Trẻ dễ đứt lưỡi, rách miệng do ngậm đồ sắc nhọn

14/07/2017 - 17:00

PNO - Từ đầu tháng Sáu đến nay, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM phải cấp cứu từ năm-sáu ca bị chấn thương lưỡi, khẩu cái do ngậm đồ vật sắc nhọn.

Đây là thời gian trẻ nghỉ hè, nếu cha mẹ không để mắt tới trẻ, có thể dẫn tới những tai nạn sinh hoạt đáng tiếc.

Ống sáo trúc xóc vào miệng

Mới nhất là hai trường hợp phải vào BV Nhi Đồng 1 cấp cứu giữa đêm trong tình trạng máu chảy đầy miệng. Trường hợp thứ nhất là bé trai 31 tháng tuổi Đ.T.L., ngụ tỉnh Bình Dương.

Tre de dut luoi, rach mieng do ngam do sac nhon
 

Khoảng 12 giờ đêm, bác sĩ Nguyễn Minh Hằng - Phó khoa Răng Hàm Mặt đang trực thì mẹ của bé L. bế bé L. chạy vào. Bé đang ở trạng thái hoảng loạn, gào thét dữ dội, máu miệng cứ trào ra. Bà mẹ kể: “Bé cầm ống sáo trúc cho vào miệng, bắt chước người lớn thổi.

Vừa đi vừa chạy nên bé ngã sấp, ống sáo chọc thẳng vào trong miệng. Nghe con khóc thét lên, máu miệng chảy ra không ngừng, em bủn rủn tay chân, lập tức ẵm con ra taxi từ Bình Dương chạy thẳng lên đây”.

Các BS kiểm tra thấy vùng nắp họng bên trên của bệnh nhi (BN) bị ống sáo chọc vào gây rách rất sâu. Phải khó khăn ê-kíp cấp cứu mới có thể ghì giữ BN, khâu cầm máu vết thương.

Tre de dut luoi, rach mieng do ngam do sac nhon
Trẻ bị tai nạn sinh hoạt gia tăng trong kỳ nghỉ hè do ngậm đồ sắc nhọn

Đứt lưỡi vì… ngậm đồ chơi

Một ngày sau trường hợp của bé L., khoa tiếp tục cấp cứu cho bé gái N.Đ.N., sinh năm 2016, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Bé N. bị đứt ngang lưỡi do ngậm đồ chơi có cạnh sắc nhọn.

Thấy bé đang ngồi chơi bất chợt khóc thét lên, máu cứ trào ra từ miệng, gia đình lập tức đưa vào BV. Trên đường đi cấp cứu, máu vẫn chảy ra rất nhiều, nhưng phụ huynh không biết làm cách nào cầm máu cho bé.

Tre de dut luoi, rach mieng do ngam do sac nhon
 

“Chúng tôi đã phải tiêm thuốc tê tại chỗ rồi khâu lại đường rách ở lưỡi cho bé. Tuy nhiên, vết thương ở lưỡi rất khó giữ gìn. Khâu xong lưỡi vẫn còn tác dụng của thuốc tê, bé rất dễ cắn phải lưỡi mà không biết, khiến vết thương càng nặng thêm”, BS Hằng nói.

Giập nát khẩu cái vì ngậm đũa

Cách đây hai ngày, bé N.M.T.V., 12 tháng tuổi, ở Tây Ninh, cũng được chuyển lên BV Nhi Đồng 1 lúc nửa đêm. Trong bữa cơm chiều, V. cầm đũa chơi bị xóc vào miệng chảy máu. Bé đau đớn kêu khóc, không ăn uống được nữa.

Đến 21g30, thấy máu vẫn chảy ra từ miệng con, mẹ bé quyết định đưa con lên TP.HCM cấp cứu. Kiểm tra thấy khẩu cái bị giập nát, BS Hằng đã xử trí bằng cách tiêm thuốc tê, cố gắng tránh các mạch máu rồi cắt lọc, bóc tách phần giập nát; rồi khâu vết thương lại để cầm máu cho BN. 

Tre de dut luoi, rach mieng do ngam do sac nhon
 

Từ những trường hợp trên, BS Hằng nhận định, từ khi vào hè đến nay, các ca tai nạn sinh hoạt gây chấn thương hàm mặt đang có chiều hướng gia tăng đột biến. Chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, khoa Răng Hàm Mặt đã cấp cứu khoảng 200 ca bị rách khẩu cái, đứt lưỡi, gãy lún răng do ngậm đồ vật sắc nhọn.

Đa số BN đều ở độ tuổi chập chững biết đi. Vết thương trong vùng miệng thường rất phức tạp, dễ bị nhiễm trùng; chưa kể khi bị chấn thương lưỡi, miệng, khẩu cái trẻ sẽ đau đớn, không ăn uống được, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và tổng trạng.

Thanh Huyền

BS Trần Đắc Nguyên Anh - khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM: Từ khi vào hè đến nay, khoa Cấp cứu liên tục nhận được các trường hợp trẻ bị tai nạn sinh hoạt.

Những tai nạn xảy ra nhiều nhất là ngạt nước (gần như tuần nào cũng có), té ngã chấn thương sọ não, có trẻ nhỏ phải phân công người trông trẻ, để mắt cẩn thận khi trẻ nghỉ hè ở nhà, tránh xảy ra hậu quả đau lòng.

Trâm Anh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI