Nhiều căn bệnh tấn công người trẻ

29/12/2017 - 07:47

PNO - Thông tin từ các bệnh viện tại TP.HCM, lượt bệnh nhân đến khám bệnh trong năm 2017 tăng hơn những năm trước.

Điều đó cho thấy người dân ngày càng ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đến khám trong tình trạng quá trễ khi bệnh tình đã nặng, khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều căn bệnh vốn chỉ “ghé thăm” người có tuổi, nay tấn công sang người trẻ, thậm chí là trẻ em. 

Nhieu can benh tan cong nguoi tre
Bác sĩ Bệnh viện Thủ Đức đang giao lưu với bạn đọc báo Phụ Nữ về bệnh người già ở người trẻ.

 Đột quỵ ở người trẻ tăng mạnh

Đột quỵ, còn gọi là tai biến mạch máu não, là căn bệnh rất phổ biến, nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18%, ở nữ giới là 23%. 

Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM: mỗi tháng BV tiếp nhận 100-120 ca đột quỵ. Trong đó, chỉ có 8% người bệnh được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” (6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể xem là thời gian kim cương).

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Đặc biệt những năm gần đây, đột quỵ có xu hướng tấn công sang người trẻ tuổi: tỷ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi chiếm đến 30%.

BS Bá Thắng lưu ý: một người trẻ tuổi đang khỏe mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào, dù không có dấu hiệu báo trước. Với đột quỵ, mỗi giây đều quý, nghĩa là dù trong thời gian vàng nhưng người chữa sớm hơn sẽ có kết quả tốt hơn. 

Đái tháo đường: sát thủ thầm lặng

Theo GS-BS Thái Hồng Quang - Chủ tịch Hiệp hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở nước ta ngày càng tăng mạnh, có xu hướng trẻ hóa, thậm chí có trẻ bị ĐTĐ type 2 khi mới 5 tuổi. Theo Liên đoàn ĐTĐ quốc tế (IDF), có hơn 52% bệnh nhân ĐTĐ ở Việt Nam chưa được chẩn đoán, có đến 52,7% người chết vì bệnh này trước năm 60 tuổi. 

Đối tượng trong diện “quy hoạch” bệnh này là người béo phì (chỉ số khối cơ thể trên 25), vòng eo to (nam trên 90cm và nữ bằng hay trên 80cm), tăng huyết áp, người bị rối loạn lipid trên xơ vữa… Ngoài ra, những trẻ khi mới sinh ra có cân nặng hơn 4kg cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐ. Đây là căn bệnh để lại những biến chứng rất nguy hiểm như cụt chi, mù mắt, suy gan, suy thận và tử vong cao nhưng nhiều người vẫn chủ quan. 

Để phòng bệnh ĐTĐ, TS-BS Lâm Văn Hoàng - Trưởng khoa Nội tiết BV Chợ Rẫy - khuyên: “Cần áp dụng lối sống lành mạnh (đi bộ mỗi ngày 30 phút, ăn nhiều rau xanh, không ăn thức ăn chiên ngập dầu, không ngồi xem ti vi, máy tính, chơi game nhiều, ít nhất 60 phút phải đứng dậy hoạt động một lần). 

Riêng với người đang mắc bệnh ĐTĐ, cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng, uống thuốc và tiêm insulin đầy đủ. Cần phải bảo vệ đôi chân như bảo vệ gương mặt, không được ngâm chân, không để chân bị trầy xước vì rất khó lành.

Nhieu can benh tan cong nguoi tre
 

Nhiều người bị bướu giáp nhân (bướu cổ)

Theo các chuyên gia nội tiết, tỷ lệ bệnh nhân bị bướu cổ ngày càng cao, hiện nay tỷ lệ người bệnh tầm soát sức khỏe, phát hiện bướu giáp nhân qua siêu âm tuyến giáp đến 15%. Người mắc bệnh lý này đến khám tại các phòng khám nội tiết có số lượng bệnh tương đương với căn bệnh thời đại là ĐTĐ. Bướu giáp có thể gặp khi mới sinh hoặc xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt cuộc đời, lứa tuổi thường gặp từ 30-55 tuổi. 

Xương khớp đình công

Trung bình mỗi ngày, ngoài BV Chấn thương Chỉnh hình, các BV Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Nhân dân Gia định, 115… tiếp nhận hàng trăm ca khám về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp ở người trẻ.

Theo PGS-TS-BS Bùi Hồng Thiên Khanh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đại học Y dược, thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình cơ học, sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại sụn, xương dưới sụn. Sự mất cân bằng này có thể do nhiều yếu tố như di truyền, chuyển hóa và chấn thương.

Tại Việt Nam có khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp. Trong đó, đáng lưu ý là bệnh lý thoái hóa khớp gối đang ngày càng gia tăng, có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. 

Bệnh tăng huyết áp ở trẻ em

Hiện nay tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ em đang được báo động. Tại lễ tổng kết dự án “Cộng đồng vì trái tim khỏe” được tổ chức mới đây, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế  TP.HCM, cho biết: tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp trong cộng đồng ngày càng cao, chiếm khoảng 25%. 

Điều báo động là tình trạng tăng huyết áp ở học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh THPT mắc bệnh là 17%, THCS 15% và tiểu học 13%. 

Thừa cân và tiêu thụ muối quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh cao huyết áp. 

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI