Thai chết lưu ngay trước khi sinh, vì sao?

29/09/2018 - 06:00

PNO - Gần đây, nhiều trường hợp thai phụ đến bệnh viện chờ sinh và đang trong tâm trạng vui mừng sắp được làm mẹ, đột nhiên nghe thông báo thai chết lưu.

PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM – cho biết, không tính đến những nguyên nhân do bệnh lý về gene, nhiễm sắc thể, lây nhiễm bệnh lý từ mẹ… vẫn có nhiều nguyên nhân khiến thai chết lưu.

Dù thai phụ có khám định kỳ, dưỡng thai tốt, hoặc các chẩn đoán, xét nghiệm trước ngày dự sinh của bác sĩ kết luận thai khỏe, ổn định, thậm chí lúc vào chờ sinh với các “chỉ số đẹp”, thai vẫn có thể chết lưu trong tích tắc vì các tai nạn về dây rốn.

Thai chet luu ngay truoc khi sinh, vi sao?
"Vượt cạn" không chỉ là nỗi lo của sản phụ

Tắc dây rốn – tai nạn diễn ra trong tích tắc

Thai nhi càng quẫy đạp để “gỡ ra”, dây rốn càng quấn chặt và trở thành thai lưu trong tích tắc.

Dây rốn là cơ quan duy nhất kết nối giữa mẹ và thai để đảm bảo tuần hoàn máu liên tục. Ở bất kỳ tuổi thai nào, khi em bé trong bụng chồi, đạp, cử động mạnh cũng có thể làm dây rốn thắt nút, tự xoắn, quấn quanh siết thai nhi gây tắc dây rốn, lúc này tai nạn đã xảy ra.

PGS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang chia sẻ: “Ngay cả nhập viện chờ sinh, thai nhi hoàn toàn bình thường nhưng đột ngột chết vì thắt dây rốn. Đặc biệt những trường hợp mang song thai càng nhiều nguy cơ hơn. Nếu hai bé chung một túi ối, lúc quẫy đạp khiến dây rốn xoắn vào nhau, máu không tuần hoàn được, cả hai bé sẽ chết ngay. Đây cũng là tình huống gây tranh cãi, hiểu lầm từ gia đình đối với bệnh viện nhiều nhất vì thai nhi hoàn khỏe mạnh khi nhập viện". 

Vì vậy, nếu đột nhiên thai phụ cảm nhận em bé trong bụng quẫy đạp, gò, cử động nhiều hơn bình thường, sau đó thai nhi “im lặng” không động tĩnh, có thể thai đang gặp tai nạn về dây rốn gây ngạt thở.

Thai chet luu ngay truoc khi sinh, vi sao?
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang minh họa sự cố về dây rốn

Luôn có rủi ro trong sinh nở

Tai nạn về dây rốn rất khó để bác sĩ biết trước, ngay cả siêu âm. May mắn lắm, bác sĩ mới phát hiện dây rốn xoắn, thắt nút vì những đoạn xoắn, thắt nút rất nhỏ, chỉ tầm 2-3 cm. Mặt khác, dây rốn dài, thai hoặc nước ối có thể che đi nút thắt, chưa kể đến siêu âm xong dây rốn mới “kiếm chuyện”.

Nói một cách nôm na, dây rốn như một chiếc ống thở của người thợ lặn là thai nhi, nếu gặp sự số, người thợ lặn sẽ mãi nằm lại dưới biển, rất khó để người phía trên biết và cấp cứu.

Theo bác sĩ Khánh Trang, các nước như Mỹ, Canada được biết đến là quốc gia có dịch vụ sinh nở tốt và an toàn nhất, nhưng khi đã nói đến rủi ro thì nơi đâu cũng có. Điển hình, tỷ lệ thai chết lưu đột ngột ở các quốc gia này vẫn chiếm 200-400/1 triệu ca. 

"Để giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân, bác sĩ luôn cần sự hợp tác không chỉ với thai phụ mà cả người nhà để giải cứu cho em bé kịp thời" - bác sĩ Trang cảnh tỉnh.

Những tình huống nguy hiểm thai nhi đối diện trong 9 tháng

3 tháng đầu: thai nhi có thể bị sảy bất kỳ lúc nào, 95% thường do các nguyên nhân bất thường về gene, nhiễm sắc thể.

3 tháng tiếp theo: Giai đoạn ổn định nhất của thai. Thai ổn định đến mức nếu người mẹ gặp các vấn đề về sức khỏe sẽ được điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Thậm chí, người mẹ bị u nang buồng trứng vẫn có thể phẫu thuật xử lý bệnh.

3 tháng cuối thai kỳ: Cứ nghĩ đây là giai đoạn thai khỏe nhất, nhưng thai vẫn có thể bị chết lưu bất kỳ lúc nào. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu như lây nhiễm bất kỳ bệnh của mẹ, dị dạng mạch máu não, bệnh lý bánh nhau, tai nạn về dây rốn,...

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI