Trẻ em nam bị xâm hại: hậu quả có thể cao hơn nữ

21/12/2018 - 11:10

PNO - “So với con gái, thiếu niên nam khi bị xâm hại tình dục thường đánh mất niềm tin vào bản thân, tự cho là mình hèn nhát và điều hết sức lo ngại là tư tưởng nuôi chí trả thù...”.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải - chuyên viên giáo dục giới tính và giáo dục tình dục tại TP.HCM - đã đánh giá như vậy khi trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM về hậu quả có thể xảy ra ở các nam sinh khi bị xâm hại qua vụ việc xảy ra tại tỉnh Phú Thọ vừa qua.

Tre em nam bi xam hai: hau qua co the cao hon nu
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải

Phóng viên: Thưa bác sĩ, ở lứa tuổi học sinh, nếu bị xâm hại, các em sẽ gặp phải những sang chấn tâm lý như thế nào?

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải: Thông thường các nạn nhân sẽ cảm thấy rất cô độc, xấu hổ, sợ hãi và nhất là các em sẽ không còn dám tin vào ai. Chưa kể thái độ hoang mang tột độ khi không biết ai sẽ đứng về phía mình khi mình nói ra 
sự thật? 

Vấn đề khác biệt ở đây là một cậu bé bị xâm hại tình dục sẽ gặp rắc rối tâm lý bằng hoặc nhiều hơn một bé gái cùng hoàn cảnh. Vì ngoài những hậu quả thể xác, tâm lý mà các em gặp phải, thiếu niên nam còn đánh mất niềm tin vào bản thân.

Tâm lý này đến từ việc không dám “mách” vì sợ người lớn không tin; sự hổ thẹn, nhục nhã, trầm uất tự cho là mình hèn, không thể tự vệ được. Và điều hết sức lo ngại là tư tưởng nuôi chí trả thù. Bên cạnh đó, các em cũng bị giảm sút lòng tự trọng và nghi ngờ mình thiếu nam tính.

* Còn hậu quả về lâu dài, thưa bác sĩ?

- Về lâu dài, các vấn đề như tôi đã nêu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhân cách đang trưởng thành của các em. Có em bị di chứng tự ghê sợ bản thân, để rồi khi lớn lên, phải tìm nhiều cách tiêu cực khác để khỏa lấp vết thương tinh thần. Có em tiếp tục trở thành “con mồi” cho tình dục đồng giới. Nhiều nạn nhân xa lánh mọi người, bỏ bê học hành, kéo theo những ảnh hưởng nặng nề hơn trong tương lai.

Tre em nam bi xam hai: hau qua co the cao hon nu

Các em học sinh đang kể lại câu chuyện ở Phú Thọ

* Bác sĩ có lời khuyên nào dành cho gia đình và nhà trường trong việc phòng ngừa, bảo vệ cũng như giúp các trẻ nạn nhân vượt qua?

- Tôi vẫn cho rằng cần chính thức đưa giáo dục giới tính vào chương trình dạy học. Việc này giúp các em hiểu hành vi nào là không được phép với thân thể của mình; giúp các em có kỹ năng phòng tránh, tự vệ để biết cách bảo vệ mình trước những hành vi sai trái của người xung quanh. Chúng ta cũng phải xem việc trẻ có quyền phát biểu ý kiến cá nhân mà không bị coi là “hỗn hào”, “láo”, “mất dạy”… cũng là một cách để lên tiếng cảnh cáo hay tố giác hành vi xấu của người lớn. 

Xin cha mẹ và thầy cô đừng xem nhẹ tâm trạng và những câu chuyện “không đầu, không đuôi” của học sinh, vì đó có thể là dấu hiệu của điều gì đó nghiêm trọng đã xảy ra. Vì thế, hãy quan tâm ngay đến một học sinh thiếu tập trung, xao nhãng, lo âu, học hành sa sút, hay giật mình, hay để ý đến chuyện giới tính, làm “chuyện ấy” với bạn khác nhằm thăm dò phản ứng của bạn ấy với tình huống tương tự của mình thế nào… Tất cả có thể là dấu hiệu đầu mối cho biết một ca xâm hại tình dục.

* Đã có thống kê nào về lạm dụng tình dục trẻ em ở trường học chưa, thưa bác sĩ?

- Theo tôi được biết, hiện vẫn chưa có thống kê nào rõ ràng về lạm dụng tình dục, kể cả quấy rối tình dục học đường tại Việt Nam. Điều này cũng cho thấy “mối quan tâm” của chúng ta như thế nào. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI