Sức khỏe của nữ bệnh nhân mắc bệnh Whitmore bị ăn mòn cánh mũi giờ ra sao?

20/09/2019 - 15:07

PNO - Whitmore là một bệnh truyền nhiễm được các nhà khoa học Pháp phát hiện ở Việt Nam gần 100 năm trước.

Ngày 20/9, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cung cấp thông tin mới nhất liên quan tới chị P.T.S (49 tuổi, ở Bắc Kạn) – bệnh nhân đã bị ăn mòn cánh mũi do mắc bệnh Whitmore.

Trước đó, chị S. được chuyển từ bệnh viện tỉnh tới Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao liên tục, phần cánh mũi đã bị "ăn mòn".

Suc khoe cua nu benh nhan mac benh Whitmore bi an mon canh mui gio ra sao?
Nữ bệnh nhân bị ăn mòn cánh mũi do mắc bệnh Whitmore hiện đã hồi phục sau 3 tuần điều trị

Một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện nhọt ở cánh mũi và có dấu hiệu hoại tử lan rộng, đồng thời xuất hiện thêm ổ áp-xe ở khớp cổ chân phải. Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do tụ cầu trên nền bệnh nhân đái tháo đường tupe 2 nhưng điều trị không đỡ.

Khi chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cấy mủ của bệnh nhân để tìm nguyên nhân và cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây ra do mắc bệnh Whitmore.

"Ca bệnh tổn thương cánh mũi này lần đầu tiên gặp ở Việt Nam và cũng chưa từng được đề cập trong y văn thế giới, vì vậy chẩn đoán ban đầu rất khó khăn", PGS Cường chia sẻ.

Sau khi phát hiện chị S. mắc bệnh Whitmore, các bác sĩ đã phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị bằng phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao, theo dõi bởi nhiều chuyên khoa. Bên cạnh đó, phối hợp điều trị bệnh nền và giải quyết các tổn thương tại chỗ, đặc biệt là chăm sóc vết thương hàng ngày để bảo tồn cánh mũi.

Sau 1 tuần điều trị, các dấu hiệu bệnh Whitmore bắt đầu thuyên giảm: sốt giảm dần, cánh mũi se lại, không còn chảy mủ. 3 tuần sau, bệnh nhân cắt sốt, toàn trạng ổn định, ăn ngon miệng.

Đặc biệt, phần tổn thương ở cánh mũi đã được hồi phục hoàn toàn. Hiện, sau hơn 3 tuần điều trị, bệnh nhân được xuất viện và điều trị ngoại trú

Có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời

Trước câu hỏi “Whitmore có phải là vi khuẩn ăn thịt người?” như một số báo đã đưa tin khiến dư luận hoang mang trong thời gian gần đây, PGS.TS Đỗ Duy Cường khẳng định Whitmore không phải là vi khuẩn “ăn thịt người”. 

Suc khoe cua nu benh nhan mac benh Whitmore bi an mon canh mui gio ra sao?
Hai bệnh nhi được phát hiện nhiễm bệnh Whitmore sau một thời gian chữa quai bị tại nhà

"Bệnh cũng không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người. Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng có kháng sinh điều trị đặc hiệu nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang”.

PGS.TS Cường phân tích, bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, những người có cơ địa mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn.

Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh...

Ở người lớn, bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp nên Whitmore thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ, bệnh hệ thống. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.

Trong khi đó, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng không hề đơn giản. Bệnh nhân phải dùng kháng sinh tấn công liều cao, kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do mắc bệnh Whitmore còn cao, lên tới 40%.

PGS.TS Cường cho biết, hiện Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã có kế hoạch tổ chức các đợt tập huấn cho các bác sĩ tuyến dưới để tăng cường sàng lọc, phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm ca bệnh.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI