Bảng tương tác cho mầm non và tiểu học: Miễn phí thì hay hơn!

13/11/2013 - 14:00

PNO - PN - Chiếc bảng tương tác mà UBND TP.HCM quyết định trang bị cho các trường mầm non (MN) và tiểu học (TH) theo phương thức 50-50 (ngân sách cấp một nửa, phụ huynh (PH) đóng góp một nửa) là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Sáng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hầu hết các ý kiến từ giáo viên (GV) - người trực tiếp sử dụng, cho đến lãnh đạo các trường, các phòng GD-ĐT quận huyện đều có những ghi nhận rất tích cực về tác dụng của chiếc bảng tương tác.

Theo ông Lê Tấn Lột - GV Trường TH Minh Đạo (Q.5), bảng tương tác có thể sử dụng cho tất cả các môn học. So với máy chiếu projector, khi sử dụng bảng tương tác, GV không còn phải loay hoay với chiếc máy vi tính nữa, nhờ vậy thầy trò gần gũi hơn, lớp học sinh động hơn.

Cô Vũ Thị Mai Xinh - GV Trường MN Vàng Anh, khẳng định: “Học với bảng tương tác, học sinh (HS) thích thú và tập trung hơn, giờ học cũng trở nên sinh động hơn”. Bà Trương Thị Việt Liên - Phó phòng GD MN - Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: đi thực tế tại các trường MN có yếu tố nước ngoài, lớp học nào cũng có bảng tương tác. Ý kiến của bà Việt Liên là: ở bậc MN, bảng tương tác sẽ hỗ trợ tốt trong các giờ dạy tạo hình và âm nhạc. Tuy nhiên, việc cho trẻ tiếp xúc với bảng nên có liều lượng, khoảng từ 15 - 20 phút, không nên kéo dài.

Bang tuong tac cho mam non va tieu hoc: Mien phi thi hay hon!

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) học tiếng Anh với bảng tương tác - Ảnh: Phùng Huy

“Nếu trường MN có bảng tương tác thì tốt, được ngân sách cho 100% càng tốt, như thế PH sẽ không thắc mắc” - bà Việt Liên nói. Theo kế hoạch đã triển khai, mỗi trường MN sẽ được trang bị một bảng, mỗi trường TH được trang bị hai bảng tương tác theo phương thức 50-50. Cụ thể, mức đóng góp sẽ vào khoảng 15.000đ/HS/tháng trong thời hạn hai năm. Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng GD-ĐT Q.5 nhận định: “Về kinh phí mua bảng, trong giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn, nhất là những trường MN phường”.

Theo ông Đinh Thiện Căn - Trưởng phòng GD-ĐT Q.1, phương án 50-50 là hơi khó khăn, vì phải đạt được sự đồng thuận của PH. Có những trường MN có tới năm điểm, đặt bảng ở điểm nào để bảo đảm an toàn và phù hợp với lứa tuổi cũng là bài toán khó. Nếu chỉ dùng cho HS năm tuổi thì tiền thu hồi sẽ rất lâu. Cho nên, Q.1 quyết định cho nhiều lứa tuổi khác cùng sử dụng và lớp nào sử dụng thì đóng tiền!

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), đề xuất: “Bước đầu, ngân sách nên tài trợ 100%. Nếu kinh phí có hạn thì có thể giảm số lượng bảng cấp cho các trường. Cứ làm từ từ, khi PH thấy được hiệu quả rồi thì mở rộng ra. Như vậy, sẽ không gây khó cho PH”. Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình cao.

Theo ông Đinh Thiện Căn, đổi mới GD cần cả hai yếu tố là phương tiện và con người, nhưng con người luôn là yếu tố quan trọng nhất; máy móc có ưu việt đến mấy mà con người không biết sử dụng thì cũng như không, hoặc nếu không khai thác hết các tính năng của thiết bị thì sẽ gây lãng phí. Đây chính là vướng mắc mà hầu hết các trường MN, TH đang gặp.

Theo nguyên tắc, sau khi bán bảng, nhà cung cấp là Công ty cổ phần Tiến Bộ (AIC) sẽ tổ chức tập huấn bốn buổi cho năm cán bộ, GV của mỗi trường, những người này sẽ về tập huấn lại.

“Bản thân những cán bộ, GV được tập huấn cũng còn nhiều hạn chế, nên khi họ tập huấn lại cho GV khác thường bị “tắc” giữa chừng” - bà Phạm Thị Thùy Trang - Phó phòng GD-ĐT Q.2 nêu thực tế. Không chỉ Q.2, ngay cả Q.1 cũng vướng tình huống này.

Ông Căn kiến nghị Sở GD-ĐT và Công ty AIC cần tổ chức huấn luyện cho 100% GV và việc tập huấn phải tiến hành liên tục để nâng cao kỹ năng khai thác và sử dụng sao cho đạt hiệu quả cao nhất của một phương tiện hiện đại đa tính năng, có giá rất “khủng” là 180 triệu đồng/bảng. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khó vì với khoảng 34.000 GV MN và TH của toàn thành phố thì biết đến bao giờ nhà cung cấp mới tập huấn hết lượt, chưa nói đến tập huấn nâng cao.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI