Thà… chết chứ không ăn kiêng

16/12/2018 - 06:27

PNO - “Bệnh từ miệng vào” là câu nói chẳng hề sai. Rất nhiều người biết mình bị bệnh phải kiêng khem nhưng lại không thể kiểm soát cơn thèm ăn dẫn tới nhiều hệ lụy.

Biết rằng có hại, thậm chí hiểu hết các nguy cơ biến chứng nhưng họ lại thà… chết chứ không ăn kiêng.

Ứa nước mắt nhìn mẹ nuốt chửng miếng bánh 

Chị P.T.X., (ngụ Q.2, TP.HCM) ứa nước mắt khi chứng kiến sự thèm đồ ngọt của mẹ mình. Mẹ chị X. 63 tuổi, phát hiện mắc bệnh đái tháo đường ba năm nay. Theo chỉ định của bác sĩ, mẹ chị phải hạn chế ăn đồ ngọt, tinh bột và uống thuốc mỗi ngày để kiểm soát đường huyết.

Dù ý thức được các nguy cơ xảy ra với bản thân nếu không nghiêm túc kiểm soát chế độ dinh dưỡng; thậm chí được con cái và bác sĩ hết mực khuyên can, dẫn ra các trường hợp bị thuyên tắc mạch máu dẫn tới phải cắt cụt chân, lòa mắt vì biến chứng tiểu đường, nhưng mẹ chị vẫn bỏ ngoài tai. Nhiều lần, chị cố giải thích để mẹ hiểu không phải con cái muốn cấm đoán bà ăn uống, chỉ mong bà hạn chế đồ ngọt kẻo phải cưa chân, lòa mắt. Sợ con cái ngăn cản, càu nhàu, mẹ chị thường lén lút ăn vụng lúc mọi người không để ý. 

Tha… chet chu khong an kieng
Đừng để mất chân vì… ăn uống vô tội vạ

Tuần trước, tình cờ xuống bếp, chị thấy mẹ cầm trên tay chai trà sữa. Thoáng thấy bóng người, bà vội vàng ngửa cổ dốc cạn. Hôm sinh nhật cháu gái, biết mẹ thèm đồ ngọt, chị X. dặn bà chỉ nên ăn một miếng bánh kem nhỏ. Chị vừa nói dứt câu, bà đã đút hết miếng bánh kem to vào miệng, nhồm nhoàm nuốt trộng.

Nhìn cảnh mẹ thèm ăn tới mức mất kiểm soát, chị X. xót xa. Sau lần ấy, chị X. thay đổi chiến thuật, không quá gay gắt ngăn cản mẹ ăn ngọt nữa. Chị dùng tình cảm động viên mẹ, đồng thời với những món ngọt khoái khẩu của mẹ, chị chủ động lấy một phần nhỏ mời mẹ thay vì để bà lén lút ăn. Ngoài ra, chị còn hạn chế mua đồ ngọt về nhà, bỏ nhỏ các thành viên trong gia đình thèm đồ ngọt thì ăn ở ngoài, tránh để bà thấy. 

Rất nhiều trường hợp mắc bệnh đái tháo đường nhưng không kiểm soát được cơn thèm đồ ngọt như mẹ chị X. Với những trường hợp đó, bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể dựa vào sự tự giác của chính người bệnh. Sự quan tâm, động viên của các thành viên trong gia đình đối với bệnh nhân vô cùng quan trọng - phải thật khéo léo, lạt mềm buộc chặt. Những bệnh nhân này rất nhạy cảm, dễ tổn thương, nếu ngăn cấm một cách cực đoan chẳng những phản tác dụng mà còn dẫn đến sứt mẻ tình cảm.

Tha… chet chu khong an kieng
 

Vì miếng ăn mà thành cuộc chiến

Không chỉ bệnh nhân đái tháo đường khổ sở với cơn thèm đồ ngọt. Đối với các đối tượng mắc bệnh máu nhiễm mỡ, xơ vữa mạch máu, huyết áp, tim mạch, việc phải kiêng đồ béo và thức ăn mặn còn hơn cả một cuộc chiến.

Anh N.Đ.T. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) rất khổ tâm vì chuyện ăn uống của bố mình. Bố anh T. năm nay đã 80 tuổi, có tiền sử huyết áp, tim mạch nên phải hạn chế ăn mặn, tránh ăn dầu mỡ nhiều. Thế nhưng, từ khi đồ ăn nêm nếm nhạt bớt đi, cụ không thể ăn được, thậm chí bỏ ăn. Nhiều lần mọi người bắt gặp cụ lén thêm muối, nước mắm vào phần ăn của mình. Từ giải thích dần dần biến thành cuộc giằng co, tranh cãi giữa hai bố con. Thương bố, muốn bố khỏe mạnh, bất đắc dĩ anh T. phải theo sát như hình với bóng để canh me bố. Sự giám sát chặt chẽ của con khiến bố anh T. khó chịu, thậm chí giận dỗi con cháu. Cụ mắng con: “Bố già rồi, sống được mấy ngày nữa đâu mà các con không cho bố ăn những gì bố thích”. Nghe bố nói, anh T. rơm rớm nước mắt, nhưng chẳng lẽ biết bố ăn xong sẽ lên cơn cao huyết áp, nhập viện mà con cháu cứ làm ngơ. Thế rồi cụ bỏ sang nhà họ hàng ở, kể lể trách móc con cái không cho ăn uống.

Dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị

Tha… chet chu khong an kieng
 

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Luân - Khoa Mắt Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ở người bệnh đái tháo đường, khả năng đục thủy tinh thể cao gấp 2-5 lần người bình thường. Khi bị đục thủy tinh thể, mắt sẽ mờ như có màn sương mù phía trước khiến người bệnh nhìn không rõ. Nguy cơ bị tăng nhãn áp ở nhóm bệnh nhân này cao hơn người bình thường khoảng 40%.

Bệnh càng lâu năm thì khả năng biến chứng càng cao. Tuy nhiên, ngày nay, đa số các biến chứng mắt do đái tháo đường đều có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả, tránh nguy cơ mù lòa nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm. Để phòng ngừa biến chứng mắt, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị, kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, mỡ máu và có cuộc sống lành mạnh, hạn chế thức uống có cồn, đồ ăn ngọt, tinh bột, thuốc lá... Đồng thời, mỗi người bệnh đái tháo đường cần có một lịch trình theo dõi và điều trị chuyên biệt quyết định bởi bác sĩ chuyên khoa mắt để được chăm sóc tốt nhất.

Còn theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - loét chân do đái tháo đường là một biến chứng khá phổ biến và là nguyên nhân nhập viện hàng đầu. Ước tính hằng năm có khoảng 1-4% người bệnh đái tháo đường bị loét chân và 10-15% người bệnh đái tháo đường có ít nhất một lần loét chân trong đời. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng cắt cụt chi không do chấn thương. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ loét chân và cắt cụt chi ở người bệnh đái tháo đường bao gồm: thời gian mắc bệnh kéo dài trên mười năm, đường huyết không được kiểm soát tốt và có nhiều biến chứng kèm theo.

Bên cạnh việc tái khám và theo dõi sức khỏe định kỳ mỗi tháng, uống thuốc đều đặn, bệnh nhân đái tháo đường và bệnh nhân mắc các bệnh lý chuyển hóa mạn tính nói chung cần có ý thức ăn uống lành mạnh bởi chế độ dinh dưỡng quyết định rất lớn đến hiệu quả điều trị bệnh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI