Trẻ theo nhau vào bệnh viện do giải nhiệt sai cách

20/03/2019 - 06:22

PNO - Hiện các bệnh viện nhi ở TP.HCM đông nghẹt người. Tiếng trẻ nôn ói, khóc lóc, rên rỉ cùng tiếng phụ huynh dỗ dành, la mắng khiến không khí ở bệnh viện thêm ngột ngạt, bức bối.

Lên cơn suyễn do tắm ở hồ bơi

Lúc 7g30, những hàng ghế ở khu khám D và AB của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã không còn ghế trống. Trước phòng khám B26 (khám suyễn), có hơn 20 trẻ đang đợi. Nghe bé Nguyễn X.M. - 6 tuổi, nhà ở Q.10, TP.HCM - ho, người phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi vừa vuốt lưng bé, vừa la: “Đã nói rồi, bơi vừa phải thôi, bơi cho cố vô, giờ lên cơn”. 

Tre theo nhau vao benh vien do giai nhiet sai cach
Những ngày này, các bệnh viện nhi luôn đông đúc, quá tải - Ảnh chụp sáng 19/3 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM)

Chị Xuyến - mẹ bé X.M. - kể: “Nó bị suyễn nhũ nhi lúc mới 7 tháng, tôi đưa đi trị thuốc tây rồi cho uống cây cỏ, uống nước than đốt từ thằn lằn, tắc kè. Từ lúc 5 tuổi đến giờ, cháu giảm bệnh hẳn và gần một năm nay thì không lên cơn nữa. Tôi mừng quá, tưởng con đã hết bệnh. 

Hôm Chủ nhật, ngày 17/3, nó đòi đi bơi. Thấy trời nóng quá, lại là dịp cho con tập bơi nên tôi đồng ý. Bé bơi chừng 45 phút, tôi kêu lên mà không chịu lên, ngâm thêm cả tiếng nữa. Hôm qua bé hắt hơi, sổ mũi, tưởng cảm thông thường, nhưng khuya nay thì hơi thở nặng trịch. Biết con lên cơn suyễn, tôi xịt thuốc cắt cơn rồi hừng sáng đưa vô đây khám luôn”.

Trong phòng kế bên là những tiếng khóc đinh tai của những trẻ bị suyễn, viêm phế quản được phun khí dung. Nghe tiếng một bé gái la, một phụ nữ bên ngoài phòng quay sang nói với người đứng kế bên: “Tiếng con em đó. Cứ mỗi lần phun khí dung là vật vã với nó, nó la muốn bể làng nên em không dám vô, để ba nó ôm”.  Rồi chị thở dài “Tưởng đâu mùa lạnh, tụi nhỏ mới lên cơn suyễn, nào ngờ mùa nóng mà cũng bị. Đi bơi có một bữa mà giờ phải vô bệnh viện”.

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, vào mùa nóng các năm, khoa này thường tiếp nhận bệnh nhi lên cơn suyễn do bị kích ứng hóa chất hồ bơi hoặc do tắm lâu, bị nhiễm lạnh. 

Sốt cao vì lạm dụng giải nhiệt

Mùa nóng, nhiều trẻ bị bệnh do lạm dụng các phương tiện giải nhiệt, giải nhiệt sai cách. Theo bác sĩ Đặng Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - phần lớn trẻ đến đây khám là do sốt siêu vi, trong đó, có những trẻ nhiễm bệnh do được giải nhiệt quá đà.

Tre theo nhau vao benh vien do giai nhiet sai cach
Phụ huynh đưa con nhập viện dưới trời nắng nóng. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Như bé Đỗ Minh N. - 5 tuổi, ở H.Nhà Bè, TP.HCM - cứ đi học về là mở tủ lạnh lấy chai nước tu ừng ực; khi chạy chơi mệt thì cởi trần ngồi trước quạt, hoặc vô ngồi ngay miệng máy lạnh “cho đã”; trước khi đi ngủ, cậu được mẹ xối vài ca nước cho mát. Sáng 18/3, người bé N. nóng hầm hập đến 39,3 độ C.

 Để giải nhiệt ngừa bệnh mùa nóng, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - khuyên: “Mùa nóng, không cần tắm nhiều lần. Nếu đêm nóng nực gây khó ngủ, chỉ cần lau mình cho trẻ. Khi đến hồ bơi hoặc biển, cho trẻ tắm không quá 30 phút, lau khô, nghỉ 10-15 phút rồi tắm lại.

Khi trẻ tắm hồ bơi, nên chọn hồ sạch, cho bé tiếp xúc dần với nước hồ. Nên mặc áo liền quần như người nhái, tắm xong lau khô, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý, tắm lại bằng nước sạch ngay. Nên trang bị kiếng và nút tai khi bơi, không ngoáy tai sau khi tắm”.

Bác sĩ Khanh cũng lưu ý, tháng Tư là cao điểm của mùa nóng, trẻ dễ bị nhiễm siêu vi, trong đó có siêu vi gây viêm não, nên phụ huynh cần chăm sóc trẻ cẩn thận, cho trẻ giải nhiệt vừa phải và đúng cách. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI