57% lao động nhảy việc do không có cơ hội thăng tiến

02/04/2015 - 10:46

PNO - PN – 57% tổng số người được khảo sát cho biết, họ nhảy việc do không thấy có cơ hội thăng tiến cũng như phát triển bản thân trong công việc hiện tại.

edf40wrjww2tblPage:Content

Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks vừa công bố khảo sát “Quan điểm về nhảy việc của người lao động Việt Nam”, trong đó 4 nguyên nhân phổ biến khiến lao động việt Nam nhảy việc gồm tìm kiếm cơ hội thăng tiến, cần được trân trọng, không phù hợp với lãnh đạo và vì sự an toàn cho sự nghiệp.

Ông Gaku Echizenya, Giám đốc điều hành của VietnamWorks cho biết, qua bản khảo sát này, VietnamWorks mong muốn giúp nhà tuyển dụng điều chỉnh chiến lược giữ chân và gắn kết nhân tài, cũng như đáp ứng các nhu cầu của nhân viên một cách hiệu quả hơn.

57% lao dong nhay viec do khong co co hoi thang tien

Nguồn ảnh: internet.

Khảo sát của VietnamWorks được thực hiện trên 12.652 người lao động tại Việt Nam.

Khi được hỏi lý do chủ yếu nào có thể dẫn đến quyết định nghỉ việc hoặc chuyển việc, có đến 57% tổng số người được khảo sát cho biết, họ không thấy có cơ hội thăng tiến cũng như phát triển bản thân trong công việc hiện tại. Cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân được thể hiện bằng các lộ trình thăng tiến và phát triển rõ ràng được quy định trong chính sách của công ty hoặc được đề xuất bởi các cấp lãnh đạo.

Dấu hiện để nhận ra những môi trường không có cơ hội thăng tiến là việc nhân viên ít được giao các thử thách mới mà chủ yếu phải làm những công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại. Lý do này xảy ra nhiều nhất đối với nhân viên có kinh nghiệm làm việc dưới 5 năm.

Trong nhóm người lao động có kinh nghiệm 5 năm trở xuống, cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân là tiêu chí được nhiều người cân nhắc nhất khi quyết định chuyển việc.

Trong khi đó, với nhóm người lao động có kinh nghiệm 5 năm trở lên, cảm thấy được trân trọng hơn và đánh giá cao trong công việc mới là yếu tố phổ biến nhất ảnh hưởng đến quyết định nhảy việc.

Người lao động trong nhóm này dễ nhảy việc một khi trải qua cảm giác không được trân trọng trong công việc hiện tại, chẳng hạn như những thành tựu đạt được không được công nhận nhưng khi phạm sai lầm thì lại bị “chỉ mặt đặt tên”. Hoặc là, họ cảm thấy có thể bị thay thế một cách dễ dàng dù không gây ra hệ quả xấu nào đối với công ty.

Một lý do khác khiến lao động nhảy việc là do “sếp không phù hợp”, tức là cấp trên có phong cách làm việc quá khác biệt, hoặc gây cản trở đến sự phát triển sự nghiệp và thành tựu trong công việc của cấp dưới.

Về vấn đề an toàn cho sự nghiệp, khi trả lời câu hỏi “thời điểm nào nhảy việc là tốt nhất?”, có đến 40% số người được khảo sát cho biết họ chỉ nhảy việc khi đã tìm được việc làm mới. Trong đó, có đến 29% số người được khảo sát chọn sau Tết là thời điểm nhảy việc lý tưởng nhất vì đây là mùa tuyển dụng nóng.

Bản khảo sát của VietnamWorks cũng cho thấy, những người có nhiều năm kinh nghiệm chủ động hơn trong sự nghiệp, họ sẵn sàng nghỉ việc nếu không thấy công việc hiện tại phù hợp nữa. Tuy nhiên, họ cũng là đối tượng ưa thích sự an toàn và ổn định nhất, muốn nghỉ việc khi đã tìm được một công việc mới.

Ngược lại, những người ít năm kinh nghiệm hơn lại linh động và dễ nhảy việc vào những mùa tuyển dụng rầm rộ như mùa sau Tết.

QUỲNH MAI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI