Bệnh nhân bị “giam lỏng” vì thiếu một chữ... "dù"!

24/06/2016 - 12:10

PNO - Khi phát hiện thông tư liên tịch số 37, trong phần ghi chú không có chữ “dù” bệnh viện đã đề nghị gia đình người bệnh phải thanh toán thêm số tiền 28 triệu đồng khi sử dụng thiết bị này.

Benh nhan bi “giam long” vi thieu mot chu...
Hóa đơn viện phí của bệnh nhân H. thể hiện, bảo hiểm không thanh toán thiết bị dù bít lỗ thông liên nhĩ

Khi phát hiện thông tư liên tịch số 37 do Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành ngày 10/9/2015, có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, trong phần ghi chú không có chữ “dù”(một thiết bị vật tư y tế sử dụng trong can thiệp tim mạch), bệnh viện (BV) đã đề nghị gia đình người bệnh phải thanh toán thêm số tiền 28 triệu đồng khi sử dụng thiết bị này. Loay hoay tìm cách giải quyết, BV đã “giam lỏng” bệnh nhân hai ngày, không cho xuất viện.

Bệnh nhân đòi kiện, bệnh viện “đau đầu”

Ngày 22/6, gia đình chị Nguyễn Thị H. (23 tuổi, Bà RịaVũng Tàu) bức xúc phản ánh, chị H. mắc bệnh tim (thông liên nhĩ), được BV tuyến tỉnh chuyển lên một BV lớn ở TP.HCM để phẫu thuật tim mạch can thiệp. Sau khi nhập viện, bác sĩ BV này chỉ định sẽ bít lỗ thông liên nhĩ cho bệnh nhân vào ngày 17/6, bằng phương pháp can thiệp tim mạch. Trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ (BS) tư vấn: phần thiết bị vật tư này (dù bít lỗ thông liên nhĩ) được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Tuy nhiên, trước khi bệnh nhân xuất viện, nhân viên BV thông báo cho gia đình bệnh nhân: thiết bị dù bít lỗ thông liên nhĩ không được BHYT thanh toán. Do đó, chi phí ca phẫu thuật đã tăng vọt, từ dự tính 28 triệu đồng lên hơn 56 triệu đồng.

“Nếu được BS tư vấn từ đầu, gia đình chúng tôi đã có hướng chuẩn bị, giờ bắt phải thanh toán thì chúng tôi không chấp nhận. Chạy vạy khắp nơi mới đủ số tiền phẫu thuật, chúng tôi không còn khả năng đóng thêm. BV không cho bệnh nhân về, lưu bệnh nhân thêm hai ngày sau khi can thiệp tim, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe”, em gái chị H. nói. Chiều 22/6, gia đình chị H. quyết định đưa chị về nhà, không chấp nhận thanh toán phần chênh lệch mà BV yêu cầu. Đồng thời, gia đình chị H. cho biết sẽ kiện BV vì tư vấn một đằng, thu một nẻo.

Đại diện BV cho biết, ngày 17/6, sau khi can thiệp cho bệnh nhân H., lúc nhập liệu hồ sơ, nhân viên BV phát hiện, thiết bị (dù bít lỗ thông liên nhĩ) sử dụng cho bệnh nhân trong quá trình thông tim can thiệp, không có trong danh mục được BHYT thanh toán. BV lập tức thông báo cho gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị H. và yêu cầu đóng đủ số tiền thực kê lên tới 56,2 triệu đồng sau khi trừ khoản được BHYT chi trả gần 6,8 triệu đồng. Trước đó, BV đã cố gắng mời đại diện cơ quan BHYT tới để xem xét vụ việc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nhưng phía BHYT cho biết “cứ làm theo quy định”. Cũng theo đại diện BV, sau này nếu BHYT giải quyết thì sẽ hoàn lại số tiền đó cho bệnh nhân. Tuy nhiên, gia đình người bệnh không chấp nhận.

Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 1/3/2016 đến nay, BV này đã “trót” chấp nhận thanh toán cho hàng loạt bệnh nhân bằng thủ thuật can thiệp trên với khoản chi phí lên tới hơn ba tỷ đồng. Thông tin về việc thiếu chữ “dù” trong Thông tư 37 đã lan truyền đến nhiều BV khác tại TP.HCM. Một số bệnh nhân không khỏi hoang mang lo lắng vì lịch mổ đã có nhưng “tiền đâu mà đóng”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại TP.HCM, BV Nhi Đồng 1 là một trong những đơn vị thực hiện nhiều thủ thuật này. Ước tính, từ đầu tháng Ba đến nay, BV Nhi Đồng 1 đã can thiệp cho hàng trăm trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh bằng kỹ thuật bít lỗ thông liên nhĩ với tổng chi phí khoảng tá m tỷ đồng.

Một BS chuyên ngành can thiệp tim mạch cho biết, mỗi năm BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 800-1.000 trẻ em bị tim bẩm sinh cần can thiệp tim mạch và 90% trẻ mắc bệnh ti m bẩm sinh phải dùng dù bít thông liên nhĩ. “Những trường hợp thực hiện thông tim can thiệp thì chi phí cho thiết bị dù từ 20-40 triệu đồng. Nếu bảo hiểm không chi trả, chúng tôi không thể truy thu bệnh nhân, chẳng biết lấy gì bù vào khoản chi phí quá lớn này”, vị BS này băn khoăn.

Phải điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi người bệnh

Nhận phản ánh của phóng viên báo Phụ Nữ, chiều 22/6, BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, BHXH TP đã tiếp nhận và báo cáo nhanh lên BHXH Việt Nam để có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Đồng thời, trong chiều 22/6, BHXH TP.HCM đã điện thoại cho các đơn vị y tế trên địa bàn, đề nghị tiếp tục thanh toán cho người bệnh.

“Trong quá trình xét kỹ thuật tương đương, có những cái chưa rõ trong cấu thành giá nên chưa được xét trong bảng kỹ thuật tương đương. BHXH không có quyền tự ý bổ sung danh mục kỹ thuật. Chúng tôi sẽ kiến nghị lên Bộ Y tế để có những điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người bệnh. Với những BV đã thu viện phí của người bệnh theo hướng không được bảo hiểm thanh toán thì BHXH sẽ trả lại khoản bệnh nhân đã chi trả. Những BV còn băn khoăn không biết BHYT có chi trả cho thủ thuật bít dù hay không thì tôi xin khẳng định, danh mục kỹ thuật này sẽ được bảo hiểm thanh toán”, BS Huyền nói.

BS Huyền cho biết thêm, khi chuyển đổi từ thông tư 03 và 04 sang thông tư 37, các dịch vụ kỹ thuật trước đây (có tới hơn 17.000 loạ i) hiện đang trong quá trình cập nhật. Trong quá trình triển khai, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, nếu kỹ thuật nào còn thiếu trong cơ cấu giá thì sẽ bổ sung.

Chiều 22/6, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) khu vực phía Nam đã báo cáo nhanh sự cố trên với BHXH Việt Nam. Trong khi chờ văn bản hướng dẫn, trung tâm đã liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo các BV trên địa bàn để thông báo đồng ý thanh toán bảo hiểm cho thiết bị dù bít lỗ thông liên nhĩ cho người bệnh.

Tiếp nhận phản hồi nhanh chóng từ BHYT, một số BS cho biết, rất hoan nghênh sự nỗ lực của cơ quan BHYT sau sự cố trên. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều danh mục dịch vụ, vật tư, thiết bị chưa kịp cập nhật. Do đó, để bệnh nhân được bảo đảm quyền lợi, BS an tâm điều trị, các cơ quan chức năng khi ban hành văn bản nên có những hướng dẫn cụ thể, đầy đủ hơn.

Vinh Nguyễn - Tiến Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI