Vỡ túi ngực do áp suất trên máy bay là chuyện hoang đường?

29/10/2018 - 18:02

PNO - Theo các bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ, nổ và vỡ túi ngực khi đi máy bay là chuyện hoang đường.

Thông tin ca sĩ Ivy Trần bị nổ túi ngực khi đi máy bay khiến nhiều phụ nữ nâng ngực lo sợ. PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng – Tổng thư ký Hội Thẩm mỹ TP.HCM, kiêm Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho rằng đây chuyện hoang đường, không thể xảy ra.

“Di chuyển trên máy bay, áp suất thay đổi không thể làm vỡ túi ngực. Ngay cả màng nhĩ mỏng manh còn không bị vỡ khi thay đổi áp suất, huống hồ là túi ngực. Các túi ngực được kiểm nghiệm về chất lượng với thời gian tồn tại trong cơ thể người ít nhất 5 năm”, BS Hùng nhận định.

Vo tui nguc do ap suat tren may bay la chuyen hoang duong?
Bệnh nhân bị nổ túi ngực cho rằng do áp suất thay đổi trên máy bay

Cũng theo BS Đỗ Quang Hùng, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 8 - 10 trường hợp bị vỡ túi ngực. Tuy nhiên, nguyên nhân vỡ túi ngực do vật nhọn đâm vào, do tác động bóp nắn và thường gặp nhất là do co thắt bao xơ sau một thời gian dài đặt túi ngực.

Thông thường, sau 5 năm đặt túi ngực (có trường hợp xảy ra nhanh sau 1-2 năm) cơ thể sinh ra một lớp bao xơ sinh lý bao quanh túi ngực và khi bị nhiễm trùng, bệnh tật… sẽ chuyển thành bệnh lý co thắt bao xơ.

Một số trường hợp nổ túi ngực do kỹ thuật đặt không đúng, thậm chí có thể gây vỡ túi ngực ngay lúc vừa phẫu thuật.

Vo tui nguc do ap suat tren may bay la chuyen hoang duong?
Các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ cho rằng, màu sắc túi ngực của bệnh nhân khi chuyển từ trắng sang vàng, khả năng túi ngực bị vỡ từ lâu

“Nhiều nơi quảng cáo phẫu thuật đường mổ nhỏ khi đặt túi ngực chỉ 2,5cm. Tuy nhiên, đường mổ càng ngắn thì khả năng túi ngực bị tác động dẫn đến nổ càng cao. Đường mổ tối thiểu phải 3cm mới tránh khả năng gây vỡ túi ngực. Nếu bác sĩ gắng nhét túi ngực qua một đường mổ quá nhỏ có thể khiến túi ngực bị vỡ. Lúc đó bệnh nhân đi máy bay lại nghĩ do áp suất trên máy bay gây ra”, BS Hùng cho biết.

Một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ phân tích, với màu vàng khè của túi ngực, có thể túi ngực này vỡ từ lâu. Một túi ngực còn mới sẽ có màu trắng và nguyên vẹn hình hài. Nếu cho rằng nổ túi ngực khi đi máy bay, bệnh nhân vào mổ cấp cứu sẽ không thể có màu vàng như vậy.

Vo tui nguc do ap suat tren may bay la chuyen hoang duong?
PGS.TS.BS Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ, BV Chợ Rẫy (TP.HCM)

BS Đỗ Quang Hùng khuyến cáo người dân an tâm khi làm đẹp bằng cách dùng túi ngực. Trong trường hợp vỡ túi ngực cũng không nguy hiểm tính mạng.

Nếu vỡ lâu thì dung dịch trong túi ngực mới thấm vào các mô ở ngực, thường trên 20 năm mới gây ảnh hưởng như làm xơ cứng mô. Cách xử lý khi vỡ túi ngực cũng không khó khăn. Đa phần các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ đều có thể mổ lấy ra hoặc đưa túi ngực khác vào.

Tốt nhất, chị em nên thay túi ngực sau 10-12 năm. 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI