Trẻ loãng xương dễ bị chấn thương

30/07/2018 - 06:53

PNO - Đa số trẻ chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu can-xi cơ thể. Thiếu hụt can-xi dẫn tới các ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp, kéo theo nguy cơ gãy xương ở trẻ gia tăng.

Bác sĩ Lê Hữu Phúc - Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - kể: cách đây khoảng một tuần, bé trai tên P.A.T., 11 tuổi, ngụ tại Q.Bình Tân, vấp té, đưa vào bệnh viện cấp cứu. Kết quả chụp x-quang xác định bệnh nhi bị gãy ở vị trí 1/3 xương đùi trái. Theo gia đình miêu tả thì bé bị va chạm nhẹ, vậy mà dẫn tới gãy xương.

“Tôi kiểm tra lại thì thấy trên phim chụp, mật độ xương của bệnh nhi kém hơn bình thường, biểu hiện điển hình của loãng xương”, bác sĩ Phúc nói. Điều trị cho những trẻ gãy xương do loãng xương phức tạp hơn. Bé T. được mổ và đóng đinh xương đùi trái nhưng mãi tới sáu tháng xương mới hồi phục, thay vì 1,5 tháng như bình thường. 

Ngoài ra, tháng nào bác sĩ Phúc cũng gặp từ 5-7 trường hợp trẻ lớn rất mau trong giai đoạn dậy thì, trọng lượng cơ thể tăng nhanh nhưng bộ xương yếu, không theo kịp để chống đỡ khối lượng cơ thể dẫn tới các chấn thương ngoài ý muốn. Gần đây nhất là bé trai tên N.Đ.A., 14 tuổi. Bé A. học lớp Tám nhưng nặng tới 70kg, cao 1m70. Bé đi khám vì sau khi chạy bộ tập thể dục cảm thấy đầu gối bên phải đau dữ dội, không đi được. Bác sĩ xác định A. bị bong nơi bám của gân bánh chè vùng đầu gối. 

Tre loang xuong de bi chan thuong
Trong giai đoạn dậy thì, thiếu hụt can-xi, trẻ rất dễ bị gãy xương

Tại Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 2, anh L.Đ.T. đang ngồi chờ cho con gái 14 tuổi tái khám, bày tỏ: “Con bé nhà tôi to béo hơn bình thường. Cháu tập thể thao để giảm cân nhưng mỗi lần đi tập về cháu kêu đau nhức chân. Đưa đi khám, bác sĩ nói con tôi bị loãng xương nên không thể tập các môn vận động mạnh, nếu cứ ép cháu rất dễ bị gãy xương”. Để cải thiện tình trạng, cháu được yêu cầu đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để điều chỉnh lại chế độ ăn cũng như dùng thêm can-xi theo chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - ở lứa tuổi thiếu niên, trẻ cần tới 1.000mg can-xi/ngày. Tuy nhiên, đa số trẻ chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu này. Thiếu hụt can-xi dẫn tới các ảnh hưởng lên hệ cơ xương khớp, kéo theo nguy cơ gãy xương ở trẻ gia tăng. Tỷ lệ gãy xương cao nhất ở bé trai do thiếu can-xi vào độ tuổi 14 và ở bé gái vào độ tuổi 11. Qua đó, đối với những trẻ em không thể hấp thu đủ lượng can-xi cần thiết qua các thức ăn thông thường giàu can-xi như trứng, tôm, cua, cá, sữa… cần xem xét dùng thêm can-xi theo chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ Phúc cho biết, để phát hiện bé bị thiếu can-xi, loãng xương cũng như các vấn đề về hệ xương, phụ huynh nên cho con đi khám tầm soát nếu thấy trẻ có vẻ không cứng cáp, khi vận động hoặc tham gia thể dục thể thao bé yếu hơn các bạn. Lúc tầm soát, nếu phát hiện loãng xương, bệnh nhi còn được yêu cầu khám phối hợp thêm chuyên khoa nội tiết và dinh dưỡng để loại trừ nguyên nhân do các bệnh chuyển hóa, từ đó có hướng điều trị thích hợp. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI