Tại sao tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao nhưng tử vong lại cao?

15/10/2018 - 07:00

PNO - Tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao so với thế giới nhưng tỷ lệ tử vong lại cao hơn.

Số liệu Globocan 2018 mới nhất được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC, thuộc Tổ chức Y tế thế giới WHO) công bố trong tháng Chín vừa qua, cho thấy tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao so với thế giới nhưng tỷ lệ tử vong lại cao hơn.

Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - xung quanh vấn đề này.

Tai sao ty le mac ung thu cua Viet Nam khong cao nhung tu vong lai cao?
 

Phóng viên: Râm ran trên báo chí và mạng xã hội đặt vấn đề tại sao tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao so với thế giới (151,4 ca mắc mới so với 197,9 ca, tính trên 100.000 dân), thế nhưng tỷ lệ tử vong lại cao hơn (104,4 ca tử vong/100.000 dân so với 101,1 ca/100.000 dân). Ông có thể lý giải về điều này?

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn: Có vài phân tích nguyên nhân cần lưu ý. Thứ nhất, phải chăng tỷ lệ bệnh nhân của chúng ta được phát hiện ở giai đoạn trễ nhiều quá. Ví dụ, chỉ riêng tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM đã ghi nhận có đến 2/3 trường hợp ung thư nhập viện rơi vào giai đoạn ba, tức giai đoạn muộn. Tất nhiên, trên toàn quốc vẫn chưa có thống kê, nhưng chắc cũng sẽ có sự tương đồng như vậy.

* Vấn đề thứ hai có phải là câu chuyện chăm sóc, điều trị của ta có vấn đề như dư luận đặt ra không, thưa ông?

- Không, tôi không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng, tình hình điều trị ung thư của Việt Nam hiện nay là có thể yên tâm, dù thực tế bao giờ cũng tồn tại xác suất chẩn đoán sai, thậm chí điều trị sai, nhưng cần phải có ghi nhận cụ thể. Hiện ở BV Ung Bướu TP.HCM đã triển khai tất cả các “vũ khí” điều trị ung thư một cách kịp thời so với các bước tiến của y học thế giới. Ngay cả phương pháp điều trị ung thư bằng cơ chế kiểm soát miễn dịch vừa được trao giải Nobel y học cũng đã được chúng tôi triển khai mấy năm trước. Bên cạnh đó, các loại thuốc mới, nhiều liệu pháp kỹ thuật cao liên quan phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... hiện cũng đang hoạt động hết công suất và luôn cập nhật mới.

Tai sao ty le mac ung thu cua Viet Nam khong cao nhung tu vong lai cao?
Theo Globocan 2018, dự kiến trong năm nay số ca ung thư mắc mới ở nữ giới nước ta là 73.849 ca

Ở đây, nguyên nhân thứ hai tôi muốn đề cập là có những loại ung thư rất thường gặp nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Ngược lại, có loại ung thư ca mắc mới ít hơn nhưng tử suất lại rất cao. Chẳng hạn, nhìn vào số liệu Globocan 2018, ta thấy Úc và New Zealand là hai nước dẫn đầu về tỷ lệ mắc ung thư. Tuy nhiên, phần lớn chỉ mắc những loại ung thư “dễ chịu”, có tỷ lệ tử vong thấp như ung thư da, tiền liệt tuyến… Ngược lại, Việt Nam tuy số mắc mới ít hơn, nhưng toàn mắc phải những loại ung thư có tỷ lệ tử vong khá cao như ung thư phổi, gan. Tóm lại, nên chăng cần xét hai khía cạnh, bệnh nhân của mình nhập viện thường ở giai đoạn trễ và ta lại thường mắc những bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao.

* Bác sĩ có đề cập mặt tích cực từ số liệu Globocan 2018, vậy bác sĩ có thể cho biết rõ hơn?

- Nhìn vào số liệu mới nhất được công bố, tôi chú ý nhiều hơn đến thống kê về năm loại ung thư thường gặp trên thế giới và Việt Nam. Đối với thế giới, năm loại ung thư thường gặp nhất (cả nam và nữ) lần lượt là phổi, vú, đại trực tràng, tiền liệt tuyến và dạ dày. Và năm loại ung thư có tỷ lệ tử vong nhiều nhất thế giới lần lượt là phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan và vú.

Với Việt Nam, năm loại ung thư thường gặp nhất theo thứ tự từ cao đến thấp là gan, phổi, dạ dày, vú và đại trực tràng. Đáng chú ý, về năm loại ung thư có tỷ lệ tử vong nhiều nhất là gan, phổi, dạ dày, vú và bệnh bạch cầu (ung thư máu).

Như vậy, nếu so với Globocan 2012, có nhiều thay đổi đáng khích lệ. Ví dụ, ung thư phổi đã xuống hàng thứ hai cả về tỷ lệ mắc lẫn tử vong. Điều này cho thấy, có lẽ tỷ lệ người hút thuốc lá đã giảm. Đáng mừng hơn, bệnh ung thư cổ tử cung đã lọt ra khỏi tốp 5 “bảng tử thần” này so với năm 2012. Điều này cho thấy, phụ nữ đã ý thức hơn về việc chích ngừa vi-rút HPV, giữ vệ sinh và thực hiện các biện pháp an toàn tình dục…

Tôi xin nhắc lại, từ các số liệu Globocan qua các năm, cần nhìn nhận ung thư vẫn đang tăng. Cách tốt nhất là người dân tự phòng ngừa trong chế độ ăn uống điều độ, dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục, và đặc biệt luôn phải khám sức khỏe định kỳ. Đối với những bệnh ung thư đã có biện pháp tiêm ngừa các tác nhân nguy cơ như viêm gan siêu vi B, ung thư cổ tử cung… nên thực hiện theo khuyến cáo. Hạn chế hoặc ngưng hút thuốc lá. Globocan 2018 còn cho thấy, ung thư gan đang là mối đe dọa hàng đầu của chúng ta. Nam giới nên hạn chế rượu bia và tầm soát 
thường xuyên.

* Xin cảm ơn bác sĩ. 

Số ca mắc ung thư mới tăng dần theo từng năm. Năm 2000, Việt Nam có khoảng 69.000 ca ung thư mắc mới, năm 2012 là 126.000 ca, năm 2015 lên đến 150.000 ca và năm 2018 là 164.000 ca. Ước tính đến năm 2020, số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200.000 người. 

Dù vậy, khi xem Globocan 2018 mới nhất, so với số liệu Globocan 2012 có nhiều thay đổi mà theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn là tương đối tích cực cho Việt Nam. Năm 2012, khảo sát trên 173 quốc gia, Việt Nam đứng ở nhóm hai trên sáu nhóm được phân chia theo mật độ mắc ung thư. Lần này, thống kê trên 180 nước, thì hiện tại trên bản đồ ung thư thế giới, Việt Nam đang ở nhóm bốn. Tỷ lệ mắc không cao, tuy tử suất có hơn thế giới một chút.

Người bệnh ung thư cần hỗ trợ tâm lý

Bác sĩ Lê Tuấn Anh - Phó giám đốc Trung tâm Ung bướu BV Chợ Rẫy TP.HCM - cho rằng, số liệu Globocan 2018 giúp cho người hoạch định chính sách thấy được mô hình bệnh tật của nước mình, để từ đó đưa ra được những sách lược thích hợp để an dân. “Về mặt khoa học, người ta sẽ quan tâm đến chi tiết mắc của từng loại bệnh để biết được mô hình bệnh tật của quốc gia đó, biết được ung thư nào phổ biến và tiếp đó sẽ đưa ra được những chính sách nhằm có thể làm gì để giảm số mắc. Ví dụ tập trung nguồn lực, thuốc men, bảo hiểm y tế, truyền thông giáo dục… cho những loại ung thư đang phổ biến tại đất nước mình”, bác sĩ Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, cái cần của ung thư tại Việt Nam đang là vấn đề hỗ trợ tâm lý, tinh thần chứ không còn là chuyện thuốc men, chữa trị. “So với các bệnh lý khác có thể đột tử như tim mạch, tai biến mạch máu não, ung thư lại là một cái chết có kế hoạch. Khi mắc bệnh, người bệnh phải lên kế hoạch chữa trị, cần thời gian để sắp xếp gia đình, con cái, tài chính… Nói chung, suốt quá trình này người bệnh cần được hỗ trợ tinh thần, cái xem ra còn xa vời với hệ thống y tế”, bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI