Tùy tiện hỏa trị liệu, đùa với lửa!

23/11/2018 - 07:18

PNO - Gần đây, các trang mạng xã hội ngập tràn chia sẻ về phương pháp “đả thông kinh mạch” có tên là hỏa trị liệu do nhiều spa thực hiện.

Chúng tôi đã trao đổi với ThS-BS y học cổ truyền Nguyễn Thanh Sang, Phó khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, về phương pháp ẩn chứa nhiều hiểm họa này.

Phóng viên: Hiện nay đang rộ lên trào lưu hỏa trị liệu, bác sĩ có ghi nhận tình trạng này? 

ThS-BS Nguyễn Thanh Sang: Đúng là đang có phong trào hỏa trị liệu. Tại bệnh viện, tôi không áp dụng phương pháp này do chưa chứng minh được hiệu quả trị bệnh, tuy nhiên ngày nào cũng có vài bệnh nhân hỏi về phương pháp hỏa trị liệu. Một số người chia sẻ được hàng xóm chỉ cách làm và đã tự làm cho người thân. Tôi nghe mà phát hoảng, bệnh nhân đúng là đang… đùa với lửa. 

Tuy tien hoa tri lieu, dua voi lua!
Hỏa trị liệu làm tùy tiện tiềm ẩn nhiều tai họa

* Hỏa trị liệu nếu làm tùy tiện có thể gây nguy hiểm thế nào, thưa bác sĩ?

- Trước tiên, về nguy cơ phỏng cồn, phỏng cho cả người được làm và người thao tác. Để làm hỏa trị liệu, khách hàng sẽ để lưng trần, nằm sấp. Sau đó, người ta tẩm ướt khăn bông đắp lên lưng rồi dùng chiếc khăn sô ẩm nhúng đẫm cồn lên vùng cần hỏa cứu trên lưng. 

Tiếp đến, họ châm lửa, cho lửa bùng lên khoảng 15 giây rồi lấy khăn lông ẩm đã nhúng nước dập lửa. Nghe thì đơn giản nhưng nhiều người không biết rằng cồn nước rất dễ bắt lửa, lửa cồn lại màu xanh khó thấy, nhỡ không dập được lửa hoặc dập không kịp thì hậu quả sẽ thế nào? Phương pháp này được thực hiện bởi người có chuyên môn và các cơ sở điều trị bệnh chính thống theo quy trình an toàn sẽ không đáng ngại, nhưng làm ở spa, ở nhà thì quá nguy hiểm.

Tiếp đến là các đối tượng chống chỉ định đối với phương pháp này. Khi quyết định một phương pháp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ y học cổ truyền sẽ khám, chẩn đoán. Nhưng nhân viên spa, người thân trong gia đình không có chuyên môn nên không thể chẩn đoán bệnh. Nếu những người mắc bệnh lý có nguyên nhân thực nhiệt (cao huyết áp, sốt, tim mạch) mà làm hỏa trị liệu thì biến chứng rất nguy hiểm. Chưa kể, thực hiện hỏa trị liệu ở vùng gân, da sát xương và mặt có thể gây phỏng; đặc biệt với người bị tiểu đường, một số phần bị mất cảm giác, khi lửa cháy sẽ không cảm nhận được…

Tuy tien hoa tri lieu, dua voi lua!
 

* Vậy có phương pháp nào tương tự hỏa trị liệu nhưng an toàn hơn trong điều trị chứng nhức mỏi?

- Trước tiên, mọi người hãy tới những cơ sở chính thống về y học cổ truyền (Bệnh viện Y học cổ truyền, khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện, phòng khám y học cổ truyền được Bộ Y tế cấp phép) để khám bệnh. Tại đó, nếu cần thiết, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp khá an toàn mà cũng dùng nhiệt là lá ngải cứu phơi khô, cuốn thành que như cây nhang và đốt lên rồi hơ vào vị trí các huyệt đạo. Khi hơ, bác sĩ sẽ để ngải cứu cách xa da bệnh nhân từ 10-15cm, vừa thao tác vừa đặt bàn tay còn lại để cảm nhận độ nóng sao cho người bệnh không bị phỏng. Đây là phương pháp đã được kiểm chứng từ lâu. 

Theo ThS-BS Nguyễn Thanh Sang, hỏa trị liệu hay còn gọi là hỏa long cứu (đốt cồn trên lưng nhìn như rồng lửa) không phải phương pháp y học cổ truyền cổ điển của Trung Quốc. Phương pháp này mới xuất hiện tại Trung Quốc từ năm 2007, được áp dụng để điều trị các chứng bệnh do hàn gây ớn lạnh, suy sinh dục, đôi khi họ nghĩ rằng chữa được chứng đàm thấp (đốt nóng làm hao hụt lượng mỡ thừa qua đường mồ hôi để giảm béo)… Khi du nhập vào Việt Nam, phương pháp này bị biến tướng, thực hiện một cách tùy tiện.

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI