Buộc doanh nghiệp có trách nhiệm với bữa ăn mỗi gia đình

04/05/2016 - 14:08

PNO - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ xác nhận CT Pilgrim’s Pride thu hồi hơn 4,5 triệu Pound thịt gà đã chế biến như thịt gà chiên tẩm bột và lăn cốm, chả gà...

Ngày 27/4, bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) xác nhận Công ty Pilgrim’s Pride thu hồi hơn 4,5 triệu Pound (tương đương 2.250 tấn) thịt gà đã chế biến trong khẩu phần ăn đóng hộp như thịt gà chiên tẩm bột và lăn cốm, chả gà, chả ăn sáng... vì có thể có “vật lạ” lẫn trong thịt gà. Theo USDA, những “vật lạ” được phát hiện trong các sản phẩm thịt gà đã nấu chín của Pilgrim’s Pride (bán dưới nhãn hiệu Gold kist farms, pierce và Sweet georgia) gồm nhựa, gỗ, cao su và kim loại.

Pilgrim’s Pride xác nhận việc thu hồi là tự nguyện. Công ty này cũng tập huấn lại tất cả nhân viên tham gia việc sản xuất các sản phẩm này và rà soát lại quy trình sản xuất, hệ thống nhà xưởng để ngăn ngừa sự cố lặp lại. Gần đây, người tiêu dùng Mỹ đã chứng kiến nhiều vụ thu hồi sản phẩm có vấn đề về chất lượng. Điều này cho thấy có một cơ chế giám sát vận hành và hành lang pháp lý chặt chẽ về vấn đề này.

Buoc doanh nghiep co trach nhiem voi bua an moi gia dinh
Sản phẩm thịt gà của Pilgrim’s Pride bị thu hồi do có vật lạ - Ảnh: FSIS

Vụ hơn 2.000 tấn thịt gà có “vật lạ” bắt đầu từ một khiếu nại của khách hàng với Waco - nhà vận chuyển và phân phối sản phẩm của Pilgrim’s Pride cho các cửa hàng tạp hóa và các trường học trên toàn quốc - sau khi khách hàng phát hiện nhiều mảnh nhựa trong thịt gà. Ngày 6/4, Waco báo cáo sự việc cho USDA. Cơ quan Kiểm định an toàn thực phẩm (FSIS) của USDA xác minh, phát hiện thêm nhiều sản phẩm bị nhiễm “vật lạ” và quyết định nâng mức thu hồi lên 2.250 tấn thịt gà trong các sản phẩm liên quan.

Các lô thịt gà bị thu hồi lần này, cũng như những sản phẩm khác trước đó, đều được nêu rõ trong “danh mục đen”, được công bố rộng rãi trên báo chí và cập nhật ở trang web của FDA, FSIS. Theo đó, người tiêu dùng sẽ tự vứt bỏ sản phẩm có vấn đề họ đang lưu trữ hoặc trả lại nơi họ đã mua. Khi phát sinh khiếu nại từ người tiêu dùng, một hệ thống điều chỉnh lập tức được kích hoạt: nhà sản xuất thông báo sự việc với nhà chức trách để cơ quan có thẩm quyền làm rõ bản chất và quy mô của sự cố, sau đó, theo kết luận của cơ quan này, chính quyền sẽ có quyết định xử lý.

Kinh doanh và cung cấp thực phẩm ở Mỹ phải tuân thủ Luật Thực phẩm và đồ uống. Các cơ quan giám sát vấn đề này gồm Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thuộc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ (HHS), Hội đồng thương mại liên bang (FTC), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và nhiều cơ quan khác thuộc từng tiểu bang. Mỗi tiểu bang còn có hệ thống luật tiểu bang về thực phẩm. Đó là lý do khiến các công ty thực phẩm ở Mỹ luôn mau mắn “tự nguyện” thu hồi sản phẩm có vấn đề.

Giữa tháng 3/2016, Công ty chế biến thực phẩm Bumble Bee Foods, Tri-Union Seafoods và H-E-B đã tự nguyện thu hồi sản phẩm cá ngừ trắng cắt miếng đóng hộp với lý do “quá trình thanh trùng thương mại có thể bị nhiễm khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh dẫn đến mắc bệnh nguy hiểm nếu tiêu thụ đồ hộp này”. Tháng 1/2016, Công ty đóng chai Niagara Bottling cũng tự thu hồi nước suối được sản xuất từ ngày 10/6-18/6/2015 tại hai nhà máy ở bang Pennsylvania, do phát hiện dấu vết khuẩn E.coli trong nguồn nước, dù không có bằng chứng sản phẩm của họ nhiễm khuẩn, cũng như không có người tiêu dùng mắc bệnh do dùng nước.

Buoc doanh nghiep co trach nhiem voi bua an moi gia dinh
Sản phẩm cá ngừ của Bumble Bee Foods bị thu hồi do nhiễm khuẩn trong quá trình thanh trùng - Ảnh: IBITIMES

Nếu doanh nghiệp né tránh hay chây ỳ, họ phải đối mặt với tòa án và chịu tổn thất nặng nề về danh tiếng và thị phần, đồng thời lỗ nặng do bị phạt tiền. Khi doanh nghiệp bị phát hiện có sản phẩm khiến người tiêu dùng bị bệnh, họ còn phải đối diện với cáo buộc hình sự. Sự kiện mới nhất liên quan đến Roos Foods Inc. ở Delaware.

Đây là doanh nghiệp thực phẩm bị FDA thu hồi đăng ký cơ sở sản xuất thực phẩm và phải đóng cửa hai năm trước vì lẩn tránh trách nhiệm trong vụ sản phẩm phô mai của mình nhiễm vi khuẩn listeria, gây ra đợt bùng phát bệnh khiến nhiều người dân địa phương đau bụng, nôn ói phải nhập viện. Cách đây không lâu, lỗi của doanh nghiệp này có thể chỉ bị thu hồi giấy phép, nhưng nay, khi có sự tham gia sâu hơn vào vấn đề an toàn thực phẩm của Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ), Roos Foods Inc. đã phải trả giá đắt hơn. Ngày 4/3/2016, Roos Foods Inc. phải ra tòa án liên bang và nhận tội với mức án phạt 100.000 USD.

Thanh Hiền (Theo CNN, AP, USA Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI