Tiền mất tật mang vì mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

23/09/2017 - 05:30

PNO - Phòng khám Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM không ngày nào là không có những phụ nữ mang khuôn mặt sưng đỏ hoặc đầy mụn đến khám.

Có chị bay từ Phú Quốc vào để điều trị tình trạng hai bên má nổi chỉ máu đỏ tươi vì kem trắng da. Thống kê của phòng khám cho thấy, hàng tháng có trên 100 bệnh nhân (BN) bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm. Con số đến phòng khám chăm sóc da của BV cũng khoảng 10-14 BN/buổi.

“Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, cộng với thói quen sử dụng mỹ phẩm của chị em còn quá “dễ dãi”, nên tỷ lệ tai biến do mỹ phẩm ngày càng cao; nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, điều trị rất tốn kém, cả thời gian lẫn tiền bạc” - bác sĩ (BS) Trần Thiên Tài, phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng, cảnh báo. 

Tien mat tat mang vi my pham khong ro nguon goc
Một “thương hiệu” kem được quảng cáo trộn 4 loại mỹ phẩm

Đẹp một ngày, chạy chữa một năm

Chị Phan Mỹ H. (24 tuổi, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) gương mặt đầy chỉ máu, làn da mỏng như giấy, lấy tay gỡ từng mảng da đang bong tróc. Nhận ra mọi người dồn ánh nhìn về mình, chị kéo khẩu trang che mặt, nhưng cơn ngứa cồn cào vẫn buộc chị phải tiếp tục cào cào bên ngoài lớp khẩu trang.

Chị H. kể: “Da mặt em một hôm nổi vài mẩn đỏ. Thấy trang mạng Đ. giới thiệu một loại kem mix từ các dòng mỹ phẩm uy tín của Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, đảm bảo bôi vào là hết nổi mẩn, hết ngứa, còn có tác dụng dưỡng da trắng mịn, nên em đặt mua với giá 900.000 đồng/hộp.

Thời gian đầu mặt hết mụn. Đến hộp thứ 3, da ngày càng mỏng, những sợi chỉ máu ửng lên rất rõ; những hôm ra nắng (có đeo khẩu trang) hay tắm biển là mặt xám xịt, sần sùi hẳn lên. Phản ánh với nơi bán, họ bảo cứ bôi tiếp. Em tin lời, cố bôi tiếp thì mặt bị ngứa, có cảm giác như bị châm chích khắp mặt, mụn và chỉ máu nổi đầy.

Em đến phòng khám ở Phú Quốc, BS cho thuốc uống và thuốc thoa suốt 3 tháng không khỏi. Sợ quá nên em phải vào đây khám”. Sau một số xét nghiệm, các BS xác định chị H. bị tổn thương da (teo da, da mỏng, nổi chỉ máu) do dùng kem trộn trắng da mặt, kem trộn trị mụn có corticoid; cho dùng thuốc chống dị ứng, kháng sinh, kháng viêm và kem dưỡng để ổn định lại tình trạng da.

Tien mat tat mang vi my pham khong ro nguon goc
Xài kem trộn không rõ nguồn gốc, chị P. tan vỡ giấc mơ trẻ đẹp hơn khi mặt sưng tấy, nổi đầy mụn

Theo BS, tình trạng của chị H. phải điều trị một thời gian dài da mới phục hồi lại được. Em Lê Yến C., một nữ sinh trung học, than thở trên diễn đàn web trẻ thơ: “Em vốn có làn da trắng mịn nhưng năm ngoái, khi còn đang học lớp 11, da bỗng dưng bị nổi mụn, sần hết cả mặt. Bác em có đưa em một lọ kem trộn màu vàng không nhãn hiệu, dặn bôi thử mỗi tối.

Ngày nào em cũng bôi, một tháng sau là da mặt láng bóng, không còn chút mụn nên thích lắm, lấy thêm 2 lọ nữa về bôi. Đến một lần, em bị dị ứng do ăn hải sản nên ngừng kem. Vài hôm sau, da bắt đầu sạm lại, nổi mụn và nổi loằng ngoằng các mạch máu trông rất ghê. Mẹ em đưa đi khám BS da liễu, BS nói da bị tổn thương nặng quá, phải điều trị cả năm, nhưng chưa chắc đã phục hồi được như cũ…”.  

Những mẫu quảng cáo “kem trắng siêu tốc” với hình minh họa của các “nhân chứng” đã dùng và lột xác thành mỹ nhân khiến nhiều chị hăng hái móc hầu bao. Cụ thể, chị Nguyễn Mai P. (45 tuổi, chủ một cửa hàng trái cây ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), thấy da mặt nhăn, nám nên lên mạng tìm mỹ phẩm và bị hấp dẫn bởi kem trắng da hiệu T.L bao bì rất đẹp, được giới thiệu là “tinh chế” từ 4 loại kem cốt quen thuộc của Thái Lan, có công dụng dưỡng trắng siêu tốc, xóa bỏ vết thâm nám, chống lão hóa, trị mụn, chống nắng… nên đã chi gần 1 triệu đồng mua một hũ (dùng trong 1 tháng).

Tien mat tat mang vi my pham khong ro nguon goc
Chị Mỹ H. với gương mặt đầy “thảm chỉ máu” sau khi xài kem trộn

Chị kể: “Những ngày đầu, kem hiệu quả đúng như lời quảng cáo; da mịn màng và trắng hẳn lên. Thế nhưng 3 tuần sau, mặt tôi bị ửng đỏ, ngứa, da cứ mỏng dần. Tôi đem hũ kem đến phòng khám dị ứng - miễn dịch lâm sàng thì được BS yêu cầu ngưng sử dụng ngay vì có chứa corticoid, bôi nhiều sẽ bị teo da và gây nhiều tai biến cho da. Hiện tôi đang uống thuốc kháng viêm, chống dị ứng theo toa của BS và phải tránh nắng, không trang điểm và không sử dụng mỹ phẩm. Mỗi lần nhìn mặt tôi là chồng lại mắng “ham hố” để giờ vừa xấu xí vừa tốn kém”.

Đừng dễ dãi khi chọn dùng mỹ phẩm

Nếu trước đây kem trộn 3 không (không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn sử dụng) chỉ bán được ở các chợ nhỏ, những tiệm làm tóc miệt vườn thì nay đã công khai tràn ngập từ chợ đến các hiệu làm tóc, spa, mạng xã hội…

Nhiều “nhà sản xuất” còn công khai “công thức” để tạo lòng tin cho khách hàng, với quảng cáo hấp dẫn: “kem cốt của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật”;  hoặc “tinh chế, pha trộn từ những loại kem có thương hiệu của Việt Nam và nước ngoài như Thorakao, Thanh Hiền, Muôn Thuở, Cô Gái Tóc Xù,  Nivea, AC (Thái)…

Thậm chí, nhiều trang bán hàng online còn hướng dẫn công thức làm kem trộn cho mặt, body để rao bán nguyên liệu. Nhiều chị em thấy tên những nhãn hiệu mỹ phẩm quen thuộc nên tin tưởng mua về dùng và rước lấy hậu quả nặng nề. 

Ngoài kem trộn, hiện chị em còn chuộng “mỹ phẩm rượu” (rượu ngâm rễ cây, thảo dược, thuốc…) dù chỉ có… trời mới biết rượu được ngâm với thuốc gì, được rao bán ì xèo trên mạng, có công dụng làm da trắng hồng, mịn màng, bảo đảm không độc hại, không có tác dụng phụ như kem trộn. Kết cuộc, những chị em nhẹ dạ vẫn phải đến BV điều trị!

Theo BS Trần Thiên Tài, trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, chị em phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc và ưu tiên chọn loại của những thương hiệu uy tín, chất lượng. Ngoài ra, mỹ phẩm phải có đủ nhãn mác, hạn sử dụng, thành phần được ghi rõ ràng để người dùng hiểu rõ.

Tuyệt đối không được tự ý dùng các loại mỹ phẩm không đáp ứng được những yêu cầu trên; không được dùng mỹ phẩm theo kiểu truyền miệng, chưa qua kiểm định như các sản phẩm gia truyền, tự bào chế… Trước khi sử dụng mỹ phẩm, phải thử trước các phản ứng kích ứng, dị ứng bằng cách thoa một lượng nhỏ trên vùng da bên trong cẳng tay, chờ khoảng vài giờ xem có biểu hiện gì không mới quyết định có nên dùng hay không.

 BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ - Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược TP.HCM: Sử dụng các loại “mỹ phẩm rượu” sẽ thấy da đẹp ngay vì cồn trong rượu giúp bong tróc lớp da lão hóa bên ngoài. Chất cồn này còn gọi là cồn khô, có tính năng chống khuẩn, làm se khít lỗ chân lông giúp da khô dầu trên bề mặt.

Nhờ vậy, những người có làn da dầu khi sử dụng sẽ có cảm giác mặt khô thoáng, bớt bóng dầu, giảm mụn nhanh. Tuy nhiên, nếu nồng độ cồn cao sẽ làm mất dầu và protein trên da mặt, gây khô da, lão hóa sớm, kích ứng, da giảm khả năng tự bảo vệ, dễ bị tổn thương và mụn phát triển nhiều hơn. Nếu là cồn công nghiệp thì càng chứa nhiều chất độc hại, nguy cơ dị ứng, kích ứng càng cao. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI