Cần quản lý tốt người bệnh tâm thần ở cộng đồng

06/04/2015 - 09:00

PNO - PN - Thỉnh thoảng, đi ra đường phố, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người tâm thần đi lang thang với nhiều bộ dạng khác nhau. Một số người bệnh tâm thần có những hành vi gây cản trở giao thông; đánh, ném đá, quát tháo…...

Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông, vụ án mạng đau lòng, nghiêm trọng do người tâm thần gây ra cho những người ở trong cộng đồng dân cư, thậm chí là những người thân trong gia đình.

Can quan ly tot nguoi benh tam than o cong dong

Ngày 13/3, tại thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, trong lúc lên cơn điên loạn, Lê Văn Hòa đã dùng 2 cây rựa chém chết cha là ông Lê Văn Diên (53 tuổi) rồi băm thành nhiều khúc.

Theo Bộ Y tế, mới chỉ có 15% - 20% số bệnh nhân tâm thần được chăm sóc, quản lý. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bệnh tâm thần chưa có điều kiện chăm sóc, quản lý là do nhiều tỉnh, thành phố vẫn thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần, chưa có trung tâm chăm sóc người bệnh... Việc giám sát hành vi của người tâm thần ngoài xã hội hiện chỉ trông cậy vào gia đình người bệnh.

Về mặt tâm lý, người ta thường hay tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng như ăn mặc bẩn thỉu, rách nát, đi lang thang, hay nhặt ăn bất cứ thứ gì họ thấy trên đường; còn trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng.

Song, có không ít những bệnh tâm thần phân liệt tuy có biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng lúc lên cơn hoặc bị tác động mạnh, những hoang tưởng ảo giác chi phối khiến người bệnh có thể thực hiện hành vi phạm pháp, gây án.

Vì vậy, đa phần các vụ án do người tâm thần gây ra đều ở đối tượng này.

Thời gian qua, liên tục xảy ra những vụ thảm sát do người tâm thần giết hại các người thân trong gia đình, gây kinh hoàng cho cộng đồng xã hội.
Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề người tâm thần sống trong cộng đồng gây án, đòi hỏi vai trò quan trọng nhất từ sự quản lý của gia đình cùng bộ phận y tế cơ sở, chính quyền địa phương.

Bởi theo nguyên tắc, khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo cáo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc cho họ nếu họ trong diện điều trị ngoại trú; nếu bệnh nhân quá nặng thì cần chuyển lên cơ sở y tế cao hơn để đưa ra biện pháp xử lý.

Song, hiện nay do một phần năng lực, phương tiện của đội ngũ y tế cơ sở chưa đồng đều nên hầu như rất ít nơi có được biện pháp tốt nhất để phòng ngừa có hiệu quả tình trạng người tâm thần gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Do đó, để vừa đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo cũng như đảm bảo ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra, có lẽ các ngành chức năng cần chung tay phối hợp chặt chẽ với gia đình, chính quyền địa phương, các cơ sở y tế nhằm quản lý và điều trị tốt người bệnh tâm thần, hạn chế thấp nhất các hậu quả không đáng có do người bệnh tâm thần gây ra.

VĂN THY HOÀNG (Quảng Nam)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI