Tiêm filler dễ dãi, tai biến ngày càng tăng

10/08/2019 - 07:00

PNO - Trước tình hình việc mua và tiêm filler khá dễ dàng như hiện nay, không khó để giải thích vì sao số ca tai biến do tiêm filler ngày càng tăng đáng kể.

Theo chia sẻ của thạc sĩ - bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú - Phó khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - trong những năm gần đây, khoa đã tiếp nhận và xử trí rất nhiều trường hợp tai biến do tiêm filler, đặc biệt có nhiều ca nặng phải nhập viện điều trị.

Họa từ "thẩm mỹ vỉa hè"

Sau bảy ngày điều trị biến chứng do tiêm filler, chị N.T.H.H. (ở tỉnh Bình Phước) được bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng - Phó khoa Lâm sàng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho xuất viện. Chị H. nhập viện vì chảy máu trong kết mạc, mi mắt tím và vết loét giữa trán do tai biến tắc mạch khi tiêm filler dạo.

Chị H. kể, cách đây hơn một tuần, chị từ Bình Phước ra Huế dự đám cưới. Sau một hồi “tám chuyện” về làm đẹp, người quen rủ chị đi spa tiêm filler nâng mũi.

Tiem filler de dai, tai bien ngay cang tang
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ca biến chứng nặng nề sau thẩm mỹ không an toàn

 “Một ngày sau khi tiêm filler, tôi thấy bình thường. Đến ngày thứ hai, vùng trán đau và bắt đầu đỏ bầm. Ngày thứ ba, tôi vội vào Sài Gòn tìm một cơ sở thẩm mỹ để cầu cứu. Tiệm thẩm mỹ này đã tiêm vào mũi tôi một loại thuốc giúp giải độc làm filler tan nhanh hơn. Nhưng sau đó do không an tâm, tôi chạy vào Bệnh viện Da liễu TP.HCM”. Theo phân tích của bác sĩ Hoàng, tiêm filler mũi là một kỹ thuật khó, nếu thực hiện không đúng có thể gây tắc mạch máu, dẫn đến mù mắt hoặc đột quỵ.

Sau một tuần điều trị, mặt chị H. đỡ tím, bớt sưng nề nhưng dự kiến vết loét ngay giữa hai chân mày có nguy cơ để lại sẹo, phải tiếp tục cải thiện vấn đề thẩm mỹ.

Một trường hợp khác được bác sĩ Hoàng chia sẻ thêm. Cách đây vài ngày, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.L. bị biến chứng sau khi tiêm filler. Đến khi truy tìm nguồn gốc filler mà người tiêm chích dạo đưa vào người chị L. thì nơi cung cấp filler đã… trốn mất.

Nghiện tiêm filler bất chấp hậu quả

Theo bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, filler hay còn gọi là chất làm đầy, có vai trò điều trị các vùng thiếu hụt thể tích như rãnh mũi má, hõm mắt hoặc tạo hình đường nét khuôn mặt như nâng mũi, tạo cằm thon… Việc điều trị filler đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ đã được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng mặt, đặc biệt là hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới. Và nơi thực hiện phải là cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật tiêm chất làm đầy, sử dụng sản phẩm chất làm đầy rõ thành phần, nguồn gốc. 

Ngay cả những người từng học tiêm filler nhưng không bài bản cũng xảy ra tai biến. Đơn cử như trường hợp của chị K. (25 tuổi). Sau khi học tiêm filler ba tháng ở một spa tại Việt Nam, chị K. sang Malaysia hành nghề. Chị K. nghiện tiêm filler, khi không có bệnh nhân liền “đè” chân của mình ra tiêm cho... đẹp đều.

Chị kể, do chân bên phải nhỏ hơn chân trái nên chị tiêm cả 100ml filler vào cho hai chân cân xứng và tiêm nhiều lần. Loại filler chị tiêm vào chân thường dùng cho vùng ngực và mông. Chị K. còn trộn rất nhiều loại filler lại với nhau để tiêm vào chân. 

Sau khi Bệnh viện Da liễu TP.HCM kiểm tra, các bác sĩ phát hiện chân chị K. có khối dịch bên trong, áp xe mủ xung quanh. Đánh giá đây là trường hợp tai biến do tiêm filler nặng, tình trạng viêm của bệnh nhân là do dị vật, bên cạnh việc điều trị kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, các bác sĩ phải phẫu thuật nhiều lần để lấy các chất filler ra. 

Nhuận Đức 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI