như chiếc áo rách

Theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 10/11, nhìn từ ngoài vào, chợ An Đông 1 như một tấm áo vá chằng vá đụp. Hai mặt tiền chợ ở phía đường Hùng Vương và An Dương Vương, nhiều mảng tường bong lớp bê tông, trơ lõi thép. Nhiều tiểu thương phải dùng bạt che mưa tạt do lớp kính bảo vệ đã vỡ gần hết. Khách vào chợ khó khăn khi có nhiều bãi giữ xe chắn ngang. Lượng xe nhiều cộng với việc luân chuyển hàng hóa liên tục ra vào khiến khu chợ luôn trong cảnh chật chội, nhếch nhác, bất an.

Tại tầng hầm của khu chợ, lớp sàn ẩm ướt, tối tăm; hầu hết các sạp đều thắp điện cả ngày, dây điện tại nhiều khu vực buông thõng, chằng chịt như mạng nhện, nguy cơ chập cháy bất cứ lúc nào. Không khí thì nóng nực kèm theo đủ thứ mùi khó chịu. Tường bốn bên loang lổ ẩm mốc, nhiều mảng bong tróc; cầu thang bộ dẫn lên các tầng đều đầy rêu mốc, hai bên được chất đầy những thùng hàng.

Các tiểu thương cho biết, những ngày mưa, nước chảy lênh láng trên sàn nên nhiều sạp phải đóng hàng hóa để lên cầu thang, tránh ẩm ướt, hư hỏng. Phía ngoài hành lang các tầng, những bồn cây bị biến thành thùng rác. Tại các phòng vệ sinh, nơi mới cải tạo, sửa chữa, theo quan sát của chúng tôi, lớp cửa, bồn rửa và phần sàn vẫn còn mới, nhưng hầu hết sàn các phòng đều ẩm ướt, mùi hôi nồng nặc

Cho An Dong 1: Dong hon 217 ty dong, 3 nam sua duoc... 4 nha ve sinh
Cơ sở vật chất của chợ An Đông 1 đã xuống cấp trầm trọng.

Tại khu vực bán thực phẩm và đồ ăn, nhiều chỗ nước đọng thành vũng đen ngòm, bốc mùi hôi thối, dù là ban ngày nhưng lổm ngổm chuột cống chạy qua chạy lại. Các tiểu thương than, do hệ thống thoát nước bị hư hỏng chưa được sửa chữa nên chuột ở đây nhiều vô kể, dạn người như thú nuôi, có người đặt bẫy một đêm được cả giỏ chuột lớn.

Sợ phá sản trước khi sửa chữa chợ 

Trước bức xúc của tiểu thương, ông Phạm Quốc Huy thông tin, trên giấy tờ hợp đồng, 217 tỷ đồng là số tiền tiểu thương thuê sạp trong 10 năm. Vào tháng 12 tới, quận sẽ mở thầu một số hạng mục sửa chữa chợ.

Theo đúng quy định, hai tháng sau đó, tức là khoảng tháng 2/2017, mới tiếp tục sửa chữa những hạng mục như cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy; ô giếng trời, nội - ngoại thất; hệ thống xử lý nước thải; lắp đặt hai thang máy nâng tải khách và thực hiện thêm một số hạng mục mà tiểu thương đề xuất như: làm mới bốn mặt chợ, lát lại gạch nền, sửa chữa hệ thống âm thanh…

Theo tính toán của các tiểu thương, với hình thức mở thầu, đợi phê duyệt mới sửa chữa, việc cải tạo chợ phải mất khoảng hai năm nữa. Khoảng thời gian này đủ để có thể xây dựng một chợ mới khang trang hơn. Nhiều tiểu thương cho rằng, việc sửa chữa cần tham khảo ý kiến của tiểu thương, bởi họ chính là những người kinh doanh tại đây, hiểu rõ công năng của từng hạng mục, nhưng dường như BQL chợ chỉ biết thu tiền, và họ tổ chức đấu thầu, chọn đơn vị thi công mà không có ai giám sát. Chính sự tắc trách này dẫn đến tình trạng sửa xong lại hỏng do vật liệu thay thế kém chất lượng, dù giá sửa chữa “trên trời”.

Tiểu thương Vân Trang phản ánh: “Tôi nhiều lần đề nghị xem bản vẽ 3D sửa chữa bốn mặt tiền chợ nhưng đều bị BQL chợ từ chối với lý do phải đợi đấu thầu, đợi kiến trúc sư đo vẽ, trình lên quận duyệt”. Tiểu thương trong chợ đã góp tiền tự thuê kiến trúc sư vẽ 3D chỉ trong ba ngày và đã trình lên quận, nhưng hiện vẫn chỉ được quận xem như “tài liệu tham khảo”.

Riêng về sự chênh lệch số tiền thu, ông Phạm Quốc Huy cho biết, con số 237 tỷ đồng ban đầu là số dự thu căn cứ trên số sạp, diện tích sạp, nhưng số thu thực tế không được như vậy; tổng thu chỉ đạt 217 tỷ đồng, có kèm chứng từ của kho bạc nhà nước. Chủ tịch UBND Q.5 cũng giải thích thêm, do vướng mắc về quy định trong quản lý nhà nước, cộng với việc thi công sửa chữa trong điều kiện chợ vẫn hoạt động nên khó đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp chợ.

Một tiểu thương dự buổi đối thoại lo lắng: “Chúng tôi đã đóng tiền từ ba năm trước, mà nay vẫn chưa thấy có sự thay đổi nào. Với tốc độ sửa chữa chậm như vậy, cộng với sự thiếu quan tâm của BQL chợ cũng như lãnh đạo quận thế này, e rằng nhiều sạp phải phá sản trước khi chợ được sửa”. 

Chợ An Đông 1 là một trong những chợ truyền thống lâu đời của TP.HCM, là nơi mua sắm, tham quan của du khách trong và ngoài nước. Chợ được hình thành vào năm 1950, đến năm 1989, được đầu tư xây dựng mới và đến năm 1991 được nâng cấp hoạt động thành Trung tâm Thương mại Dịch vụ An Đông, với quy mô sáu tầng.

Chợ có tổng diện tích mặt bằng 25.000m2 , diện tích xây dựng 18.000m2 ; có tổng số 2.718 sạp; số hộ hoạt động kinh doanh dao động từ 1.230 đến 1.280 hộ; lượng khách đến tham quan, giao dịch, mua sắm bình quân 2.000 người/ngày và tăng mạnh vào dịp lễ, tết; doanh số bán ra của chợ ước tính hơn 3.000 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách trên 60 tỷ đồng/năm.

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI